Đền Bắc Thịnh - Khí thiêng không dứt

27/04/2024 22:41

Theo dõi trên

Đối với nhân dân Bắc Thịnh (làng Xuân Tình xưa), thần Đá được thờ tại đền Bắc Thịnh (xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc) là vị thần linh thiêng, thường hiển linh che chở, bảo vệ cuộc sống bình yên cho bà con nơi này!

438240326-893240559480329-8247125374095500051-n-1714231709.jpg
Đền Bắc Thịnh (xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An)

Thờ Thành Hoàng Thiên Đá phúc linh

Đền Bắc Thịnh được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI) tại thôn Xuân Tình, tổng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xóm 5, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Trải qua các thời kỳ lịch sử, dù địa danh có nhiều đổi thay nhưng di tích vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu. Đền là nơi thờ Thành hoàng làng Thiên Đá Phúc linh, về sau phối thờ thêm các thần như: Đương cảnh Thành hoàng Lý Vực Chân quân; Đương cảnh Thành hoàng Kinh hào Chỉ trụ. 

Người Việt luôn quan niệm vạn vật hữu linh, tức là mọi vật đều có linh hồn và từ đó hình thành nên tín ngưỡng đa thần. Sự sùng bái tự nhiên là giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của lịch sử loài người. Khi con người còn yếu đuối, bất lực trước thiên nhiên... từ đó hình thành nên tín ngưỡng thờ nhiên thần, thiên thần. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là một tín ngưỡng khá phổ biến ở làng xã Việt Nam. Sách Đại việt sử ký toàn thư, tập 4 chép: “Thành hoàng là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng, ở mỗi làng, khắp các làng xưa kia”.

Và như nhận định của Giáo sư Đào Duy Anh: “Thần Thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chẽ.” Theo bản thần tích của đền ký hiệu AE.B1/3 lưu tại viện Hán Nôm và Tục thờ thần và thần tích Nghệ An cho biết: “Tương truyền rằng xưa có tảng đá trắng xuất hiện tại đây, ai cả gan khinh mạn sẽ bị tai họa. Người làng bèn lập đền thờ ở đó. Bỗng dưng tiêu tan. Khí thiêng không dứt...”

Mỗi khi người dân địa phương bị ốm đau bệnh tật, mùa màng thất bát... đều đến đền thắp hương, cầu xin thường rất linh nghiệm “hễ có ai bái lạy cầu xin đều được ứng nghiệm” hoặc như trong sắc phong của thần có chép: “Hiệu nghiệm khi cầu mưa xin nắng. Đức lớn che chở cho dân nên ghi thưởng đều là ý nguyện dân chúng, tặng phong để tỏ vinh hoa đặc biệt, lại linh thiêng từ lâu”. Bời thế, thần chính là vị phúc thần bảo vệ phù hộ cho nhân dân trước những biến cố, tai ương trong cuộc sống.

imagesthumb91b9d18c-f971-42a6-9e32-5ce23ba136a0-1714231805.jpg
Đền là nơi thờ Thành hoàng làng Thiên Đá Phúc linh, về sau phối thờ thêm các thần như: Đương cảnh Thành hoàng Lý Vực Chân quân; Đương cảnh Thành hoàng Kinh hào Chỉ trụ

Trong bản thần tích của đền chép lại một việc linh ứng: “Vào khoảng những năm Thành Thái, theo lệnh bắt phu đi Trấn Ninh để làm việc. Giáp ta bắt phu 10 người, rồi trai giới để tiến hành cầu an ở đền. Trong khi lễ, có người tên là Lê Mậu Sức sợ đi Trấn Ninh đường sá xa xôi, bèn thuê một người trong ấp tên là Nguyễn Hòe đi thay. 

Đêm đến mơ thấy một người tay cầm gươm rồng đứng đầu giường chỉ vào và nói rằng: “tên Hòe mệnh yểu, không thể đi thay được”. Sau đó tên Sức cùng những người dân phu đi Trấn Ninh làm việc. Sau cuối cùng tên Hòe ở nhà bị bệnh chết. Còn dân phu của Giáp ta thì trên đường đi về không có trở ngại gì cả”. Để thấy rằng, sự linh ứng của thần Đương cảnh Thành hoàng Thiên Đá Phúc Linh tại địa phương cũng như niềm tin của người dân đối với thần được thờ tại di tích.

