Đầu Xuân khám phá kỳ bí “Sấm trạng Trình” Nguyễn Bỉnh Khiêm - Danh nhân văn hoá lỗi lạc

25/01/2023 16:11

Theo dõi trên

Trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam, ít có người nào tên tuổi lại được nhắc đến với nhiều giai thoại kỳ bí như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dân gian truyền tụng về ông như một bậc hiền tài siêu phàm của nước Việt, với khả năng thấu thị và tiên tri về số mệnh, vận mệnh... Sử gia Phan Huy Chú cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là "một bậc kỳ tài, hiển danh muôn thuở”.

dhoa-2352346346-1674637846.jpg
Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguồn: Internet

Vì sao gọi là Trạng Trình?

Nguyễn Bỉnh Khiêm được gọi là Trạng Trình, vì năm 1535, dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, thời thịnh trị nhất của nhà Mạc, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay Trạng nguyên. Năm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm 44 tuổi. Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ, được phong tước “Trình Tuyền Hầu” rồi “Trình Quốc Công” nên dân gian quen gọi ông là “Trạng Trình”.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6/4/1491 âm lịch ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ông mất năm 1585, là người trường thọ (95 tuổi).

Từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm được hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương, sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Do nhà Hậu Lê (Lê sơ và Lê Trung Hưng) rơi vào khủng hoảng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không ra ứng thi sớm. Ngay cả khi nhà Mạc lên thay cho Lê sơ năm 1527, xã hội dần ổn định, ông vẫn bỏ qua hai khoa thi đầu dưới triều Mạc. Tới năm 1535, dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, thời thịnh trị nhất của nhà Mạc, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay Trạng Nguyên.

Nguyễn Bỉnh Khiêm từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Mạc. Khi triều Mạc suy yếu dưới thời vua Mạc Phúc Hải, chứng kiến gian thần lộng hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ đòi vua hạch tội 18 tên lộng thần. Bản tấu trình không được để ý, ông lập tức từ quan về quê làm nghề dạy học với hiệu Bạch Vân cư sĩ.

Đánh giá về tài năng, đức độ của Trạng Trình, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thời Tây Sơn cho rằng “Trạng Trình đã nắm được huyền cơ của tạo hóa". Ông là danh nhân văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn, bậc hiền triết, nhà tiên tri đại tài, nhà giáo vĩ đại, được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ. Ồng để lại cho hậu thế một di sản khá đồ sộ cả về chữ Hán và chữ Nôm, về văn thơ và bia ký. Đặc biệt, trong dân gian còn lưu hành nhiều câu sấm Trạng cũng như các tập sấm kí mang tên "Sấm Trạng Trình", phần lớn viết theo thể lục bát.

Nể phục tuân theo lời khuyên của Trạng Trình

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân tài của nước ta thời phong kiến (thế kỷ 16), là nhà triết học lớn, được biểu hiện trong thơ để giải đáp nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội, là những suy ngẫm chiêm nghiệm, đúc kết  khái quát “luật” đời bằng những phạm trù triết học.

Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên góp phần quyết định vận mệnh của 4 thế lực (dòng họ) phong kiến đương quyền thoát khỏi khó khăn, vận hạn, gồm nhà Hậu Lê, nhà Mạc, chúa Trịnh và chúa Nguyễn.

Trước hết, đối với nhà Mạc, đến triều vua Mạc Mậu Hợp, năm Diên Thành thứ 8 (1585), tức năm Ất Dậu tháng 11 thì ông lâm bệnh.Lúc này tình hình nhà Mạc đã quá suy yếu, vua Mạc Mậu Hợp sai sứ đến gặp Trạng Trình vấn an, hỏi về quốc sự. Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ trả lời rằng: "Tha nhựt quốc hữu sự cố, Cao Bằng tiểu địa, sổ thế khả duyên". Nghĩa là: Sau này quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời. Trước khi ông mất, nhà Mạc xin ý kiến tồn tại thế nào, Nguyễn Bỉnh Khiêm đọc hai câu thơ: "Cao Bằng tàng tại - Tam đại tồn cô" (nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ tồn tại thêm được ba đời nữa). Quả nhiên, điều này đúng.

Bảy năm sau, năm Quang Hưng thứ 15 (1592), Trịnh Tùng (Nam Triều) tổng tấn công thành Thăng Long, triều Mạc (Bắc Triều) sụp đổ. Trịnh Tùng rước vua Lê Thế Tông từ kinh đô kháng chiến Vạn Lại - An Trường (Thọ Xuân - Thanh Hóa) trở về thành Thăng Long nhưng mọi quyền bính do chúa Trịnh sắp đặt.

Theo lời khuyên của Trạng Trình, con cháu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng cố thủ, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, chọn Na Lữ, xã Hoàng Tung (Hòa An ngày nay) là đế đô, vương phủ ở Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố Cao Bằng ngày nay). Nhà Mạc ở Cao Bằng 84 năm (1593 - 1677) trải qua ba đời vua: Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1625 - 1638), Mạc Kính Vũ (1638 - 1677). Năm Vĩnh Trị thứ 2 thời vua Mạc Kính Vũ (1677) bị quân Lê - Trịnh do tướng Đinh Văn Tả chỉ huy đánh dẹp nhà Mạc, chấm dứt nội chiến Nam - Bắc Triều.

