Đền thiêng bên dải Lam Giang (Kỳ cuối)

05/01/2022 11:02

Theo dõi trên

Trong nét vẽ lịch sử, đền được xem là nơi thờ những vị thần hoặc một doanh nhân quá cố; cũng có nơi đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của một anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương mà được dựng lên theo truyền thuyết dân gian. Đền Bà Chúa (xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương) là một trong những ngôi đền như thế.

Cao Sơn Cao Các

Theo tài liệu Tục thờ thần và thần tích Nghệ An của cố PGS. Ninh Viết Giao thì thần tích vị thần này ở đền Ngọc Điền tại thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).

Thần Cao Sơn, tên thật là Cao Hiển, tự là Vân Trường, quê ở Bảo Sơn, Trung Quốc. Cao Hiển là người thông minh, chính trực, học rộng, hiểu sâu, tài kiêm văn võ. Năm 29 tuổi đậu Tiến sỹ dưới triều vua Hy Tông nhà Tống và làm quan đến chức Thượng thư. Khi vùng biên giới nhà Tống có loạn quấy phá, Cao Hiển nhanh chóng dẹp loạn, giúp dân yên ổn làm ăn, được nhân dân tín phục. Nhờ công lao to lớn đó, Cao Hiển được vua Tống phong làm Đại Thừa Tướng.

20220105-011803-1641320361.jpg
Đền Bà Chúa (xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương) không chỉ thờ Tam tòa Thánh mẫu, mà còn phối thờ Cao Sơn Cao Các. Ảnh: Nguyễn Diệu

Để thực hiện ý đồ bành trướng, nhằm uy hiếp và khuất phục nước ta, Vua nhà Tống cử Cao Hiển sang làm Tuyên phó sứ An Nam. Đời sống của nhân dân nước ta còn nhiều khó khăn, nạn sâu keo tàn phá, mùa màng thất bát. Cao Hiển hiểu rõ và thông cảm với khó khăn của cư dân Đại Việt. Một mặt xin vua Tống giảm bớt các khoản triều cống, mặt khác giúp nhân dân An Nam tìm cách diệt trừ sâu keo, thú dữ, tìm cách phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Nhờ đó cuộc sống của nhân dân được ổn định.

Mặc dù là sứ thần nước lớn, nhưng Cao Hiển luôn là vị quan có lòng khoan dung, đức độ, hết lòng vì cuộc sống của nhân dân bản xứ. Xây dựng mối bang giao hòa bình tốt đẹp giữa hai nước An Nam. Chính vì vậy mà triều đình và nhân dân hai nước đều biết ơn Cao Hiển. Khi ông mất vua Tống phong cho ông làm An Nam quốc vương và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ. Cuốn sách chữ Hán Bách thần sự tích, tài liệu chép tay, không rõ tác giả, hiện lưu tại Thư viện tỉnh Nghệ An, chép như sau: “Cao Sơn Cao Các Đại vương, Thượng đẳng thần, có 30 miếu thờ. Miếu thờ chính ở xã Đông Tháp, huyện Đông Thành. Nguyên là người nước Bắc, họ Cao tên Hiển, tiến sỹ Triều Minh, sang nước ta làm Án sát sứ… Sau khi mất hiển hiện linh ứng, dân xã lập đền thờ…“

20220105-012251-1641320635.jpg

Cố PGS. Ninh Viết Giao cùng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã tra cứu thư tịch Trung Quốc, thấy rằng không có tiến sỹ Cao Hiển nào sang nước ta làm chức Án sát sứ. Những thông tin về thần Cao Sơn ở các nơi này không khớp nhau, nhiều dị bản như PGS Ninh Viết Giao đã nhận xét. Lúc thì là vị Án sát sứ thời Minh, lúc lại là thời Tống. Thời Minh chẳng có vị quan đứng đầu khu vực nước ta nào mang họ Cao cả. Còn thời Tống thì càng không, vì lúc đó nước Đại Việt đã độc lập, làm gì còn có “An Nam quốc vương” nào của nhà Tống ở đây nữa. 

Những thông tin thần Cao Sơn có tên Cao Hiển, người ở Bảo Sơn Trung Quốc, đỗ cao rồi sang nước ta làm quan phụ chính, rất trùng khớp với sự tích của Cao Sơn đại vương ở khu vực Hà Hồi (Thường Tìn, Hà Nội). Vị Cao Sơn này như đã nhận định, không phải thời Minh hay thời Tống, mà chính là tướng Cao Biền thời Đường. 

Cao Biền người phương Bắc, từng đỗ đạt và làm quan to dưới thời Đường. Cao Biền được cử sang nước ta trấn thủ An Nam để dẹp loạn Nam Chiếu. Sau khi đánh Nam Chiếu thắng lợi, nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân và Cao Biền nhận chức Tĩnh Hải tiết độ sứ đầu tiên. 

