Địa danh xưa ở Tuy Phong

01/11/2016 09:51

Theo dõi trên

Vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), phủ Bình Thuận được nâng lên thành tỉnh, chia làm hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận, cùng lúc lập thêm 2 huyện Tuy Phong và Tuy Định (theo tổ chức hành chánh bấy giờ huyện trực thuộc phủ). Năm 1836, phủ Ninh Thuận (thuộc tỉnh Bình Thuận) có 2 huyện An Phước, Tuy Phong. Huyện Tuy Phong có 4 tổng Bình An, Nghĩa Lập, Tuy Tịnh và tổng đảo Phú Quý (Thuận Tĩnh) gồm 10 đảo lớn nhỏ.

Đến năm Đồng Khánh (1886), có sự tách nhập để lập Hòa Đa Thổ huyện và một số xã cũ thuộc Tuy Phong đưa vào phủ Ninh Thuận (tỉnh Khánh Hòa). Huyện Tuy Phong lúc này còn hai tổng Bình Thạnh, Tuy Tịnh thuộc về phủ Hàm Thuận (Bình Thuận). Từ năm 1910, tỉnh Bình Thuận có 2 phủ Hàm Thuận và Phan Lý (Chăm) và 4 huyện, trong đó có huyện Tuy Phong (gồm tổng Bình Thạnh và Phú Quý)… Sự thay đổi về địa giới, sáp nhập đối với Tuy Phong trong quá trình lịch sử hình thành vùng đất cũng là cơ hội để hội tụ được những giá trị hòa hợp, làm nên bản sắc văn hóa của địa phương.



Du khách tham quan Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Ảnh: N.Lân

Trong “Bài vè thủy trình từ Huế vô Sài Gòn”, đoạn qua vùng biển Tuy Phong, dọc dài các địa danh mà chính xác như một bức hải đồ. Các địa danh Bãi Lưới, An Hòa, Bãi Tiên, Khu Ông, Lau Cau, Lòng Sông, Mũi Chọ, La Gàn, Gành Son, Trại Lưới, Cửa Duồng… được nhắc đến. Thời xưa, giao thông bắc - nam chỉ theo đường biển và đường quan lộ. Đường biển bằng ghe bầu, giương buồm nương mùa gió mà đi. Bài vè để cho các lái (tài công) dựa theo các địa danh ven bờ ghé vào lấy nước ngọt, thực phẩm hay mua bán và tránh xa những mũi đá, rạn ngầm hiểm nguy bằng bài vè ngâm nga cho dễ nhớ, dễ đọc.Tuy nhiên trong ghi chép, chữ viết, ngữ âm của ngư dân địa phương có nhiều địa danh khác nhau nhưng vẫn có thể suy luận được. Bờ biển Bình Thuận kéo dài 192 km, trong đó Tuy Phong có 50 km mà gần 10 địa danh, nhưng do quá trình phát triển, cư dân đã làm biến mất và được thay thế bằng những địa danh hành chánh mới.

Trong các địa danh có nguồn gốc từ xa xưa, thì La Gàn ngày nay có một lai lịch khá đặc biệt. Theo đó mũi La Càn, La Xa đều phiên âm Latin từ chữ Hán là La Càn hoặc Lagan đều do phát âm từ tên gốc Chăm. Đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825) đổi thành La Hàn. Qua bản đồ của giám mục Taberd, một nhà truyền giáo, từ năm 1838 đã lập ra bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” ghi chép khá đầy đủ về biển đảo Việt Nam bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lưu trữ tại thư viện đại học Yale (Mỹ). Địa danh La Gàn, xuất xứ do phiên âm từ chữ Hán là La Càn và trên bản đồ chuyển từ quốc ngữ La Gàn viết thành “Lagan”. Trường hợp này cũng tương tự  địa danh Khê Gà/ Khe Gà (Hàm Thuận Nam) trên bản đồ của người Pháp là Kéga- qua người Việt thành Kê Gà hay mũi Vị Nê viết là Viné, đọc tắt thành Mũi Né cho đến sau này.

