Đền thờ nàng Bình Khương - điểm đến văn hóa tâm linh

17/12/2016 08:59

Theo dõi trên

Đến với Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ, ngoài việc chiêm bái sự kỳ vĩ của một trong 8 di sản thế giới ở Việt Nam, nổi bật với kiến trúc thành lũy độc đáo bằng đá lớn duy nhất còn lại ở Đông Á và Đông Nam Á, du khách còn có thể ghé thăm đền thờ nàng Bình Khương, về huyền tích đẫm lệ “nàng Bình Khương đập đầu vào phiến đá đến chết để kêu oan cho chồng vì bị nhà vua chôn sống khi xây bức tường thành đổ vỡ”.


Ngược dòng lịch sử, nước Đại Việt vào năm Đinh Sửu 1397, khi đó Hồ Quí Ly là thái sư đương triều Trần đã chỉ đạo xây dựng thành Tây Đô hay còn gọi là Thành Nhà Hồ, với ý định sẽ dời đô vào Thanh Hóa. Lịch sử Đại Việt lúc bấy giờ rất rối ren. Nhà Trần sau ánh hào quang của hào khí Đông A thuở nào, nay bắt đầu suy yếu. Phía Bắc giặc Minh lăm le xâm chiếm nước ta.

Để xây dựng thành, Hồ Quí Ly đã huy động dân phu đào đắp tới 80.000m3 đất, khai thác tới 20.000 - 25.000m3 đá phiến xây thành, có phiến nặng đến vài chục tấn. Một công trình kỳ vĩ như vậy được xây dựng trong vòng 3 tháng, cho chúng ta hình dung sự gian khổ của những người dân lao động cuối thời Trần.

Cống sinh Trần Công Sĩ là chồng nàng Bình Khương được phân công đốc công xây dựng tường thành phía Đông. Không hiểu lý do gì khi thành xây sắp xong đều bị đổ. Sau vài lần bị đổ, Hồ Quí Ly tức giận cho là Trần Công Sĩ có ý chống đối mình, đã khép tội Trần Công Sĩ và chôn sống ngay dưới chân thành cửa Đông cho đến khi chết.

Tương truyền, khi hay tin, nàng Bình Khương đã tìm đến khóc than thảm thiết và đã đập đầu vào đá chết theo chồng. Cũng do cái chết tiết liệt của nàng Bình Khương mà triều đình mới xem xét lại và Trần Công Sĩ đã được minh oan.

Theo dân gian truyền lại, dấu tay và đầu nàng Bình Khương đập vào đá đã để lại dấu vết lõm trên đá rất rõ. Thế rồi suốt từ khi đó về sau khách xa gần hàng năm kéo về xem rất đông. Đến thời vua Đồng Khánh (1885 - 1888), viên Hào lý làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn, dân kéo đến nhiều gây nhiễu sự cho làng đã thuê một thợ đào phiến đá đó đem chôn kỹ. Công việc được làm bí mật vào đêm khuya.

Tuy nhiên, sau đó ít ngày người thợ đào phiến đá đó đã chết vì một căn bệnh lạ, còn viên Hào lý cũng đột tử không rõ nguyên nhân. Vì chuyện đó mà Tri Phủ Quãng Hóa là Doãn Thước hay tin đã sai lính đi tìm, đào phiến đá lên đưa về chỗ cũ. Ông còn cho khắc dòng chữ: “Trần triều Cống sinh Bình Khương nương phu nhân chi thạch”.

Năm 1903, Vương Duy Trinh là tổng đốc Thanh Hóa đã đến làng Đông Môn kêu gọi quyên tiền của xây dựng đền thờ nàng Bình Khương, phía trong hậu cung đền được dựng trên phiến đá có dấu tích của nàng Bình Khương khi đập đầu vào đá. Ông còn cho dựng bia ghi lại sự tích về cái chết của nàng Bình Khương và Trần Công Sĩ.

Từ khi đền được dựng lên, hàng năm lượng khách đến viếng ngày một đông, quanh năm bốn mùa hương khói nghi ngút.

Ngày nay Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa nhân loại. Đền Bình Khương nằm ngay cửa Đông, đã được Nhà nước cho trùng tu lại khang trang từ năm 2009 nhằm mục đích bảo tồn, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đồng thời bày tỏ tấm lòng tri ân, tôn kính đối với tiết hạnh, phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã coi cái chết tựa lông hồng để đấu tranh cho công bằng xã hội.

Du khách đến với Di sản Thành Nhà Hồ nhớ hãy đến đền Bình Khương thắp nén nhang thành kính cho một người con gái "Tiết - Hạnh - Khả - Phong” để cho nàng Bình Khương và chồng nàng là Cống sinh Trần Công Sĩ biết rằng: dù đã ra đi nhưng mọi người Việt Nam yêu nước luôn nghĩ tới nàng và không quên nàng...

(Theo vanhoadoisong.vn)

Lê Văn Sự
Bạn đang đọc bài viết "Đền thờ nàng Bình Khương - điểm đến văn hóa tâm linh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.