Đền Đậu: Vẹn nguyên vẻ đẹp ban sơ (Kì cuối)

29/12/2022 13:44

Theo dõi trên

Phù sa văn hóa đượm dần, đượm dần bồi đắp nên đền Đậu (xã Thanh Hà, Thanh Chương). Chiêm bái đền thờ Quận công Đậu Bá Toàn, lữ khách không khỏi bần thần trước vẻ đẹp ban sơ vẫn còn vẹn nguyên ở chốn di tích.

z3905408350449-1d6386d421b1027fe9f5a42979fa4386-1672232564.jpg
 Chiêm bái đền thờ Quận công Đậu Bá Toàn, lữ khách không khỏi bần thần trước vẻ đẹp ban sơ vẫn còn vẹn nguyên ở chốn di tích. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nơi ấy con tìm về

Theo tài liệu Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An, đền án ngữ trên núi Động Truốc, được bao bọc bởi bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng của xã Thanh Hà. Điểm đặc biệt, trong khuôn viên đền còn có cây Sanh hơn 200 tuổi trùm lên cổng Tam quan, tạo cho đền sự uy nghi, cổ kính, vừa tôn nghiêm lại vừa gần gũi.

Đền gồm các công trình sân lễ hội, hồ nước, giếng nước, Tam quan, sân, nhà bái đường, sân lộ thiên và nhà hậu cung. Sau khi Quận công Đậu Bá Toàn mất, nhân dân làng Bạch Thạch dựng ngôi nhà một gian, được làm bằng tranh, tre, nứa, mét, trét đất để làm nơi thờ phụng Ngài. 

z3905408359897-d0e0b1f6a0a07e83dfc3b8c877441a10-1672233228.jpg
Đền gồm các công trình sân lễ hội, hồ nước, giếng nước, Tam quan, sân, nhà bái đường, sân lộ thiên và nhà hậu cung. Ảnh: Nguyễn Diệu

Năm Canh Ngọ (1930 - dưới triều Vua Bảo Đại thứ 5), nhân dân trong làng đã vận động quyên góp tiền của dựng nên hai bộ khung nhà bái đường và hậu cung bằng gỗ mít như hiện nay (Lạc khoản được khắc tại hai bộ vì giữa nhà bái đường).

Tam quan đền Đậu được xây dựng thời Nguyễn gồm một cổng chính và hai cổng phụ. Đến nay chỉ còn lại một cổng phụ, một đoạn đường và hai đầu trụ của Tam quan, trên mỗi cột trụ có khắc chữ Hán đã bị mờ. Đặc biệt là cây Sanh cổ thụ có niên đại gần 200 năm, vừa tạo bóng mát cho đền, lại tạc nên một không gian cổ kính, trang nghiêm. 

z3905408288076-fb58af5194fc529a6540b6efaca195a2-1672233314.jpg
z3996038279258-5ab7c917de375647f3e25c941f3ce20d-1672233349.jpg
Cây Sanh gần 2 thế kỷ ôm trọn cổng Tam quan tạo một không gian cổ kính, trang nghiêm. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nhà Bái đường khởi dựng năm Canh Ngọ (1930 - Bảo Đại thứ 5) đến tháng mạnh đông (tháng 10) hoàn thành, được thể hiện bằng chữ Hán ở dòng lạc khoản ghi trên xà thượng của hai bộ vì gian giữa nhà bái đường.  Nhà Bái đường gồm 3 gian, 2 hồi; hai đầu đốc xây tường, phía trước để trống, phía sau để thông với sân lộ thiên. Đền được lợp ngói âm dương, rải 86 thanh rui ở hai mái trước, sau, 34 thanh rui ở hai mái hồi, hoành gồm 16 thanh và thượng lương. 

z3905401435939-7a833d0abb4b8c1ff76fe83e4fbb7338-1672233522.jpg
Nhà Bái đường khởi dựng năm Canh Ngọ (1930 - Bảo Đại thứ 5) đến tháng mạnh đông (tháng 10) hoàn thành. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nâng đỡ mái nhà là hệ thống khung nhà bằng gỗ mít với 4 bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng, kẻ chuyền, chồng rường, chồng đấu”. Đỉnh của bộ vì là chiếc đấu hình thuyền để đỡ thượng lương, đấu này tì lực lên giá chiêng. Nhà bái đường gồm 6 cột cái, 8 cột quân và 2 cột trốn. Bờ nóc và bờ giải nhà bái đường không trang trí, chỉ đắp thẳng gờ sống khế bằng chất liệu gạch, vôi, vữa. Tuy chất liệu đơn giản, nhưng vẫn giữ nét uy nghiêm, cổ kính. 

