Di tích kiến trúc quốc gia - biểu tượng của Đà Lạt xuống cấp trầm trọng

13/07/2015 16:51

Theo dõi trên

Công trình kiến trúc 80 năm được xem là biểu tượng của Đà Lạt và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc quốc gia - Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu không có hướng tôn tạo một cách toàn diện, ngôi trường sẽ xuống cấp đến mức không cứu vãn nổi.

Di tích kiến trúc hơn 80 năm xuống cấp...

Ông Huỳnh Linh Bảo - Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt cho biết, Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt là một công trình kiến trúc độc đáo do kiến trúc sư (KTS) người Pháp Moncet thiết kế; được xây dựng từ năm 1928 đến 1933, với nguyên liệu chính là gạch ép và ngói ardoise xanh để lợp mái, được đưa từ Pháp và các nước Châu Âu sang. Công trình được Hiệp hội KTS thế giới (UIA) công nhận là 1 trong 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX; năm 2001, được xếp hạng Di tích kiến trúc quốc gia.

Nét độc đáo nhất của công trình kiến trúc này là dãy nhà vòng cung có chiều dài phía trước là 77,18m và mặt sau là 89,8m; gồm 3 tầng với 24 phòng học. Bên cạnh đó, biểu tượng chuông tháp cao tới 54m vươn cao chót vót trên nền trời bên cạnh hồ Xuân Hương như một tấm lụa dài quàng qua. Ngoài ra, với tường trần gạch đỏ và ngói lợp xanh của Pháp làm cho dãy nhà có một lực hút lớn, kích thích sự chú ý quan sát của mọi người.



Nhà mái cong là công trình quan trọng trong Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ảnh Internet.

Tuy nhiên, qua thời gian hơn 80 năm ra đời, công trình này đang có dấu hiệu “lão hóa” và xuống cấp. Trong đó, đáng lo ngại nhất là mái ngói đã một lần được thay từ 20 năm trước đến nay đã bị ngậm nước, nhiều chỗ bị dột; phần ngói lợp mái tháp chuông cũng có dấu hiệu bị thấm; tường nhà ở các tầng cũng bị thấm loang; bồn chứa nước đã bị hỏng và mặt nền cũ kỹ, thoát nước chậm…

“Đã là một di tích quốc gia nên công trình này cần phải được quản lý và bảo vệ chu đáo, không để hư hỏng và xuống cấp. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều hạng mục của ngôi nhà cong đang xuống cấp khá nghiêm trọng; đã 4 lần, lãnh đạo Nhà trường có Tờ trình gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng cho tiến hành sửa chữa, nâng cấp, song đến nay, việc sửa chữa, nâng cấp vẫn chưa được tiến hành. Công trình theo đó có nguy cơ bị hư hỏng nặng thêm”- ông Huỳnh Linh Bảo, Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt chia sẻ.

Di tích kiến trúc quốc gia Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt ngoài giá trị độc đáo nhất là khu nhà cong, thì còn có một số công trình hỗ trợ kèm theo, trong đó đáng kể là hệ thống các khu nhà và biệt thự xung quanh. Các khu nhà và biệt thự này cũng do người Pháp xây dựng, có kiến trúc khá độc đáo, tạo sự hài hòa cho ngôi trường hơn 80 năm tuổi này.

Nguồn cơn của việc xuống cấp bắt đầu từ năm 1976, khi tỉnh Lâm Đồng trưng dụng nơi đây làm cơ sở đào tạo giáo viên. Khi đó ngôi trường danh tiếng này chỉ được xem như những khu nhà hoặc công sở nên có thể tác động, sửa chữa, cơi nới đủ kiểu. Trình trạng này chỉ tạm lắng khi năm 2001, công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia.



Các hộ dân cơi nới các căn phòng trong Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt để làm nơi sinh hoạt - Ảnh TTO

Theo ông Trần Đình Thuận - phó trưởng phòng hành chính tổng hợp Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, thời điểm đó trường đã thay đổi công năng một số phòng để bố trí chỗ ở cho cán bộ, giảng viên từ nhiều nơi về Đà Lạt công tác và được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý.

Nhiều nhân viên của trường lập gia đình, sinh con cũng tiếp tục ở lại bên trong trường và biến các phòng học thành những căn hộ. Hiện bên trong trường có khoảng 13 hộ dân, trước đó có đến hơn 30 hộ.

Do mỗi “căn hộ” được chuyển quyền sử dụng cho nhiều đời chủ, việc tháo dỡ và cơi nới lặp đi lặp lại càng khiến di tích này hư hỏng nặng thêm.

Trước thực tế trên, nhà trường đã nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng và chính quyền TP. Đà Lạt cũng như tỉnh Lâm Đồng yêu cầu hỗ trợ, xử lý dứt điểm hai vấn đề: Có giải pháp ngăn chặn di tích xuống cấp và di dời các hộ ở trong khuôn viên nhà trường ra ngoài.

...Chờ sửa chữa

Trước sự xuống cấp trầm trọng của di sản kiến trúc trên, theo thông tin trên Tuổi Trẻ, ông Ngọc Lý Hiển - trưởng phòng di sản Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng - cho rằng để duy tu toàn diện công trình này nhằm trả lại cho công trình dáng dấp tương đương nguyên bản cần nguồn kinh phí khoảng 19 tỉ đồng (chỉ mới tính vật liệu và thi công) - “kinh phí quá lớn, vượt tầm của địa phương”.

Nhưng đơn vị nào sẽ bỏ kinh phí thì còn nhiều lấn cấn vì đây là di sản thuộc quản lý của Bộ VH-TT&DL, trong khi đơn vị sử dụng lại là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.



Một trong những đoạn tường và cột trong ngôi nhà cong bị nứt.

Tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các bộ liên quan cấp 19 tỉ đồng để duy tu biểu tượng của Đà Lạt nhưng Bộ VH-TT&DL chỉ mới đồng ý cấp một phần kinh phí nhỏ và đề nghị đơn vị sử dụng tự tính kinh phí. Trong khi đó, đơn vị sử dụng lại cho rằng không có nguồn tiền để sửa chữa.

Quỳnh Trang (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Di tích kiến trúc quốc gia - biểu tượng của Đà Lạt xuống cấp trầm trọng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.