20211119-112713-1641320750.jpg
20211215-230653-1641320859.jpg

Về thần Cao Các ở nhiều nơi chép cùng là một vị với thần Cao Sơn. Theo Ngọc phả đại vương tôn vị trung thần triều đình của đền Ngọc Điền: Tại làng Châu Ái, Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Anh Đô, có ông đồ Cao Trạch, người hiền lành, phúc hậu, lấy bà Lê Thị Điểm… sinh được bé trai kháu khỉnh đặt tên là Cao Các. Lớn lên Cao Các thông minh hơn người thường. Khi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, ông rời làng đi tìm minh chúa. Khi gặp được Đinh Bộ Lĩnh, thấy ông tư chất thông minh hơn người, hỏi về học vấn đều đáp trôi chảy nên đã phong ông làm Giám Nghị Đại Phu, giao cho 5 vạn binh lính phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn.

Với tài trí và mưu lược của mình, Cao Các đã cùng các tướng sỹ lần lượt dẹp loạn, thu phục các sứ quân. Sau khi dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh về Hoa Lư xây dựng kinh đô, xưng Đại thắng Đinh Hoàng Đế. Ông ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh. Thấy đây là vùng non nước hữu tình ông bèn cho quân sỹ lập quân cư. Ba năm sau, chúa Chiêm Thành là Xạ Đẩu đem quân uy hiếp nước Đại Việt. Vua Đinh triệu Cao Các về triều giao cho 5 vạn binh lính, ấn kiếm đi đánh giặc. Với tài thao lược của mình, Cao Các cầm quân xông pha trận mạc, khiến vua Chiêm đại bại, phải trốn về nước. Sau trận đại thắng quân Chiêm, vua Đinh muốn giữ ông lại triều đình nhưng Cao Các xin được ở lại An Ninh. Ông lâm bệnh và mất đột ngột tại quê nhà. Vua Đinh thương tiếc cho lập miếu thờ ông.

20211215-230643-1641321013.jpg
Đền Bà Chúa được coi là một mẫu mực điển hình của phong cách kiến trúc truyền thống, đăng đối, có tiền, có hậu, có thượng, có hạ, có tả, có hữu. Ảnh: Nguyễn Diệu

Điển hình của phong cách kiến trúc truyền thống

Đền Bà Chúa còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của xứ Nghệ nói chung và huyện Thanh Chương nói riêng như: Đêm 15/7/1945 UB khởi nghĩa được thành lập và tổ chức hoạt động tại đền, năm 1947 đến trở thành nơi tổ chức sản xuất vũ khí thuộc xưởng quân khí Quân khu IV, thời kỳ 1953 – 1954 trường Quân chính TW về đóng quân và huấn luyện tại khu vực đền. Thời kỳ 1965 – 1966 đền Bà Chúa là nơi tập trung cất giấu của cải vật chất, vũ khí đạn dược của quốc phòng vận chuyển bằng đường sông Lam để vào chiến trường miền Nam…

Là một trong những ngôi đền hiện có vị trí địa lý và cảnh quan vào đẹp nhất xứ Nghệ, có bến nước, có làng quê, bãi mía, bờ dâu… Tất cả quyện hoà vào nhau thành một bức họa thuỷ mặc hữu tình, dân dã.

20211221-222656-1641321113.jpg
Năm 2009, đền Bà Chúa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Hiện tại các công trình kiến trúc của đền gồm cổng đền, sân đền, hạ điện, trung điện, tả vu, hữu vu và thượng điện, là kết quả của quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo đền dưới triều nhà Nguyễn. Đền Bà Chúa được coi là một mẫu mực điển hình của phong cách kiến trúc truyền thống, đăng đối, có tiền, có hậu, có thượng, có hạ, có tả, có hữu được bố cục trải dài theo chiều sâu nên đã tạo cho di tích một không gian thoáng đãng, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, linh thiêng của chốn đền đài, miếu mạo.

Đặc biệt, đền Bà Chúa còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị về lịch sử - văn hoá như sắc phong, câu đối, đại tự… giúp hậu thế có thêm nhiều tư liệu quý trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp của các nhân vật được thờ tại đền.

Năm 2009, đền Bà Chúa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đâu nhất thiết phải liệt vào miệt u linh hay đất thần kinh mới đậm mạch nguồn văn vật; dẫu hôm nay đời sống người dân còn nặng sinh kế nơi thôn dã thuần hậu thì vẫn hiển hiện nếp sinh hoạt, ý thức gìn giữ những di sản văn hóa - tinh thần tiền nhân để lại./.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền thiêng bên dải Lam Giang (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.