z3905401367296-feb5fac7529b9b746036517368542d7c-1672233632.jpg
Nâng đỡ mái nhà là hệ thống khung nhà bằng gỗ mít với 4 bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng, kẻ chuyền, chồng rường, chồng đấu”. Ảnh: Nguyễn Diệu

Các chi tiết chạm cấu kiện gỗ của nhà bái đường hầu hết đều được chạm khắc, trang trí với các đề tài truyền thống bằng các hoa văn hình khối, các nghệ nhân xưa đã thể hiện các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng hoá, ẩn dụ trên những bộ vì, kẻ, xà thượng, xà hạ... những hình tượng như: vân mây, dây hoa lá, bức cuốn thư, chữ thọ... kết hợp giữa chạm lộng và chạm bong kênh làm cho khung nhà thêm phần tôn nghiêm và vững chắc. 

Nhà bái đường không bài trí thờ. Đây là nơi để nhân dân và khách thập phương sửa soạn, biện lễ chuẩn bị vào tế lễ. Nhà hậu cung khởi dựng lại năm Canh Ngọ (1930 - Bảo Đại thứ 5). Hai đầu hồi xây tường, phía trước lắp 3 bộ cửa bàn khoa, cửa chính gồm 4 cánh, hai cửa phụ hai bên cũng gồm 4 cánh, còn phía sau xây tường. Mái lợp ngói âm dương, rải 70 thanh rui bản ở hai mái trước, sau; 30 thanh rui ở hai mái hồi, hoành gồm 18 thanh. 

z3905408385618-985bd7b6b24f44547e1dfc5236b469a7-1672233841.jpg

Tại đền còn lưu giữ một số hiện vật cổ, quý như: sắc phong, hương án có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Đặc biệt là hai bộ khung nhà của bái đường và hậu cung. Ảnh: Nguyễn Diệu

 

Cần trùng tu, tôn tạo

Giá trị của đền Đậu (xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) có lẽ đã in sâu vào nếp sống của người dân Thanh Chương nói chung, xã Thanh Hà nói riêng. Trải qua sự biến thiên của thời gian, chiến tranh, thiên tai, nhưng những người dân sống trên mảnh đất Thanh Hà với tinh thần đoàn kết, ý thức bảo vệ, họ trân trọng và gìn giữ những kiến trúc cổ ấy để con cháu đời sau chiêm ngưỡng, bái vọng về tài năng của các bậc tiền nhân xưa. 

Năm 1968, bom đạn đã phá hủy Tam quan của di tích, hiện chỉ còn một đoạn của Tam quan và hai trụ hai đầu. Đến năm 1978, do thời gian, ván thưng bít tường bao xung quanh bằng gỗ lim của hai nhà bái đường và hậu cung cùng hiện vật của di tích đã bị hư hỏng nặng, mất mát. Một số cấu kiện gỗ không còn nguyên vẹn hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Năm 1998, chính quyền địa phương thành lập ban quản lý trông coi đền và kêu gọi, quyên góp nhân dân trùng tu lại nhà bái đường và hậu cung: xây lại tường bít đốc bằng vôi vữa, xi măng, mua sắm lại một số đồ tế khí, đảo lại ngói 

z3996038302152-b42b73e4aeb38723606ba81504aa1b44-1672234097.jpg
Trước Đền là giếng làng được khởi dựng năm 2012. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đến năm 2008, Ban quản lý đền quyên góp nhân dân tu sửa nhà bái đường, xây bậc tam cấp lên xuống và bổ sung kẻ, rui mè đã bị mục. 

Năm 2013, dựa trên nguyên bản của bộ cửa cũ của nhà hậu cung đã bị hư hỏng, ban quản lý đền đã làm lại bộ cửa mới bằng gỗ lim “cửa bàn khoa”. 

