Đền Trần: Huyền thoại về một dòng họ, một vương triều hùng mạnh

21/09/2016 09:06

Theo dõi trên

Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2408/QĐ-TTG công nhận Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần là Di tích Quốc gia đặc biệt, cùng với 13 di tích khác trên cả nước.

 
Ảnh minh họa (nguồn internet)
 
Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần đã sản sinh ra các vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng soái tài ba, nhân vật lịch sử kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung,Trần Hưng Đạo... mà tên tuổi gắn liền với các chiến thắng lẫy lừng trong sự nghiệp giữ nước và bảo vệ đất nước.

Lịch sử cũng ghi nhận mỗi vương triều đều có một vùng đất phát tích để dựng xây nên sự nghiệp. Thái Bình được coi là vùng đất phát tích của vương triều Trần, vì cách đây hơn 700 năm, tại nơi đây các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp. Cũng tại nơi đây, một hành cung Long Hưng hoành tráng chứng kiến nhiều dấu ấn lịch sử trọng đại gắn liền với vương triều nhà Trần như những đại lễ, những yến tiệc mừng chiến thắng sau mỗi sự kiện oai hùng. Tam đường - là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như: Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa... Khi các vị vua và hoàng hậu băng hà thì có tới trên một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ, trong đó Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp tác tại các lăng mộ như Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy đức lăng. Năm tháng qua đi, vật đổi sao dời song lăng mộ ba vị vua đầu triều Trần và dòng sông Thái Sư vẫn còn đó - những di tích mang đầy huyền thoại về một dòng họ, một vương triều hùng mạnh. Mảnh đất Tam Đường nay linh thiêng bởi chính là nơi lưu giữ hài cốt của các bậc tổ triều Trần. Hơn 7 thế kỷ đã trôi qua, những di vật nằm sâu trong lòng đất Tam Đường đã được khai quật, giúp hậu thế tìm lại một quần thể kiến trúc lăng mộ, kiến trúc hành cung Long Hưng uy nghi, hoành tráng.

Với tâm thức “Sống ngâm da, chết ngâm xương”

Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần và cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần. Thuở bình sinh, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã từng nhắc nhở con cháu phải nhớ lấy gốc tổ tiên nhà mình làm nghề đánh cá ở vùng hạ du. Với tâm thức “Sống ngâm da, chết ngâm xương” ở nơi chôn nhau cắt rốn, nhà Trần đã chọn đất Long Hưng – Thái Bình làm nơi đặt tôn miếu, xây dựng lăng tẩm làm nơi an nghỉ vĩnh hằng cho các vị vua đầu triều cùng hoàng tộc. Do sự tàn phá để trả thù của giặc Mông – Nguyên, nơi đây đã trở nên hoang phế và thời nay nhiều người đã lãng quên. Có lẽ, để bảo toàn phần mộ, đề phòng chiến tranh tiếp diễn nên hầu hết lăng tẩm các vua Trần từ  Trần Anh Tông về sau được đưa về đặt tại Đông Triều. Vùng đất Thái Đường, nơi đặt tôn miếu nhà Trần dần trở nên hoang phế. Sau khi toàn thắng giặc (chưa rõ vào năm nào), ngôi đền thờ các vua Trần đã được phục dựng lại, còn hành cung và lăng tẩm đã trở thành phế tích. Tiếc thay, ngôi đền này cũng đã bị phá huỷ khi thực dân Pháp đổ bộ lên đất Thái Bình vào giữa thế kỷ trước. Nhân dân trong làng còn giữ được một số đồ thờ tự, trong đó có chiếc bài vị với dòng chữ: Thái Tông Hoàng Đế vị.

Sau năm 1954, dấu tích của khu mộ táng các vua, hoàng hậu cùng Hoàng tộc nhà Trần còn dễ dàng nhận được. Nhưng từ sau năm 1954 trở lại đây, phần nhiều những ngôi mộ phía sau hành cung nằm xen kẽ trong khu dân cư đã bị hư hao dần. Tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, nơi đặt hành cung và lăng tẩm, khi đào xuống 30-50cm vẫn thường gặp những hiện vật thời Trần như gạch, ngói, đầu rồng, tượng đất nung và đồ gốm sứ…. Qua những lần khai quật và thám sát khảo cổ học, tuy chưa được tiến hành một cách có hệ thống nhưng bước đầu đã có thể hình dung được một số đường đi và vị trí đặt tẩm điện trong hành cung.

Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh  Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.

Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng.

Riêng tòa hậu cung Đền Trần là một phần trong tổng thể kiến trúc có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359m2, được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ; sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.

Đến nay phía trước hành cung gồm các nấm phần mang tên phần Cựu, phần Đa, phần Thính, phần Bụt (phần Sỏi)… là những ngôi mộ khá lớn.

Đó là những ngôi mộ cao như những trái núi giữa đồng bằng, riêng phần Cựu, tương truyền là mộ táng Trần Thừa (tức Trần Thái Tổ) đã bị san bằng, năm 1979 khi làm thủy lợi nhân dân đã phát hiện thấy, bảo tàng tỉnh đã tiến hành khai quật. Theo truyền ngôn của địa phương thì phần Bụt hay gọi là phần Sỏi (vì mộ được ấp trúc bằng đất sét luyện với sỏi) là mộ Trần Nhân Tông. Đây là ngôi mộ lớn như trái núi án ngữ phía Nam Tam Đường. Ngôi mộ này từng bị san bạt nhiều, thậm chí có một thời do vô thức đã đào lấy sỏi dải đường. Thế nhưng, quy mô vẫn còn tới 400m2 với khối lượng đất và sỏi khá lớn. Nếu tính từ trên xuống thì quách đã bị lộ. Trên là quách đá với những phiến đá khổng lồ, dưới là quách gỗ. Rải rác phía trên mộ có những viên gạch giống như những viên gạch ở tháp Phổ Minh.
 

Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Đền Trần: Huyền thoại về một dòng họ, một vương triều hùng mạnh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.