Đền Bia, di nguyện của Tuệ Tĩnh

27/08/2016 15:05

Theo dõi trên

Nếu như quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” đã đưa danh y Tuệ Tĩnh lên ngôi vị ông Thánh thuốc Nam thì tấm bia mộ ghi dòng chữ “Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với” đã khắc ghi tấm lòng son sắt của ông đối với cố hương. Hiện nay phiên bản thời Lê của tấm bia đang được thờ tại Đền Bia (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Danh y và nỗi niềm thương nhớ cố hương
 
Đại danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (sinh năm 1330), người làng Nghĩa Lư Trang, tổng Văn Thai, Phủ Thượng Hồng nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Lên 6 tuổi, Tuệ Tĩnh mồ côi cha mẹ, sau được sư thầy chùa Giao Thủy (trấn Sơn Nam) đón về cho ăn học. Ông thi đỗ Hoàng Giáp (Đệ nhị tiến sĩ) khoa Tân Mão nhưng không ra làm quan mà ẩn mình nơi cửa Phật nghiên cứu thuốc Nam chữa bệnh cho dân chúng.
 
Lấy “trăm dân, muôn họ” làm đầu, Tuệ Tĩnh ngày đêm nghiên cứu các loại sách thuốc và ảnh hưởng của quy luật biến hóa âm dương ngũ hành đối với sức khỏe con người. Ông đi khắp nơi sưu tầm, nghiên cứu các bài thuốc dân gian, các loại cây cỏ làm vị thuốc. Tuệ Tĩnh chủ trương theo đuổi chí hướng “Nam dược trị Nam nhân” (dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam) được người đời xưng tụng là “Ông thánh thuốc Nam”. Tuệ Tĩnh chia các phương pháp chữa bệnh thành 10 khoa, 2 môn chữa 184 bệnh bằng 3873 phương thuốc từ 580 vị thuốc Nam. Các phương thuốc của ông hầu hết được viết thành các bài thơ Nôm, một phần bằng quốc âm để dân chúng dễ đọc, dễ nhớ. Tuệ Tĩnh có công rất lớn trong việc dập tắt nhiều trận dịch lớn; cứu chữa người dân nghèo không lấy tiền; gây dựng việc trồng cây thuốc tại các vườn chùa phát triển nguồn dược liệu; giảng giải cho các tăng ni, phật tử cách phòng và chữa bệnh…
 
Năm 1384, khi Tuệ Tĩnh 55 tuổi, ông được nhà vua cử đi sứ sang Minh triều (Trung Quốc). Ông chữa khỏi bệnh cho Tống Vương phi và được vua Minh phong là “Thái y thiền sư” nhưng không cho về nước. Tuệ Tĩnh mang trong lòng nỗi niềm thương nhớ cố hương sâu sắc. Sau khi Tuệ Tĩnh mất, phía sau tấm bia mộ của ông tại Giang Nam – Trung Quốc được khắc dòng chữ “Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”. Đây là di nguyện của ông trước lúc lâm chung.
 

 
Đền thờ tấm bia di nguyện
 
Cuối thế kỷ 17, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã ghé thăm mộ phần của Tuệ Tĩnh khi đi sứ sang Trung Quốc. Tiến sĩ vô cùng xúc động khi đọc được dòng tâm nguyện của danh y. Không được phép mang hài cốt về nước, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã cho dập mẫu bia, chở ý nguyện của đại danh y về với quê hương. Thuyền về đến cánh đồng Văn Thai thì bị lật, bia chìm. Ít lâu sau nhân dân tìm thấy bia tại doi đất hình dao cầu (dao thái thuốc) có địa hình ngũ mã quần tiền, tam tinh hậu ứng. Cho rằng, danh y muốn dừng chân tại đây nên nhân dân đã lập đền thờ (nay là Đền Bia). Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, chữ trên tấm bia không còn nhìn rõ nhưng vẫn được nhân dân cẩn thận gìn giữ trở thành bảo vật thiêng liêng của ngôi đền và được đặt trang trọng phía trong hậu cung.
 
Đền Bia ngày nay không chỉ thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh cùng tấm bia trên mà còn thờ cả Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho để cảm tạ công ơn đã thực hiện di nguyện của danh y. Ngày 10/3/1994, đền Bia được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Qua nhiều lần tu bổ, khu di tích đền Bia hiện nay rộng gần 4ha, gồm khu thờ tự, khu nhà bốc thuốc, vườn thuốc Nam... Đền còn giữ được nhiều hiện vật giá trị từ các triều đại Lê, Nguyễn. Nhân dân lấy ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch (tương truyền là ngày thánh hiển) làm ngày hội chính của Đền.
 
Hằng năm, có rất nhiều du khách thập phương đến lễ Đền và bốc thuốc, cầu sức khỏe…Theo Ban Quản lý di tích thì đông nhất là du khách đến từ Hải Phòng, Nghệ An, Sài Gòn và nhân dân trong tỉnh… Bà Lê Thị Thoa, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Cẩm Giàng cho biết: “Cứ cách 1 năm, vào ngày 15/2 âm lịch, Bộ Y tế sẽ tổ chức dâng hương tưởng niệm danh y Tuệ Tĩnh tại Đền. Ngoài ra, năm nào các thầy, cô và học viên Học viện Y Dược Cổ truyền Việt Nam đều đến Đền thành kính dâng hương”.

Theo Cao Ngọc (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Đền Bia, di nguyện của Tuệ Tĩnh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.