Theo đánh giá của Ban tổ chức, các đơn vị xây dựng chương trình bám sát nội dung, chủ đề. Nhiều chương trình có cấu trúc bài bản khá chặt chẽ, hài hòa giữa các thể điệu trong 20 bài bản tổ, có sự đầu tư khá tốt về nội dung, ý đồ dàn dựng. Mỗi chương trình mang một màu sắc, hình thức thể hiện không gian ĐCTT riêng biệt đã làm cho người xem sống lại ký ức không gian ĐCTT mà các bậc tiền nhân đã dầy công gầy dựng, vun đắp. Chẳng hạn như Đội ĐCTT huyện Lai Vung II xây dựng kịch bản không gian ĐCTT lấy bối cảnh trong một buổi đám giỗ; Đội ĐCTT TP.Sa Đéc phản ánh sinh động buổi sinh hoạt ĐCTT tại làng hoa kiểng thơ mộng, hữu tình...
Ngoài các bài bản đã được phổ biến rộng rãi trong giới mộ điệu tài tử, Liên hoan lần này xuất hiện nhiều bài bản soạn lời mới có nội dung ngợi ca sự đổi mới của quê hương, công cuộc xây dựng nông thôn mới. Một số đơn vị trước kia chưa có sự nổi trội, qua Liên hoan đã có sự đầu tư chương trình hiệu quả, lực lượng tham gia đông, nghệ nhân đờn và ca vừa trẻ tuổi đời, vừa có khả năng chuyên môn khá tốt. Điển hình như Đội ĐCTT huyện Hồng Ngự sử dụng dàn nhạc với 5 nhạc cụ, nghệ nhân có tuổi đời trẻ nhưng sử dụng khá thành thạo các nhạc cụ, thể hiện tác phẩm đầy xúc cảm gây ấn tượng đối với Hội đồng giám khảo. Theo hội đồng giám khảo, tại Liên hoan xuất hiện nhiều thí sinh có làn hơi mạnh, với chất giọng trong sáng truyền cảm, ngọt ngào sâu lắng ru hồn người, biểu hiện khá thành công tính hỉ, nộ, ái, ố, tính nhặt khoan, trầm bổng của bài ca vọng cổ, những bài bản tài tử có tính nghệ thuật cao, trong đó có thí sinh Hữu Thiện (đội Lai Vung II), Mỹ Hằng, Kim Thoa (đội TP.Sa Đéc), Thanh Sang (đội Tân Hồng), Văn Châu, Lê Duy (đội Tam Nông), Văn Nhích, Kim Thoa, (đội huyện Hồng Ngự),... Tham dự liên hoan còn có thí sinh ở độ tuổi thiếu niên nhưng thể hiện nhạc cụ ghi - ta khá điêu luyện với những kỹ thuật ngón, nhấn, rung đặc sắc chinh phục người xem, như em Quốc Lợi đến từ đội thị xã Hồng Ngự.
Những kết quả đạt được tại Liên hoan cho thấy tiềm năng nghệ thuật ĐCTT của tỉnh nhà rất lớn, càng khẳng định hiệu quả của lớp tập huấn ĐCTT do tỉnh tổ chức vừa qua mang lại hiệu quả tốt, nhiều nghệ nhân có sự nâng cao về trình độ kỹ thuật đờn và ca, nắm chắc lòng bản cũng như các nguyên tắc ĐCTT. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Liên hoan lần này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. 11 Câu lạc bộ ĐCTT đại diện cho 10 huyện, thị, thành trong tỉnh, 2 đơn vị TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh không tham gia mặc dù có phong trào ĐCTT khá mạnh. Do là lần đầu tiên tổ chức Liên hoan không gian ĐCTT, một số đơn vị chưa có sự đầu tư tốt về dàn dựng chương trình theo một không gian cụ thể. Bên cạnh các thí sinh thể hiện tốt tác phẩm thì vẫn còn một số thí sinh chọn bài không phù hợp với chất giọng. Vẫn còn một số đội bị chi phối của điện tử hóa dàn nhạc, thể hiện với nhịp độ nhanh, sử dụng khuếch đại âm thanh ồn ào, mất tính chân thật của từng cung bậc ĐCTT...
Từ thành công của Liên hoan thời gian tới các địa phương cần có sự quan tâm, đầu tư, duy trì và nâng chất hoạt động các Câu lạc bộ ĐCTT, tạo điều kiện cho nghệ nhân sinh hoạt, giao lưu, biểu diễn nâng cao nghệ thuật đờn ca, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương và bảo tồn, phát huy loại hình ĐCTT - di sản văn hóa của nhân loại.