Di tích lịch sử chùa Chrôi Tansa

11/08/2015 09:47

Theo dõi trên

Chùa Chrôi Tansa (Jambùdìpavàràràma), hay còn gọi là chùa Bãi Xào Giữa, tọa lạc ở ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 40 km về hướng Nam và cách thị trấn Trà Cú khoảng 05 km về hướng Tây Nam.

Chùa được tạo lập vào năm 1847 Dương lịch (Phật lịch 2391) do phật tử trong ấp hiến đất và xây dựng gồm: ông Lý Pune, ông Nhang, ông Dương và bà Lâm Thị Se. Trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Thạch Khmao. Đến nay, chùa đã trải qua 16 đời hòa thượng, sư cả trụ trì và nhiều lần trùng tu sửa chữa. Cũng như những ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, chùa Chrôi Tansa có quần thể kiến trúc mang đặc trưng chùa Khmer Nam Bộ, gồm có: cổng chùa, chính điện, tăng xá, sala, trường học, tháp để cốt. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ như: sao, dầu, thốt nốt, bình linh, tạo nên một khung cảnh thoáng mát và yên tĩnh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Chrôi Tansa không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giáo dục của cộng đồng dân tộc Khmer tại phum sróc mà còn là cơ sở hoạt động bí mật, địa điểm nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng. Nơi đây còn là trung tâm đoàn kết giữa ba dân tộc Kinh- Khmer- Hoa trong vùng, và là nơi xuất phát nhiều phong trào đấu tranh chính trị của sư sãi, quần chúng nhân dân. Nhà chùa và bà con phật tử đã đóng góp nhiều của cải vật chất cho cách mạng. Nhiều cán bộ của xã, huyện, tỉnh và khu Tây Nam Bộ được nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ an toàn. Nhiều đồng chí sau này đã hoặc đang đảm nhận trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước như: ông Maha Sơn Thông - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Lâm Phú (Ba Tranh) - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Dân tộc miền núi của Chính Phủ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long; ông Trần Lái - Tỉnh ủy viên; ông Thạch Tua (Ba Tưa) - Tỉnh ủy viên; ông Thạch Minh Mẫn - nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà vinh…
 
Từ năm 1940, có người con ưu tú của quê hương Trà Cú đó là đồng chí Trần Lái (Ba Oai) quê ở ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên. Ông là Đảng viên kiên trung người Khmer sinh ra trong một gia đình tri thức, sớm giác ngộ cách mạng từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông được cha mẹ khuyến khích vào chùa Chrôi Tansa để học giáo lý và tìm đến học tập ở các nhân sĩ yêu nước tên tuổi như: Từ Bá Đước, Cao Phát Thành, Thạch Tụm... Ông nhận được sự giáo dục tận tâm của các đồng chí về chủ nghĩa yêu nước. Năm 1940, ông tham gia một số công tác như liên lạc, bảo vệ, nuôi chứa cán bộ trong nhà. Qua thời gian rèn luyện thử thách, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng vào ngày 11/02/1945 với nhiệm vụ là cán bộ tuyên truyền của xã phụ trách thanh niên. Cùng với lực lượng này, đồng chí Trần Lái tham gia cướp chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở xã Ngãi Xuyên. Khi chính quyền cách mạng huyện Trà Cú được thành lập, ông được phân công làm cán bộ tuyên truyền cấp huyện với nhiệm vụ vào vùng đồng bào dân tộc Khmer để vận động bà con đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Cuối năm 1945, đồng chí Trần Lái được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Sau khi thực dân Pháp tái chiếm huyện Trà Cú đặt lại bộ máy cai trị từ huyện đến xã và ấp, chúng ráo riết thiết lập hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền thực dân và tay sai, thi hành chính sách “chia để trị”. Thực dân Pháp đã ra sức khai thác và xuyên tạc những sự kiện lịch sử để gieo rắc tâm lý kỳ thị phân biệt trong cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh gây nên mâu thuẩn giữa đồng bào Khmer và Việt. Trước tình hình đó, sư cả Kim Mỹ và sư sãi chùa Chrôi Tansa đã giải thích và thuyết phục người Khmer hiểu rõ âm mưu chia rẽ của thực dân Pháp, đồng thời vận động quần chúng Khmer đoàn kết với đồng bào Việt, tích cực tham gia công tác mặt trận đoàn kết dân tộc cùng đấu tranh chống thực dân Pháp.
 
Đầu năm 1946, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Trà Cú thành lập Hội Ủng hộ bộ đội Isarăk, đồng chí Trần Lái được phân công giữ chức vụ Hội trưởng. Đây là tổ chức quần chúng trong vùng đồng bào Khmer, lập ra theo sáng kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thái Bường nhằm mục đích tuyên truyền, giải thích cho bà con nhận thức rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sức người, sức của vào công cuộc kháng chiến của đất nước.
 
 
Di tích chùa Chrôi Tansa
 
Các chi bộ xã trong huyện được thành lập, trước tiên là các xã ven sông Hậu và xã Đôn Châu. Đến giữa tháng 12/1946, các xã đều có chi bộ lâm thời. Chi bộ xã Ngãi Xuyên lúc bấy giờ có số lượng Đảng viên đông nhất với 20 Đảng viên do đồng chí Văn Công Phải làm Bí thư. Nắm được ý đồ của địch nên chi bộ tổ chức đến các chùa xây dựng cơ sở. Đối với chùa Chrôi Tansa, đồng chí bí thư chi bộ đã bàn bạc với sư cả Kim Mỹ chọn chùa làm cơ sở hoạt động hợp pháp, làm nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và tổ chức vận động các vị sư sãi, quần chúng tham gia biểu tình chống bắt lính, đòi giảm tô, giảm thuế... Cơ sở hoạt động bí mật và nuôi chứa cán bộ cách mạng tại chùa Chrôi Tansa được gầy dựng. Tham gia cơ sở cách mạng có sư cả Kim Mỹ và một số sư sãi, nhà giáo như: ACha Kim Pơne, ông Trần Lái, cán bộ hoạt động; ông Hồng Vạn Xuân, cán bộ tuyên huấn; ông Hồng Vạn An, cán bộ đấu tranh;  ông Võ Văn Cầm, ông Võ Văn Chòng, du kích hoạt động; ông Dương Cửu, ông Sơn Hunh, ông Nhang Công, cán bộ hoạt động...
 
Bên cạnh đó, nhà chùa còn mở trường dạy học giáo lý, pali và các lớp phổ thông. Thông qua các lớp học này, các vị sư sãi và cán bộ cơ sở đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Từ những lớp học này nhiều người sau đó trở thành những cán bộ chiến sĩ cách mạng.
 
Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, địch bắt đầu đánh phá cơ sở của ta. Mặc dù từ năm 1954-1959, lực lượng cách mạng gặp rất nhiều khó khăn, địch bắt bớ giam cầm nhiều cán bộ, tìm mọi cách cô lập gia đình kháng chiến. Tuy nhiên, nhiều gia đình không ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng trong đó có sư sãi chùa Chrôi Tansa. Nhà chùa tiếp tục làm hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Đặc biệt, trong chính điện là nơi tôn nghiêm nhất, nhưng các vị sư đã không ngại nuôi chứa cán bộ ngay trên gác và trong tăng xá.
 
Trước năm 1954, khi Acha Lovis Saráth còn là một nhà sư đã nhận thấy cảnh nhân dân Đông Dương sống lầm than cơ cực dưới ách thống trị của phong kiến, thực dân nên sớm giác ngộ cách mạng và tham gia trong phong trào Isarắc chống Pháp. Sau năm 1954, ông không tập kết ra Bắc mà trở về chùa Chrôi Tansa lúc bấy giờ thuộc xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú hoạt động và làm nồng cốt trong phong trào sư sãi của tỉnh nhà. Là một vị trí thức, Acha Lovis Saráth vừa tham gia giảng dạy Pali - Khmer cho sư sãi ở nhiều chùa, vừa tranh thủ vận động giác ngộ cách mạng trong sư sãi và đồng bào Khmer. Trong các cuộc vận động đấu tranh lớn như: mít tinh chống Mỹ - Diệm tại chùa Sam Rông Ek năm 1957, cuộc vận động thành lập trường Minh Trí (Ra-sa-mây- Cha-ri-da), ông là một nhà sư đi tiên phong. Với những việc làm thiết thực của mình, ông đã tạo được uy tín lớn trong sư sãi và đồng bào Khmer. Là tu sĩ hoạt động cách mạng đến cư trú tại chùa Chrôi Tansa, ông đã mở lớp dạy học về đạo đức tôn giáo dân tộc Khmer, về chính sách của Đảng và Nhà nước. Lớp học có các ông như: Giang Quân, Diệp Sung, Sơn Ánh Bình... Ông còn tổ chức in ấn tài liệu, giấy truyền đơn phục vụ kháng chiến.
 
