Đây chính là nơi lưu giữ lại những dấu tích của người anh hùng làng Gióng mà theo truyền thuyết đã có công đánh đuổi giặc Ân thời Hùng Vương thứ 6, đem lại thái bình cho dân tộc và đã trở thành một trong “tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Cùng với Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, hình tượng Thánh Gióng đại diện cho một ước nguyện của người dân Việt ta về ý chí quật cường, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Hình tượng ấy, tinh thần ấy đã trở nên linh thiêng trong lòng người dân Việt Nam. Hiện quần thể gồm có 7 nơi thờ tự:
Ngôi đền Trình, thờ quan Thần linh vùng Sóc Sơn, được xây dựng năm 980, thế kỷ thứ 10. Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện đền có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường có 5 gian, đặt 1 án thư, bộ chấp kích và 3 tấm bia đá. Chính cung có 1 án thư, tượng quan Thần linh và quan Văn, quan Võ đứng 2 bên.
Đền Mẫu Sóc Sơn thờ người mẹ đã sinh ra Đức Thánh Gióng. Tượng Mẫu trong chính cung đền Mẫu là một kiệt tác nghệ thuật. Tượng cao 1m đặt trên bệ tượng cao 1,8m tạo thành một thể hài hòa thống nhất. Tượng Mẫu mang vẻ đẹp điển hình của người mẹ Việt Nam anh hùng. Miệng mỉm cười đôn hậu. Mặt hiền từ khoan dung, đầy vẻ dịu dàng. Và hơn cả là ánh mắt như đang ngóng đợi người con ra trận trở về.
Chùa Đại Bi thờ Phật, là nơi tu hành đầu tiên của vị sư Ngô Chân Lưu (933 – 1011). Vào thời Đinh, ông được vua Đinh phong Khuông Việt Quốc Sư và lưu giữ chức danh này sang đời Tiền Lê. Khi triều Lê suy tàn, ông đã cùng thiền sư Vạn hạnh phò vua Lý Công Uẩn lên ngôi và được vua Lý phong là Việt Nam Tam Triều Quốc Sư.
Đền Thượng được xây trên thế đất cao, dựa lưng vào núi và trước mặt là hồ nước. Đây là nơi thờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương và 7 vị tiền nhân có công cứu dân độ thế và được tôn vinh thành thánh. Mỗi vị tượng trưng cho 1 tầng lớp, giai cấp của dân ta từ thời chiến cho đến thời bình, luôn đoàn kết trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc. Đức Thánh Gióng đại diện cho tầng lớp trai trẻ anh dũng quên mình, sẵn sàng xông pha trận mạc, đánh giặc cứu dân, cứu nước. Tượng của 7 vị tiền nhân được thờ tại chính cung đền Thượng với tư thế thờ khác biệt với tất cả tư thế thờ của các vị tiền nhân khác được thờ trong các công trình tôn giáo di tích khác của Việt Nam đó là tư thế thờ đứng.
Tấm bia đá 8 mặt trong đó mỗi mặt bia đều có nội dung gắn với câu chuyện Thánh Gióng. Nhà bia cao 3m, bên cạnh bia là hòn đá khổng lồ có hình thù như một bàn chân gắn với tích truyện vết chân khổng lồ của ông Đùng để lại tại vườn cà và mẹ Thánh Gióng đã ướm thử để rồi mang thai, sau 9 tháng 10 ngày sinh ra Thánh Gióng.
Chùa Non có tên Hán là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, được xây dựng nằm trên độ cao 110m so với chân núi. Vào thời tiền Lê, vua Lê đã cho xây ngôi chùa 7 gian 2 trái. Trải qua năm tháng chiến tranh tàn phá, chùa bị xuống cấp. Trước khi phục chế, chùa chỉ còn giữ được 3 bức tường cao hơn 1m ở phần hậu cung. Đến năm 2001, được sự quan tâm của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, chùa được xây dựng lại và đúc pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối cao 6,5m, nặng 30 tấn. Chùa được xây dựng hoàn tất cùng với Học viện Phật giáo lớn nhất Việt Nam. Vào những ngày hội lớn của Phật giáo như Lễ Phật đản hay các ngày lễ cầu siêu, chùa Non là tâm điểm thu hút hàng ngàn du khách thập phương.
Ngọn núi đá chồng cao 297m so với chân núi. Tương truyền đây chính là điểm chót trong chuyến hành trình cõi nhân thế của Thánh Gióng để rồi cả người lẫn ngựa bay vào trời xanh. Hình ảnh đó là biểu tượng của sức mạnh dân tộc, vươn cao hơn, bay xa hơn như sức mạnh Phù Đổng, là ước nguyện 4000 năm nay của dân Việt Nam. Tượng đã được khánh thành vào năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tượng đài Thánh Gióng được đúc bằng đồng nguyên khối cao 20m và nặng gần 80 tấn. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đã vượt qua 28 tác phẩm cùng tham dự cuộc thi “Sáng tác tượng Thánh Gióng siêu thoát về Trời”. Tượng mô phỏng hình ảnh cậu bé Gióng tay mang tre ngà, cưỡi ngựa sắt thăng thiên về Trời. Chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây, của hào quang và những cây tre ngà.
Mỗi di tích là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn cùng những nét đặc sắc riêng về kiến trúc sẽ lôi cuốn sự hiếu kỳ, ham hiểu biết của mọi du khách. Nếu muốn tìm đến với sự thanh thản trong tâm hồn, tìm đến với một không gian xanh trong lành, tĩnh tại để thoát khỏi những ồn ào, khói bụi của thành phố thì quần thể du lịch di tích Đền Sóc chính là một điểm đến lý tưởng, mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị.