Tham dự Lễ kỷ niệm có ông Trình Văn Nhã, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển Nguyễn Đức Kiếm - Chủ tịch Hội đồng Khoa học; đại diện dòng họ Trần Việt Nam; các ban, ngành của huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng toàn thể bà con nhân dân và con cháu nội, ngoại họ Trần Đức.
Ngày 17/3/1874, Trần Tấn và Đặng Như Mai - học trò của ông, cùng nghĩa quân đã khởi nghĩa chống thực dân Pháp và triều đình Huế. Chính tại mảnh đất này, cách đây tròn 150 năm đã vang dậy lời hịch vang dậy núi sông “Dập dìu trống mở cờ xiêu, phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây” của nghĩa quân. Sau khi ban hịch, nghĩa quân đã tổ chức làm lễ tế cờ rồi kéo quân ra trận. Cuộc khởi nghĩa này được ghi vào lịch sử là cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874).
Cuộc khởi nghĩa đã làm cho thực dân Pháp và Nam Triều nhiều phen thất điên bát đảo. Nhưng do chênh lệch về lực lượng nên cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng bị đàn áp. Mặc dù thất bại, song cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là mở đầu sự nghiệp đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp để chống thực dân, phong kiến. Bên cạnh đó, cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho các phong trào cách mạng về sau.
Với những chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, năm 2002, Bộ VH, TT&DL đã có Quyết định xếp hạng Di tích cấp lịch sử cấp Quốc Gia "Mộ, Nhà thờ Trần Tấn và nền tế cờ". Tên ông đã được đặt tên cho những con đường ở TP Vinh, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh và ở Thị Trấn Thanh Chương nơi quê hương Ông.
Cũng tại buổi lễ ông Nguyễn Văn Diện, một người nghiên cứu lịch sử địa phương, hiện đang công tác tại Phòng Văn hóa và Thông tin của huyện Thanh Chương đã hiến tặng một cổ vật có giá trị đó là thanh kiếm cổ cho dòng họ và di tích. Thanh kiếm này được ông Nguyễn Văn Diện trục vớt ở gành Cố Bang (thôn 8a cũ, nay là thôn Chi Hồng, xã Thanh Chi) từ năm 2015. Theo các chuyên gia nhận định đây là vũ khí của nghĩa quân Trần Tấn.