Đầu năm 1955, đồng chí Trần Lái được Tỉnh ủy phân công làm Phó Ban Khmer vận, tham gia hoạt động hợp pháp còn có các cán bộ như: Acha Lovis Saráth, Acha Phơ, Acha Sơn Hunh. Cơ sở của Ban Khmer vận đặt tại chùa Chrôi Tansa.
 
Năm 1957, Tỉnh ủy chọn chùa Chrôi Tansa làm trụ sở của Ủy ban Mặt trận giải phóng miền Nam, Acha Lovis Saráth được Tỉnh ủy bầu làm chủ tịch lâm thời. Năm 1958, trong chuyến đi công tác xuống chùa Ta Lôn ở ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, do bị địch theo dõi, ông bị bắt và giam tại khám lớn Trà Vinh. Bọn chúng đã tra tấn và dùng mọi cực hình, nhưng với ý chí của người cộng sản ông thà chết chứ không khuất phục trước kẻ thù.
 
Hưởng ứng phong trào Đồng Khởi, ngày 14/9/1960, nhân dịp lễ Senl Đônlta cổ truyền của đồng bào Khmer, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy có đồng chí Trần Lái (Ba Oai) - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Khmer vận; Thạch Tua - Phó Ban Khmer vận; Thạch Minh Mẫn (Ba Thành) - Cán bộ Tuyên huấn huyện; Đại đức Sơn Vọng- Hội Mêkone Hội Sư sãi yêu nước tỉnh; đồng chí Thạch Tòng - Bí thư; Kim Giàu (Tám Xuân) - Phó Bí xã Ngãi Xuyên đã triển khai kế hoạch phối hợp các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang đấu tranh trực diện với địch. Lực lượng khoảng 60.000 người gồm sư sãi và nhân dân, trong đó có cả các gia đình binh sĩ ngụy xuống đường biểu tình kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Bình đưa yêu sách đòi thả ngay Acha Lovis Saráth, Maha Phơ, chống bắt sư sãi, chống chế độ  Ngô Đình Diệm, chống luật 10/59, đòi được tự do đi lại, tự do học hành, tự do hội họp và lập hội. Đoàn biểu tình chia làm nhiều cánh, riêng cánh của huyện Trà Cú khi đến Giồng Lức huyện Châu Thành, tên tỉnh trưởng Lê Hoàng Thao huy động lực lượng ra ngăn chặn, đàn áp. Hai bên sô sát làm cho lực lượng ta bị thương 20 người và hy sinh 02 người. Cuộc biểu tình đã làm cho địch hoang mang lo sợ, buộc tên tỉnh trưởng Vĩnh Bình phải nhượng bộ hứa giải quyết yêu sách và chúng phải thả Maha Phơ, Acha Lovis SaRáth. Cuộc biểu tình đã tạo tiếng vang lớn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh sau này.
 
Sau khi được thả về, ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Vào năm đồng khởi 1960, ông là người đầu tiên được cử làm Chủ  tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Trà Vinh.
 
Năm 1961, một lần nữa ông bị địch bắt và lần này bọn chúng đày ông ra Côn Đảo. Dù bị địch giam giữ trong biệt giam một thời gian dài và dùng đủ mọi thủ đoạn và cực hình tra tấn hết sức dã man nhưng trước sau như một, ông vẫn một lòng một dạ thủy chung son sắc với Đảng, với lý tưởng của Bác Hồ đã giữ vững khí tiết của người chiến  sĩ cách mạng. Sau gần 12 năm giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, bọn địch bó tay không khai thác được gì, năm 1973 ông được trả tự do và trở về chùa. Nhưng thật đáng lên án, trước khi thả ông, bọn chúng đã tiêm thuốc làm ông mất trí nhớ.
 
Trong 06 năm đấu tranh chính trị (1954 – 1960), sư cả Kim Nghét cùng một số sư sãi và Acha tổ chức dạy học cho sư sãi, phật tử và thanh thiếu niên tại chùa. Thông qua các lớp học này, các vị sư sãi và Acha đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng đồng thời phát động lòng căm thù, kêu gọi nhân dân nổi dậy đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Đặc biệt, các vị sư và Acha ở chùa Chrôi Tansa còn mở lớp học dành cho các vị sư sãi từ các chùa khác trong huyện đến học tập nhằm đào tạo lực lượng sư sãi đảm nhận công tác nuôi chứa và bảo vệ cán bộ cách mạng tỏa ra các chùa khác trong huyện Trà Cú và các huyện khác trong tỉnh.
 
