Di sản văn hóa
Nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ.
Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm: “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Vì thể, "chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy" và "nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông".
Di sản văn hóa là yếu tố quan trọng, có tính quyết định để làm nên diện mạo, bản sắc riêng của một dân tộc hay một vùng văn hóa. Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc. Bảo tồn và phát huy di sản vì sự phát triển bền vững vừa là mục tiêu vừa là động lực của mỗi địa phương và của cả nước.
Theo kết quả kiểm kê đến năm 2018, toàn tỉnh Nghệ An có 2.602 di tích - danh thắng. Tính đến năm 2021, Nghệ An có 461 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 05 di tích Quốc gia đặc biệt, 143 di tích Quốc gia và 313 di tích cấp tỉnh.. Trong 960 di sản di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê (số liệu năm 2015), có: 92 di sản lễ hội, 28 di sản tiếng nói, chữ viết, 93 di sản nghề thủ công truyền thống, 111 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 122 di sản ngữ văn dân gian, 235 di sản tập quán xã hội và 279 di sản tri thức dân gian.
Dân tộc Kinh có kho tàng văn học dân gian, dân ca Ví, Giặm, Ca trù, hàng trăm lễ hội, làng nghề... Dân tộc Thổ hát ví, hát nhà tơ, kể đắng với điệu đu đu điềng điềng, lễ xuống đồng, mừng cơm mới. Dân tộc Thái có chữ Thái cổ, kho tàng truyện cổ (Xống chụ xôn xao...), các điệu hát múa lăm, khắp, nhuôn, xuối, nghề dệt thổ cẩm... Dân tộc Khơ Mú có hát tơm, múa hát hò vó, re ré, nghề đan lát mây tre... Dân tộc Mông có hát kể (khúa kê), cự xỉa, lù tô, vàng hủa, nhạc cụ khèn, kèn lá, đàn môi, sáo và đặc biệt là nghề rèn... Dân tộc Ơ Đu có lễ hội đón tiếng sấm đầu năm, các điệu hát múa dân gian...
Và nếu như di sản văn hóa vật thể là những giá trị hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, chứa đựng những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại, thì di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác. Văn hóa phi vật thể luôn mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống”.
Những năm qua, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Bởi vậy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa (Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng) tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Di sản văn hóa là tài sản vô giá, là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, và là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới trong giao lưu văn hóa.
Nó tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của con người, là các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản, rồi từ đó làm nên sức mạnh, sức đề kháng của cộng đồng…
Mỗi dân tộc (ở Nghệ An) có một đặc điểm lịch sử, hình thành và phát triển riêng. Vì thế, các sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng có đặc trưng riêng, từ tiếng nói chữ viết, phong tục tập quán, tín ngưỡng đến tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian...
Tiền đề để du lịch di sản phát triển
Nếu người Thái được nhớ đến bởi các điệu múa, hát nhuôn, xuối, lăm, khắp nhiều màu sắc, kho tàng truyện kể, tri thức dân gian phong phú thì người Mông lại khiến người ta nhớ về tiếng khèn tha thiết cùng nghề rèn bậc thầy; người Kinh lại được biết đến bởi những lễ hội, tín ngưỡng và hơn hết là những làn điệu Ví, Giặm đi vào lòng người. Và dù là loại hình di sản gì của dân tộc nào cũng phản ánh sâu sắc, rõ nét nhất đời sống và những giá trị tinh thần chủ yếu, thế giới quan, nhân sinh quan và bản sắc của dân tộc đó.
Và chính sự phong phú về di sản văn hóa ấy, vô hình chung đã và đang thúc đẩy du lịch di sản phát triển, cùng song hành, tương hỗ lẫn nhau.
Trong xu thế bảo tồn, phát huy di sản bền vững, ngoài định hướng bảo tồn còn phải hướng đến quy hoạch di sản gắn với du lịch. Di sản là tài nguyên quan trọng bậc nhất của du lịch, có mối quan hệ nhân quả với việc hình thành các điểm du lịch, khu du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch, do đó cần phải làm tăng giá trị di tích bằng du lịch văn hoá, du lịch di sản, phát triển kinh tế du lịch.
Đây đang là một hướng đi đúng mà chúng ta đã và đang thực hiện. Và để phát triển kinh tế di sản, chúng ta cần phải làm tốt việc này hơn nữa. Phải phát hiện, nhận diện và thiết kế các di tích thành những điểm đến hấp dẫn khách tham quan; tạo các tour du lịch hấp dẫn gắn kết các di tích các danh thắng và các loại hình di sản khác.
Bên cạnh đóng góp vào sự phát triển văn hóa, định hình bản sắc, hệ thống di sản văn hóa này đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản. Tại Nghệ An, Bảo tàng Nghệ An và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đang là những điểm đến lí tưởng cho du khách; những di sản văn hóa phi vật thể thu hút số lượng lớn người tham dự và trải nghiệm (như lễ hội Đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Cờn (TX Hoàng Mai), đền Cuông (Diễn Châu), dân ca Ví, Giặm... đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây đều là những “di sản” có thể làm tiền đề để du lịch di sản tại Nghệ An ngày một “lớn mạnh”.
Trong công tác phát triển sản phẩm du lịch, điều quan trọng là cần tạo dựng không gian phù hợp cho di sản, giúp di sản tồn tại và được truyền dạy đến các thế hệ sau.
Phát triển du lịch di sản sẽ góp phần tạo ra thu nhập, việc làm, vừa tạo ra động cơ và nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đồng thời giúp tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, góp phần tạo nên thái độ ứng xử phù hợp giữa người dân, du khách với di sản. Chưa kể du lịch di sản cũng sẽ góp phần tạo nguồn thu để quay trở lại tái đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và quản lý di sản.
Di sản được bảo tồn, du lịch phát triển đã tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, cùng với đó, cộng đồng dân cư tại nơi có di sản nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản, lòng tự hào về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, về ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản này.
Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa còn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,... tạo ra sự phát triển bao trùm và hài hòa. Ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong công việc kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận (ví như các khu du lịch sinh thái, các resort đưa các di sản văn hóa vào xây dựng, trang trí, kiến trúc cảnh quan hoặc tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút rất đông khách du lịch).
Những không gian di sản văn hóa như vậy không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị di sản, góp phần vào sự phát triển xã hội hài hòa, nhân văn và có bản sắc…
Vì vậy, để góp phần gìn giữ và truyền đạt di sản lại cho các thế hệ mai sau, các tổ chức và người làm văn hóa, làm du lịch, cơ quan quản lý và các địa phương cần phối hợp đồng bộ, thống nhất để hoạt động một cách sáng tạo, hiệu quả, luôn mang ý nghĩa xã hội - văn hóa.