Trải qua các triều đại phong kiến, thần Thành Hoàng Thiên Đá Phúc linh đã được ban cấp nhiều sắc phong, tuy nhiên hiện nay, tại viện Hán Nôm chỉ còn lưu giữ được 02 sắc phong thời Cảnh Hưng với ký hiệu AD.B1/19, trong đó có sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 8 phong cho thần là Trung đẳng thần.

438299036-893240786146973-3476200145663567366-n-1714231882.jpg
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định xếp hạng đền Bắc Thịnh là di tích lịch sử cấp tỉnh

Sắc phong ngày 18-4 năm Cảnh Hưng thứ 8, cho thần Thành hoàng Thiên Đá (Dịch nghĩa): Sắc cho vị Đại vương là Đương cảnh thành hoàng (vốn có mỹ tự là) Hiển đức Thông minh Tư kiêm Anh nghị Dũng liệt Đặc quản Lý triều Lệnh dự Quang đằng Tống quốc Nguyên thông Duệ trí Khang dụ Phu dũng Tuy khánh Phổ trạch Diệu vi Tuyên hựu Trinh nhuận Tương trấn.

Thân thể trời hun đúc, đạo đức đất dưỡng nuôi. Che chở  một phương, đưa lê dân lên cõi thọ. Ban ra trăm phúc, đặt mạch nước chốn ổn yên. Ngầm phù hộ đã rõ thần công, tăng phẩm trật ấy xem theo tự điển. Linh thiêng rõ rệt. Nên vâng chỉ chuẩn tặng phong Trung đẳng, xứng đáng được gia phong là:    

Đương cảnh thành hoàng Hiển đức Thông minh Tư kiêm Anh nghị Dũng liệt Đặc quản Lý triều Lệnh dự Quang đằng Tống quốc Nguyên thông Duệ trí Khang dụ Phu dũng Tuy khánh Phổ trạch Diệu vi Tuyên hựu Trinh nhuận Tương trấn Văn võ Thánh thần Đại vương. Vậy nên ban sắc.

Ngày 18 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 8.

Nhiều giá trị hiện hữu

Xưa tại đền diễn ra nhiều kỳ lễ. Hiện nay chính quyền địa phương cùng nhân dân đang từng bước khôi phục lại hoạt động tín ngưỡng tại di tích như lễ Khai Hạ (ngày mồng 7 tháng Giêng), lễ rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, các ngày sóc, vọng hàng tháng... nhưng long trọng nhất là lễ rằm tháng Giêng. Theo thuyết phong thủy, đền tọa lạc trên vị trí có tiền án, hậu chẩm. Đây là địa điểm rất linh thiêng, mang lại cảm giác yên bình, thanh tịnh cho du khách khi đến với di tích. 

438300029-893240582813660-2772866841519254437-n-1714232061.jpg
Đây là sự ghi nhận về những giá trị của di tích, đồng thời điều kiện quan trọng để tiếp tục bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích trong thời gian tới

Xưa kia, đền được xây dựng gồm 03 tòa (hạ, trung, thượng điện), phía trước có Nghi Môn. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, một số hạng mục tại di tích bị dỡ đi làm lớp học, một số bị xuống cấp và đã được tu sửa phục dựng lại vào thời Nguyễn. Hiện tại di tích gồm các công trình như Nghi môn, Hạ điện, Trung điện và Thượng điện.

Đền có quy mô đăng đối, hợp lý, tỉ lệ giữa các chi tiết cân đối, tạo thành một khối liên kết vững chắc, đáp, ứng được yêu cầu của một công trình kiến trúc vững bền trong điều kiện khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt. Thông qua kiến trúc, nét chạm khắc tại di tích sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về phong cách thẩm mỹ của giai đoạn lịch sử đương thời. Nhiều đề tài truyền thống hấp dẫn, sinh động như “long ngư húy thủy”, “lưỡng long triều nhật”…

Huyện Nghi Lộc nói chung, xã Nghi Thịnh nói riêng tự hào là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, là địa phương còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử. Đây không chỉ là sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại, còn là mạch nguồn văn hóa từ ngàn xưa truyền lại. Đồng thời giáo dục truyền thống hào hùng và nét đẹp văn hóa của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Bắc Thịnh - Khí thiêng không dứt" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.