Giai đoạn 1962 - 1968, địch xem việc xây dựng lực lượng vũ trang là biện pháp hàng đầu tăng cường các hoạt động hành quân càn quét, gom dân để lập ấp chiến lược nhằm cắt đứt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, sư cả Giang Pháte cùng với một số sư cơ sơ hoạt động tại chùa như sư Ngô Vĩnh Phen là sư cả phó tiếp tục nuôi chứa và bảo vệ an toàn cho cán bộ cách mạng tại chùa.
 
Từ tháng 6/1967 - 1968, địch lại điên cuồng cho máy bay oanh tạc, bắn phá chùa làm hư hỏng hoàn toàn một tăng xá và một phần mái chính điện. Gần 20 tượng phật bị gãy, 06 phật tử chết gồm: Lâm Thị Cút, Diệp Thị Thiên, Diệp Thị Ninh, Giang Thị Lành, Giang Huynh và Sơn Thị Nhỏ và bị thương 04 người gồm: Giang Quây, Ngô Thị Nhỏ, Giang Thị Vẻ và Huỳnh Biên. Các vị sư và phật tử chùa Chrôi Tansa lại tổ chức cuộc biểu tình kéo lên tỉnh lỵ Trà Vinh đưa yêu sách với tên tỉnh trưởng đòi bồi thường thiệt hại. Trước những lý lẽ sắc bén và bằng chứng xác thực buộc tên tỉnh trưởng phải chấp nhận yêu sách và hứa sẽ bồi thường. Giai đoạn này Mỹ - Ngụy ráo riết tiến hành bình định chiếm đất, giành dân, đóng đồn bót trở lại. Tình hình rất khó khăn cho các hoạt động của ta, cho nên Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo đưa cán bộ, đảng viên xuống bám địa bàn, gầy dựng cơ sở trong các chùa để phát động sư sãi và quần chúng nhân dân đấu tranh. Tại chùa Chrôi Tansa, các vị sư và ban quản trị chùa tiếp tục đào hầm bí mật, gây dựng cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng, phát động phong trào thanh niên đi tòng quân bảo vệ đất nước, 15 vị sư chùa Chrôi Tansa hoàn tục thoát ly theo cách mạng như: ông Giang Hoài, Thạch Thông, Ngô Hoàng, Ngô Ene, Giang Hoàng, Thạch Khanh, Giang Liêng, Thạch Ly, Rốc Khên, Giang Phai, Rốc Khuê, Giang Phát, Kim Khương, Ngô Phát và Sơn Rài.
 
Năm 1969 – 1970, Mỹ - Ngụy tiếp tục đóng đồn giành đất, giành dân. Đoàn cán bộ của xã, huyện và tỉnh trực tiếp xuống bám địa bàn để phát động quần chúng và sư sãi đấu tranh chính trị, binh vận và vũ trang ở xã Ngãi Xuyên và huyện Trà Cú. Đoàn cán bộ được sư sãi và ban quản trị chùa nuôi chứa, bảo vệ an toàn ở trên gác chính điện. Sư Giang Béte là cơ sơ mật cách mạng đóng tại chùa theo sự chỉ đạo của ông Kim Giàu (Tám Xuân) - Bí thư Chi bộ xã Ngãi Xuyên đã phân công sư đi Cần Thơ hai lần để mua thuốc phục vụ cho chiến trường gồm: Novocanien, Calcium, Săn đơ, Bipníabicr, Streptomicin, và nhiều thứ thuốc khác.
 
Năm 1971-1972, Chi bộ xã Ngãi Xuyên biết được tin ông Kim Cố quê ở Bãi Xào Giữa đang là cảnh sát bảo vệ dinh tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long nên phân công sư Giang Béte đến tiếp cận với lý do: nói đi công chuyện lỡ đường xin tá túc qua đêm. Vào ngày 15/3/1972, sư Giang Béte lấy được 500 viên đạn AR 15. Ngày 20/6/1973, sư lấy được 700 viên đạn AR 15 và ngày 08/5/1974, sư đã lấy thêm 300 viên đạn AR 15. Toàn bộ số đạn lấy được giao cho Chi bộ xã Ngãi Xuyên, đồng chí Kim Giàu (Tám Xuân) là bí thư nhận. Địch biết được các vị sư nuôi chứa, che giấu cán bộ cách mạng trong chùa, vì vậy bọn chúng gọi chùa là “Cơ sở phục tùng Cộng sản”. 
 