Nghiên cứu mới nhất với những tư liệu thu thập được thì Mạc Kính Vũ đã bí mật rời Cao Bằng về ẩn cư tại đồi thôn Diệm Xuân làm nơi mai danh ẩn tích, xuất gia xây chùa Trống (hay còn gọi là chùa Diệm Xuân) quy y nơi cửa Phật và mất tại đây vào năm nào chưa xác định được, chứ không phải chạy sang Long Châu (Trung Quốc) hoặc nhảy xuống sông tự vẫn như có tài liệu và có sách đã viết.

Đối với thế lực Lê - Trịnh, khi vua Lê Trung Tông băng hà ngày 24/1/1556, không có con nối dõi, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên giải: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn), nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao.

Trịnh Kiểm nghe theo lời khuyên của Trạng Trình, đã tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông năm 1556. Lời khuyên đó đã giúp cơ nghiệp nhà Hậu Lê tiếp tục được giữ vững đến năm 1788.Nhà Trịnh dù không chính thức ngồi lên ngôi vua nhưng nắm được thực quyền. Nhân dân cũng tránh khỏi can qua "nồi da nấu thịt", chiến tranh chia lìa. Cơ chế “Vua lê - Chúa Trịnh” cầm quyền ở Đàng Ngoài, với danh nghĩa chúa Trịnh vẫn tôn phò nhà Lê tồn tại  hơn 200 năm. Bởi thế mới có câu: "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong".

Còn đối với dòng họ Nguyễn, năm 1545, Vua Lê Trang Tông phong Trịnh Kiểm, chồng của Nguyễn Thị Ngọc Bảo là con gái của Nguyễn Kim (chị ruột Nguyễn Hoàng) làm Thái sư. Họa vô đơn chí trong cùng một năm, trước là cha (Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất vốn là hàng tướng nhà Mạc đầu độc chết, tiếp đến Nguyễn Uông là anh cũng bị chết). Cái chết của người anh cả của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông vẫn còn nhiều tồn nghi nhưng dư luận đương thời cũng như truyền ngôn và có những tài liệu, sách báo cho rằng đương kiêm Thái sư Trịnh Kiểm giết chết, vì sợ bị Nguyễn Uông đòi kế thừa quyền lực từ cha đẻ là Nguyễn Kim. Hơn nữa, Nguyễn Hoàng mới lập được chiến công, được phong làm Đoan quận công, có thể như cái gai trước mắt đối với Thái sư Trịnh Kiểm.Nhận thấy sự nguy hiểm này, Nguyễn Hoàng cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo hơn để Trịnh Kiểm khỏi nghi ngờ.

Sau khi bàn mưu với cậu ruột là Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng ngầm sai sứ giả tới hỏi Trạng Trình. Nguyễn Bỉnh Khiêm phán bảo: “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân”. Nghĩa là một dải Hoành sơn có thể là chốn dung thân được. Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng nhờ chị gái Nguyễn Thị Ngọc Bảo xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào để tránh bị nghi ngờ tranh giành quyền lực, không bị giết như người anh cả Nguyễn Uông. Giang sơn nhà Nguyễn nhờ đó mà dựng nên ở phương Nam, được Trịnh Kiểm đồng ý. Hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi, nhà Nguyễn đã sửa câu sấm của Trạng Trình thành: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” còn lưu truyền đến ngày nay.

Năm 1558, Trịnh Kiểm tâu với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, toàn quyền xử lý mọi việc, chỉ cần mỗi năm nộp đủ số lương thực do triều đình Nam Triều quy định là được (thời Lê Trung Hưng kinh đô kháng chiến ở Vạn Lại - An Trường - Thanh Hóa. Còn Bắc Triều là nhà Mạc đóng đô ở kinh thành Thăng Long). Quan trấn thủ Thuận Hoá được mang theo gia đình, thân tín, gia tướng, quân bản bộ và các tướng lĩnh do Nguyễn Hoàng toàn quyền lựa chọn, bổ nhiệm.

Từ đó, mở đất vào Nam, con cháu lập nên chúa Nguyễn, lấy sông Gianh làm giới tuyến, đến đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên bỏ cống nạp cho “triều đình Lê - Trịnh”, dẫn đến Trịnh - Nguyễn phân tranh mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 kéo dài cho đến cuối thế kỷ 18 khi nhà Tây Sơn đánh đổ cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Nhưng sau đó, hậu duệ của chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn lên làm vua năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long.

Lời khuyên của Trạng Trình đối với nhà Nguyễn có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành địa đồ Việt Nam hiện nay. Việc nhà Nguyễn di chuyển vào vùng Thuận Hóa tạo điều kiện mở rộng bờ cõi xuống phía Nam không chỉ cho Nguyễn Hoàng, cho Đàng trong mà là cả cho nước Việt, chính là nguyên nhân của cớ sự này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Lời tiên tri của Trang Trình ứng nghiệm với Nhà Nguyễn tồn tại non 4 thế kỷ với 9 đời chúa và 13 đời vua (1802 - 1945), đến đời Vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ), tức là đến chữ “Đại” thì tịch (chấm dứt), chứ không phải “muôn đời” như mong muốn của nhà Nguyễn. Bảo Đại là Hoàng đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ (phong kiến) trong lịch sử Việt Nam để chuyển sang thời đại Hồ Chí Minh. Diễn tiến lịch sử đã minh chứng linh ứng tiên tri thiên tài nói trên của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Vũ Xuân Bân
Bạn đang đọc bài viết "Đầu Xuân khám phá kỳ bí “Sấm trạng Trình” Nguyễn Bỉnh Khiêm - Danh nhân văn hoá lỗi lạc" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.