Ảnh minh họa (nguồn internet)
Văn miếu Mao Điền là nơi kế thừa và tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng vào thời Lê sơ (thế kỷ XV), nay thuộc thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng. Đây từng là nơi đào tạo hàng nghìn cử nhân, tiến sĩ Nho học đứng đầu cả nước; là nơi tôn vinh truyền thống văn hiến tỉnh Đông và truyền thống trọng đạo học của người Việt Nam hiện nay…Tại đây, hiện phối thờ Khổng Tử và các bậc hiền tài của đất nước là: Vạn thế Sư biểu Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, Quan nhập nội hành khiển Phạm Sư Mệnh, Anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thần toán Vũ Hữu và Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.
Ngay từ khi mới xây dựng, Văn Miếu đã là một công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi. Phần chính gồm hai toà nhà lớn 7 gian, xây theo kiểu chữ nhị, mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng, áp sát vào nhau là Bái đường và Hậu cung. Nhà trong thờ Khổng Tử và Mạnh Tử.
Nhà ngoài là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng Đông và Tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu. Tiếp đến là hai gác chuông xây cất rất hoành tráng. Phía trước là hai hồ nước trong xanh in bóng cây gạo già hàng trăm năm tuổi. Xung quanh là các loại cây cảnh, cây ăn quả.
Xưa kia Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long nên gọi là xứ Đông. Đây là vùng "đất học" vì thế triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hoá giáo dục của cả nước, tiến hành tổ chức nhiều kỳ thi Hội. Hàng năm đến kỳ thi, sĩ tử ở khắp nơi tề tựu về đây dựng lều chõng kín khắp cả khu cánh đồng Tràn phía trước. Trong số các sĩ tử đó có nhiều người Hải Dương đã tham dự và hiển đạt, như danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trong quá trình tồn tại, Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước.
Văn Miếu Mao Điền được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc Gia năm 1992. Năm 2002 được đầu tư tôn tạo với quy mô lớn. Từ đó đến nay, nhiều công trình được tôn tạo và mở rộng như đường vào, sân bãi, hệ thống các nhà chức năng... cùng với nhiều hạng mục được nâng cấp. Các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu bảo tồn và phát huy.
Đặc biệt, từ năm 2015 huyện Cẩm Giàng đã có chủ trương khắc dựng hệ thống bia Tiến sĩ nhằm bổ sung cho Văn miếu có thêm giá trị lịch sử và giá trị nhân văn. Từ đầu năm 2016 đến nay, được UBND tỉnh phê duyệt, huyện Cẩm Giàng đã tổ chức chế tác, hoàn thành việc dựng toàn bộ 14 tấm bia, nội dung ghi số thứ tự, họ tên, năm sinh, quê quán, năm thi đỗ, khoa thi, tóm tắt sự nghiệp của 637 vị Tiến sĩ của Trấn Hải Dương xưa, bằng chữ Hán mặt trước và dịch ra chữ Quốc ngữ mặt sau. Bia cao trên 1,4m, lấy 4 mẫu hoa văn của Bia thời Trần, Hậu Lê, thời Mạc và thời Nguyễn. Tổng số kinh phí 1,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí xây dựng hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa.
Tháng 2 âm lịch hàng năm, tỉnh Hải Dương lại mở hội Văn Miếu. Người Hải Dương ở khắp nơi lại tề tựu về dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.