Tháng 12/1974, thời điểm này cách mạng ta giành nhiều thắng lợi về chính trị, quân sự. Để phát động phong trào đấu tranh cùng cả nước, các vị sư sãi ở chùa cùng với cán bộ cách mạng tổ chức vận động dân vệ ấp Bãi Xào Giữa, ấp Bãi Xào Dơi giao nộp vũ khí gồm 13 cây súng. Một số dân vệ ở hai ấp trên bỏ hàng ngũ mang một số đạn dược giao cho cách mạng. Đặc biệt, các vị sư chùa Chrôi Tansa đã không ngần ngại làm lễ tu theo nghi thức tôn giáo cho những binh lính bỏ hàng ngũ ngụy quân chạy vào chùa tu.
 
Với tinh thần “tất cả cho kháng chiến, tất cả để chiến thắng”, nhà chùa đã vận động quần chúng nhân dân đóng góp nhiều lúa gạo, tiền bạc, của cải nuôi quân kháng chiến. Riêng chùa đã hiến 50 mâm thao, 05 cái ptưl (thố nước), 01 đại hồng chung... và 15 cây mai sắt (cây có giá trị) cho công trường chế tạo vũ khí đánh giặc, cùng hàng chục cây dầu, cây sao phục vụ kháng chiến. Ngoài ra, nhà chùa còn lập “trạm y tế” đặt ngay trong sala chùa để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cách mạng, sư sãi và phật tử trong vùng.
 
Trong kháng chiến, khuôn viên ngôi chùa có rất nhiều hầm bí mật được đào trong các lùm cây, bụi tre để cán bộ chiến sĩ ta ẩn tránh. Trong tăng xá, sala, trường học và ngay ở chính điện cũng là những địa điểm sinh hoạt, hội họp thường xuyên của các cán bộ cách mạng ở xã, huyện và tỉnh để bàn bạc trao đổi, phổ biến các nhiệm vụ, chủ trương của Đảng.
 
Trong hai cuộc kháng chiến, các vị sư và phật tử chùa Chrôi Tansa đã tổ chức và tham gia hàng trăm cuộc đấu tranh trực diện với địch. Điều đó minh chứng cho ta thấy rằng: với lòng yêu quê hương  đất nước, nhân dân ta bất chấp khó khăn nguy hiểm, bất chấp hy sinh để đổi lấy độc lập tự do. Và cũng chính từ những hạt giống đó góp phần cùng nhân dân trong tỉnh viết nên những trang sử vẻ vang của tỉnh nhà, được Trung ương khen tặng 8 chữ  vàng “Toàn dân đoàn kết nổi dậy lập công”. Trong quá trình hoạt động cách mạng, các cán bộ được nhà chùa nuôi chứa, sau hoàn tục thoát ly theo cách mạng nay được Đảng và Nhà nước tặng thưởng, nhiều huân chương, huy chương cao quí.
 
Chùa Chrôi Tansa không chỉ là không gian thiêng liêng, giàu tính văn hóa tâm linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer trong khu vực Bãi Xào Giữa - Kim Sơn. Từ kiến trúc cổng chùa, chính điện đến các công trình như sa la, tăng xá… đều mang tính nghệ thuật cao và bố cục hài hòa trong khuôn viên chùa. Mỗi công trình đều là một chỉnh thể mỹ thuật hoàn hảo nó chứa đựng triết lý sâu sắc với trái tim đầy nhiệt huyết và bàn tay điêu luyện của người nghệ nhân Khmer. Những họa tiết hoa văn cho đến cách tạo các pho tượng để thờ. Mái chính điện cũng như những họa tiết, hoa văn của từng công trình đều mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
 
Mặt khác, các công trình kiến trúc nghệ thuật trong khuôn viên chùa còn là một bảo tàng hoàn hảo cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần, giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc Khmer. Nơi đây, còn bảo tồn chữ viết Khmer, góp phần xóa mù chữ, nâng cao dân trí, góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà và là nơi giữ được môi trường sinh thái tự nhiên trong thời kỳ môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay.
 
Với những giá trị đó, chùa Chrôi Tansa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1562/QĐ-UBND xếp hạng là di tích cấp tỉnh.

Kiên Tiên - Hoàng Tuấn (Cục công tác phía Nam)

Bạn đang đọc bài viết "Di tích lịch sử chùa Chrôi Tansa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.