Đề tài lịch sử trên sân khấu Cải lương: Xem để yêu, để hiểu lịch sử dân tộc

09/12/2015 22:31

Theo dõi trên

Gần đây có nhiều vở diễn về đề tài lịch sử trên sân khấu Cải lương đã tạo được sự chú ý của công chúng thông qua những nhân vật lịch sử với những cách khai thác và những sáng tạo mới.



"Vua Phật" do TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) viết kịch bản, NGƯT Triệu Quang Vinh chuyển thể cải lương. Ê kíp thực hiện khá trẻ nhưng đều là những gương mặt đã thành công trong nghệ thuật: NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn, nhạc sĩ Giáng Son sáng tạo âm nhạc, biên đạo múa ThS Tuyết Minh, biên tập cổ nhạc NSƯT Hoàng Đạt, thiết kế mỹ thuật là họa sĩ Hoàng Duy Đông, phục trang Minh Hùng phụ trách… (Ảnh: Công Thược)

Tuy không chiếm áp đảo so số vở đề tài hiện đại tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương CNTQ 2015 nhưng số giải thưởng của cuộc thi lại thuộc về nhiều vở đề tài lịch sử: 3 HCV vở diễn xuất sắc thuộc về các vở: Tình sử hai vương triều” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), “Yêu là thoát tội” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Vua thánh triều Lê” (Nhà hát Cải lương Việt Nam). HCB có “Mai Hắc Đế” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Trung thần” (Hội Sân khấu TP.HCM) và “Đào Duy Từ” (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu). Trong đó, có đơn vị còn tham dự tới hai vở đề tài lịch sử như Nhà hát Cải lương VN với Vua thánh triều Lê và Mai Hắc Đế, Nhà hát NTTT Đồng Nai với Ánh đèn khuya. Riêng Nhà hát Cải lương VN ngay khi kết thúc Cuộc thi thì cũng là lúc đơn vị ra mắt một vở diễn mới về đề tài lịch sử, đó là Vua Phật, khắc hoạ thành công hình tượng Đức vua Trần Nhân Tông, một đấng minh quân, không chỉ lừng lẫy chiến công mà còn biết “dựng đạo - tạo đời”.

Không ít người cho rằng mảnh đất màu mỡ của sân khấu cải lương chính là về đề tài lịch sử bởi kịch bản có câu chuyện có sẵn, người viết không phải nghĩ ra cốt truyện. Tuy nhiên, đây chính là những khó khăn của ê kíp sáng tạo vở, làm thế nào để có một tác phẩm xoáy vào xây dựng nhân vật trung tâm. Đó là chưa kể, cùng một nhân vật như Trần Thủ Độ, Đức vua Trần Nhân Tông, Lý Chiêu Hoàng... thì nhiều đơn vị sân khấu cải lương nói riêng và nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu cùng dựng. Làm thế nào để tác phẩm có được cái riêng của mình, làm thế nào để câu chuyện cũ thu hút khán giả là một vấn đề mà người viết, người dựng sân khấu cải lương phải có những sáng tạo nổi bật. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, người đã giành nhiều HCV tại các cuộc thi, liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp những năm gần đây chia sẻ: “Lịch sử VN là một kho báu để sân khấu cải lương cũng như các loại hình nghệ thuật khác khai thác. Điều quan trọng nhất với tôi khi bắt tay dàn dựng một vở lịch sử là cảm xúc của mình với giai đoạn lịch sử đó, nhân vật đó. Với một câu chuyện cũ nhưng tác giả, đạo diễn và ê kíp sáng tạo phải có cách kể mới”. 

Nghệ sĩ Quang Khải, người giành HCV với vai diễn Mai Hắc Đế trong vở diễn cùng tên tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương 2015 và vai vua Trần Nhân Tông trong vở Vua Phật (NH Cải lương VN) cho biết: “Khi đóng những nhân vật lịch sử đã trở thành huyền thoại tôi đã phải đọc rất nhiều sách lịch sử nói về các nhân vật của mình để tìm hiểu tính cách, con người từ phẩm chất, lý tưởng của những anh hùng, những nhân vật chính nghĩa trong lịch sử”.

Mỗi vở diễn về đề tài lịch sử thể hiện một cách nhìn riêng về nhân vật cũng như cách làm mới của ê kíp sáng tạo. NSND Giang Mạnh Hà, thành viên Hội đồng giám khảo Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương CNTQ 2015 chia sẻ: “Nhà viết sử chỉ viết và chép lại những câu chuyện lịch sử theo diễn tiến của thời gian. Người nghệ sĩ sân khấu cải lương thành công khi dàn dựng đề tài lịch sử đó là được quyền lựa chọn những câu chuyện, những sự kiện và nhân vật lịch sử theo ý mình. Điều quan trọng là tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ phải tìm ra chìa khoá chủ đề tư tưởng của giai đoạn lịch sử, nhân vật đó để gửi gắm vào đó những thông điệp. Mượn chuyện của người xưa để nói những vấn đề của hôm nay là cách mà sân khấu hay làm”. Sự thành công của những vở diễn đề tài lịch sử tại Cuộc thi sân khấu cải lương CNTQ 2015, theo NSND Giang Mạnh Hà, đó là do ê kíp sáng tạo vở đã có những yếu tố rất mới trong khai thác đề tài, khai thác nhân vật và dàn dựng sân khấu. Yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ khiến sân khấu cải lương bứt phá so với các thể loại sân khấu truyền thống khác là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị sân khấu, đạo cụ, phục trang, hoá trang rất quy mô.

Sự thành công khi khai thác các vở diễn về đề tài lịch sử trên sân khấu Cải lương đã cho thấy, dẫu ở đề tài nào nếu biết cách xây dựng và khai thác và cả biết cách tiếp thị biểu diễn thì vở diễn ăn khách. Trong khi giáo dục lịch sử đang bị kêu ca là "khô cứng" khó cuốn hút học sinh, thì việc xây dựng một tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử phản ánh các hình tượng của lịch sử một cách sống động, hấp dẫn là điều vô cùng cần thiết và cần được khuyến khích, ủng hộ.

Thúy Hiền (Báo Văn hóa)

Bạn đang đọc bài viết "Đề tài lịch sử trên sân khấu Cải lương: Xem để yêu, để hiểu lịch sử dân tộc" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.