Một địa danh nữa được nhắc tới mà hiện nay cũng có nhiều cách viết, cách giải thích khác nhau, đó là Cù lao Câu (Hòn Cau). Tên gọi xưa với hòn đảo thơ mộng này là Tân Lang Dữ (dữ là đảo, hòn) do chuyển từ chữ Nôm ra Cù Lao Cau, không phải như nhiều người nghĩ Cù Lao Câu ở đây là nơi thu hút ngư dân làm nghề câu vì tập trung có nhiều cá biển. Thực ra Tân Lang có nghĩa là cây cau (aréquier), tức cùng nghĩa là người mới cưới vợ. Trên bản đồ phủ Ninh Thuận trong “Thông quốc diên cách hải chử” ghi Tân Lang Dữ. Các bản đồ về tuyến đường biển đông Ấn Độ từ năm 1618 hoặc bản đồ Taberd cũng ghi “Cu Lau Cau”. Như vậy, đúng nghĩa phải là Cù Lao Cau (hòn Tân Lang/ Tân Lang Dữ) nhưng do bị lệch âm của người bản địa từ Cau thành Câu. Hòn đảo này cách bờ xã Phước Thể gần 7 hải lý, cảnh quan đã đẹp về tên gọi nhưng còn có giá trị tiềm năng thiên nhiên với khoảng 234 loài san hô, 34 loài thủy sinh vật biển quý hiếm…

Trên bản đồ “Đại Nam nhất thống chí” dưới triều Nguyễn (1838) có mô tả một động cát màu đỏ chạy dài từ thôn Lương Sơn đến thành cũ. Ghe thuyền di chuyển ngang qua vùng biển La Gàn đều nhìn thấy động cát đỏ này. Động cát có tên gọi chữ Hán là Xích Thổ Cương (Cương là sống đất) tức Gò Đất Đỏ. Thời Tự Đức thứ 12 (1859) có lập một đồn binh đặt tên đồn Xích Thổ, khoảng gần cầu sông Đồng. Trước năm 1975, tại đây có một đồn lính Việt Nam Cộng hòa trú đóng với tên đồn Xích Thố, trở thành quen thuộc của người dân địa phương về một địa danh, bởi cho rằng “xích thố” là con ngựa chiến có bộ lông màu đỏ của đồn binh ngày xưa. Thực ra nghĩa của chữ Thố không phải là ngựa và cũng không mang ý nghĩa gì với địa hình dải đồi đất đỏ nổi lên giữa vùng cát trắng mênh mông ở đây.

Quá trình phát triển cư dân có xu hướng từ bắc vào nam, thì Tuy Phong có nhiều ưu thế là cửa ngõ Bình Thuận, nhưng từ Cá Ná vào chỉ là vùng đất cát hoang hóa, lùm bụi và thú dữ hoành hành cho nên dân cư chỉ dồn về phần đất dọc biển phía nam. Trong “Việt Nam những sự kiện lịch sử” thì ngày 18/2/1916, toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Phan Rí (Bình Thuận), tức cách đây 100 năm và chỉ sau năm thành lập thị xã Phan Thiết (1898) không xa.

Tuy Phong có lợi thế một bãi biển được thiên nhiên ưu đãi giàu cảnh sắc tuyệt vời trong không gian biển trời lãng mạn. Đó là Gành Son, Đồi Dương, Bình Thạnh và các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng như chùa Cổ Thạch, Tháp Chăm, đình Bình An, đồi Cát Bay, lăng Ông Nam Hải… gắn liền với những huyền thoại, những câu chuyện có giá trị nhân văn. Cù Lao Câu, bãi đá bảy màu ở bãi biển Bình Thạnh đã trở thành “đặc sản” thu hút ngày càng nhiều đối với khách du lịch từ các nơi. Với đường sắt song hành cùng quốc lộ 1A tuyến bắc - nam, Tuy Phong có nhiều thuận lợi về giao thương, kết nối với các vùng miền trong phát triển kinh tế.

(Theo Báo Bình Thuận)

Phan Chính
Bạn đang đọc bài viết " Địa danh xưa ở Tuy Phong" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.