Đặt chân vào đền, chính sự giản dị, mộc mạc như chính người dân nơi đây đã làm “say” lòng khách thập phương. Say bởi cây Sanh cổ thụ ngót 200 năm, say vì dáng dấp đền tuy nhỏ nhưng ẩn chứa nhiều điều lớn lao. Và say bởi từng bước chân đều phải tra qua lớp cỏ dại “ban sơ”. 

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm rằng: “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Vì thể, "chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy" và "nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông".

Những ai đã từng viếng thăm đền Đậu thờ Quân công Đậu Bá Toàn tại xã Thanh Hà (huyện Thanh Chương) ắt hẳn sẽ rất chạnh lòng. Chạnh lòng bởi lẽ, trong khi hệ thống đình, đền trên địa bàn huyện Thanh Chương đều uy nghi, tráng lệ… nhưng đền thờ Quân công Đậu Bá Toàn tại Thanh Hà lại chưa xứng tầm?

z3996038330757-eea40fd8b10bd0be6418ac66fff1877c-1672234301.jpg
Cầu Đậu trước đền xuống cấp nghiêm trọng, trực chờ đổ sập bất kể lúc nào. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mặc dù là di tích lịch sử - kiến trúc cấp tỉnh, nhưng đền thờ vị Quận công này đã và đang dần bị lãng quên? Theo thời gian, nơi đây không được bảo vệ, trùng tu và giữ gìn nên hiện trạng di tích, cũng như giá trị văn hóa đang dần bị mai một?

Đường vào đền thờ Ngài nhỏ hẹp, sình lầy khi mưa xuống, bụi bặm khi nắng lên (xuống cấp trầm trọng). Xung quanh không có tường rào để che chắn, bảo vệ. Đền quạnh hiu, lạc lõng, bơ vơ đến nao lòng. Cảnh “điêu tàn” tỏ dần sau lớp di tích tưởng chừng là hoài niệm. 

Trước đền, cây cầu Đậu hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, trực chờ đổ sập bất kể lúc nào. Hệ thống tường rào cũng không có, thậm chí là những dây thép gai để ngăn trâu, bò “vãng lai” qua đền cũng “thiếu thốn”?

Trước “nguy cơ” đền thờ Ngài bị “quên lãng”, người dân cùng chính quyền địa phương nhiều lần tìm cách “cứu vãn”, nhưng một phần vì kinh phí hạn hẹp nên không thể khắc phục được tình trạng xuống cấp, hư hỏng của di tích?

z3996038249733-ca2f00f5bee0aa6adc46d3092ed25451-1672234392.jpg
Đường xã vào cổng đền chiều dài khoảng 250m (đường đang xuống cấp) cần được bê tông hóa. Đây là ước nguyện của chính quyền và nhân dân xã Thanh Hà. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền thờ Quận công Đậu Bá Toàn là di sản văn hóa, là thước đo quan trọng về sự giàu có, bản sắc văn hóa của Thanh Chương. Đây cũng là nguồn tài nguyên, là sản nghiệp văn hóa quan trọng làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển. Tuy vậy, việc trung tu, bảo vệ, phát huy những giá trị của di tích vẫn chưa được quan tâm đúng mực? Và nếu “tài nguyên”, “sản nghiệp” ấy bị “lãng quên”, xuống cấp, hậu thế chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông. 

Nhân dân làng Bạch Thạch xưa, cũng là ước nguyện của lãnh đạo xã Thanh Hà là cần làm mới mái che sân (mái tôn) cho nhân dân đến dự lễ. Thứ nữa là xây dựng mới bờ bao xung quanh đền, xây cổng chính, cổng phụ của đền. Đồng thời láng bê tông hoặc xây tam cấp cổng đền. Và đổ bê tông tuyến đường nối từ đường chính, đường xã vào cổng đền chiều dài khoảng 250m (đường đang xuống cấp). Và tu sửa, xây mới Cầu Đậu trước cổng đền. 

UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Thanh Chương cần kịp thời có kế hoạch trùng tu, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử đền Đậu tại xã Thanh Hà. Để đền thờ Ngài là điểm đến, sợi chỉ đỏ xuyên xuốt, nối dài quá khứ với hiện tại. Hơn cả, để không còn vẳng “tiếng thở than vọng từ di tích”. 

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Đậu: Vẹn nguyên vẻ đẹp ban sơ (Kì cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.