Dấu ấn ở đình Duệ Tú

22/12/2016 14:04

Theo dõi trên

Đình Duệ Tú thuộc phường Dịch Vọng, trước đây thuộc làng Dịch Vọng tiền xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.


Phường Dịch Vọng hiện là một đơn vị hành chính thuộc quận Cầu Giấy TP Hà Nội, xưa kia gồm ba thôn: Dịch Vọng tiền; Dịch Vọng trung; Dịch Vọng hậu; tên Nôm là làng Vòng, tên chữ là Dịch Vọng vì xưa ở đây có một trạm dịch (đổi ngựa) ở bên ngoài (Vọng) cửa Tây thành Thăng Long trên con đường thiên lý đến xứ Đoài.

Đình Duệ Tú thờ phụng hai vị Thượng đẳng phúc thần đại vương có nhiều công lao to lớn với nước với dân là: Đức Cao Sơn Đại Vương và Chu Lý đại vương.

Nay, đình ở ngõ chùa Duệ Tú, phố Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. cách Hồ Gươm chừng 7km về hướng Tây. Đình nằm giáp chùa Duệ Tú. Theo các vị cao niên ở đây thì đình Duệ Tú xây dựng vào  những năm 1740. Lúc mới xây đình quay hướng Đông – Nam, sau đó vì trong làng gặp nhiều bất trắc, các cụ bô lão trong làng xoay hướng đình theo hướng Tây Nam như hiện nay.

 Ngày 22/1/1947 quân Pháp chiếm thôn Dịch Vọng đốt đình Duệ Tú.

Trong kháng chiến chống Mỹ (1965-1975) Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (Nay là Đại học Thủ Đô) đã mượn HTX nông nghiệp xóm Duệ Tú 1200m2 đất đình: cổng, sân , giếng  và ao đình Duệ Tú.Đất còn lại một phần nhỏ nhập vào chùa Duệ, gạch tường và sân được cậy lên giúp HTX nông nghiệp xây dựng sân phơi và chuồng trại chăn nuôi!!!

Năm 2003, đình đã được Nhà nước quan tâm  với  Quyết định số 19/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội ghi rõ: Buộc khôi phục tình trạng ban đầu.

Đến tháng 12 năm 2015 Trung ương chấp thuận cho phép đầu tư tôn tạo, khôi phục lại đình Duệ Tú bằng vốn ngân sách Nhà nước là 4,5 tỷ đồng. Nhân dân địa phương  đóng góp và phục dựng các đồ tế thờ là 1,6 tỷ đồng.

Hiện, đình còn giữ được 4 đạo sắc phong, 2 cỗ kiệu bát cống cổ, 2 bộ ngai cổ,  ba bia đá cổ: Bia ghi về Linh Thần năm Thiệu trị thứ 6 (1846); Bia ghi về Linh Thần năm Bảo Đại 16 (1941); Bia Đình Ca hát Khánh Duệ, năm Tân Dậu (1941) ? Sau khi đình được phục dựng, hiện nay đình có diện tích nhỏ khoảng 200m2, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính,  tuy vậy khuôn viên lại bị méo, mỗi khi diễn ra lễ hội rất khó khăn.

Được biết, Trường Đại học Thủ Đô được di dời đến nơi khác, nguyện vọng của nhân dân xóm Duệ Tú mong được cấp trên và Trường Đại học Thủ Đô cấp lại diện tích đất trước cửa đình để phục vụ các hoạt động lễ hội tâm linh trang nghiêm và thêm phần thuận lợi.

Đình  Duệ Tú với bề dày lịch sử và độ tin ngưỡng tâm linh không kém lại là nơi ghi dấu ấn về lịch sử cách mạng: là “đất đứng chân” của Thành ủy Hà Nội từ cuối năm 1943. Các đồng chí Nguyễn Quyết, Nguyễn Khang từng hoạt động nhiều năm tại đây. Tiếc thay đến nay, đình Duệ Tú vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử.

Mong rằng các cơ quan hữu quan sớm giải quyết đất và công nhận di tích lịch sử đình Duệ Tú để người dân nơi đây thỏa mãn nhu cầu tâm linh, làm phong phú thêm cuộc sống  tinh thần của người dân  và khách thập phương.

(Theo du lịch)

Hồ Sĩ Tá
Bạn đang đọc bài viết "Dấu ấn ở đình Duệ Tú" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.