Để phim ảnh Việt Nam phát triển cần chú trọng biên kịch

22/12/2015 15:58

Theo dõi trên

Lâu nay, công chúng lẫn giới làm phim, nhà quản lý, đều chỉ biết đến bộ phim là do đạo diễn, diễn viên xây dựng nên, nhưng ít ai hiểu được rằng, nếu không có sự thai nghén của những biên kịch - người viết ra những kịch bản để làm phim, thì sẽ không có những bộ phim. Một bộ phim hay, yếu tố đầu tiên và quyết định hơn phân nửa sự thành công, là do kịch bản mang lại.



Cảnh trong bộ phim truyền hình “Cha rơi’ do Quý Dũng viết kịch bản vừa đoạt giải Cánh diều vàng. - Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

Nhưng điều trớ trêu là hiện nay, các nhà sản xuất, nhà đài, nhà quản lý và hoạch định chính sách về nghệ thuật nói riêng và phim ảnh nói chung, lại ít chú trọng đến đội ngũ thiết yếu này. Tại hai trường đại học chuyên đào tạo về sân khấu, điện ảnh của ta là Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội và trường kia ở TP. HCM, cũng ít người theo học biên kịch. Đó là lỗ hổng lớn trong quy trình đào tạo, sản xuất phim ảnh của ta. Nhiều năm sống với nghề biên kịch phim truyện, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đánh giá: “Đội ngũ viết kịch bản phim của chúng ta còn thiếu rất nhiều, thiếu người tài, thiếu chuyên nghiệp. Vì thế, những người viết được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều năm nay, chúng ta hầu như ít chú ý đào tạo đội ngũ này biên kịch”.

Đoạt giải biên kịch xuất sắc nhất, nhà biên kịch Quý Dũng cha đẻ của bộ phim “Cha rơi” đoạt giải Cánh diều vàng 2014, cho rằng, đội ngũ biên kịch ở ta hiện viết khá mạnh, khá đông đảo. Nhưng phần lớn họ đều thiếu vốn sống, ít trải đời nên tác phẩm không lung linh, thiếu cá tính và độ sâu, dày của văn hóa và kinh nghiệm sống. Có lẽ đa số còn quá trẻ. 

Mặt khác, chúng ta hiện đang quản lý, kiểm duyệt quá chặt cũng ảnh hưởng đến nội dung tác phẩm. “Việc biên tập phim như hiện nay cũng tác động không nhỏ đến chất lượng và việc sáng tạo của người viết kịch bản phim truyện. Tôi xin nói thẳng là có nhiều người mang danh là biên tập phim truyện nhưng lại không biết viết kịch bản phim truyện. Họ lại vấp phải những lỗi nghề nghiệp khá ngô nghê. Nhiều biên tập viên không đánh giá tác phẩm mà chỉ đánh giá, nhìn nhận vào tác giả để thẩm định giá trị và bắt lỗi. Người biên tập giỏi là phải giúp nâng tầm cho tác phẩm”, biên kịch Quý Dũng nói.

Vai trò biên kịch hiện nay ít được coi trọng, kể cả trong quá trình làm phim. Thường sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng tác quyền thì vai trò của biên kịch cũng chấm dứt. “Lý ra biên kịch phải là người song hành cùng đạo diễn cho đến khi tác phẩm hoàn thành. Thậm chí chỉ cần một xích mích nhỏ, tên biên kịch được chạy lẫn trong danh sách của thành phần đoàn như âm thanh ánh sáng. Buồn hơn nữa là khi vinh danh tác phẩm, không ai nhắc đến cha đẻ của bộ phim. Biên kịch cũng là cha rơi chăng?”, biên kịch Quý Dũng bức xúc nói.

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy và sách lược đào tạo. Muốn điện ảnh và phim truyền hình của ta phát triển hơn nữa, cần chú ý đào tạo đội ngũ biên kịch. Cần chú trọng vai trò của đội ngũ biên kịch hơn nữa, bởi vì một bộ phim hay luôn bắt đầu từ một kịch bản hay. Điều đáng lo và đáng bàn là hiện nay, dù chúng ta đang muốn đẩy mạnh và nhanh sự phát triển của điện ảnh, phim truyền hình nước nhà nhưng chúng ta đang thiếu một lực lượng biên kịch chuyên nghiệp và có năng lực thực sự. Nhà văn, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: “Ở nước ngoài, họ rất chú trọng đào tạo, đề cao đội ngũ biên kịch này. Tôi đã từng qua Trung Quốc tham quan. Tôi thấy họ tuyển chọn, đào tạo biên kịch rất kỹ. Học biên kịch phải là những người đã tốt nghiệp đại học. Trong 100 người thi, họ chỉ chọn lấy 50. Trong 50 người này ra trường, may mắn có 2 người giỏi. Còn lại chỉ là hạng tầm tầm, đủ khả năng làm biên kịch. Có lẽ chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ viết kịch bản. Chúng ta thiếu một chiến lược đào tạo lâu dài, chuyên nghiệp cho đội ngũ này và cả nền nghệ thuật điện ảnh nói chung”.

Đồng tình với quan điểm trên, biên bịch Quý Dũng cho biết thêm, đa phần đội ngũ biên kịch của ta do tuổi đời còn trẻ, thiếu trải nghiệm, vốn sống và vốn văn hóa chưa dày nên họ viết kịch bản chủ yếu từ sự tưởng tượng, xa rời thực tế. “Những tác phẩm hay phần lớn đều bắt nguồn từ cuộc sống, bắt nguồn từ sự tình cờ nào đó mà tác giả may mắn gặp được hay biết tới. Phải bám sát, quan sát cuộc sống bằng cái tâm nồng nhiệt của mình, tha thiết yêu cuộc sống thì mới có thể có kịch bản hay. Cần phải đào tạo biên kịch theo tâm thế đó”, biên kịch Quý Dũng nói.
 
Nguyễn Thịnh

Bạn đang đọc bài viết "Để phim ảnh Việt Nam phát triển cần chú trọng biên kịch" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.