Tiếp nhận giang sơn từ tay vua Gia Long với một tình hình xã hội chưa hoàn toàn ổn định sau gần 300 năm ly tán loạn lạc, Minh Mạng dường như phải bắt đầu tất cả. Ông gần như là người đầu tiên phải giải quyết vấn đề dân cư, dân tộc trên một phạm vi lãnh thổ rộng lớn nhất, phức tạp nhất, nhiều thành phần dân tộc cư trú nhất trong lịch sử dân tộc. Để củng cố và xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh, vua Minh Mạng đã có sự quan tâm thích đáng, đặt ra nhiều biện pháp phù hợp để có chính sách cai trị lâu dài đối với đồng bào các dân tộc ít người trong cả nước. Việc triển khai một kế hoạch giáo dục, đào tạo viên chức cho con em người thiểu số tại các địa phương rất được nhà vua chú ý, xem trọng, coi đó như một trong những phương pháp chính để truyền bá văn hóa tới đồng bào các dân tộc ít người. Sau những năm đầu thực thi chính sách dân tộc một cách quy mô trên toàn quốc, vua Minh Mạng nhận thấy nhu cầu thông hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ giữa các dân tộc trong nước ngày càng trở nên bức thiết. Để giải quyết tình trạng bất đồng ngôn ngữ, tạo cơ sở cho sự hiểu biết, giao lưu văn hóa, đồng thời gây dựng nền tảng cho một nền văn hóa thống nhất, vua Minh Mạng đã cho tiến hành kế hoạch đào tạo, giáo dục con em người Kinh học ngôn ngữ, phong tục của các dân tộc thiểu số, dạy con em các dân tộc ít người học tiếng nói, chữ viết của người Kinh. Kế hoạch này được thực hiện liên tục, rộng khắp vào những năm cuối đời Minh Mạng, sau đó trở thành định lệ cho các đời vua kế tiếp thi hành cho đến khi triều Nguyễn mất quyền cai trị đất nước vào tay thực dân Pháp cuối TK XIX. Đây cũng chính là biện pháp cơ bản nhằm giáo hóa đồng bào dân tộc theo sự thống nhất trong văn hóa và giáo dục của người Kinh để nhà nước phong kiến trung ương thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành.
Bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 15 (1834), vua hạ lệnh cho các cơ quan nha bộ, viện tại kinh thành Phú Xuân phải có trách nhiệm lựa chọn con em dưới 16 tuổi, có tư chất thông minh lanh lợi, cho học tập ngôn ngữ phong tục tập quán của người dân tộc ít người ở Tây Nguyên (lúc đó đang là những nước Phiên thuộc Hỏa Xá, Thủy Xá). Sau khi học tập xong thì chọn lại những người thực sự có kiến thức và hiểu biết về lĩnh vực này, thâu dụng để làm việc lâu dài. Các thông dịch viên này được giao nhiệm vụ thông sự, hướng dẫn sứ bộ và phiên dịch các bản văn tiếng dân tộc ít người. Họ được triều đình nhà Nguyễn đặc biệt coi trọng và được xếp vào hàng ngũ quan lại hàm bát phẩm, cửu phẩm. Từ năm 1835 trở về sau, chương trình giáo dục, đào tạo viên chức cho các dân tộc ít người được triều Nguyễn chính thức thống nhất thành một kế hoạch của quốc gia. Vua Minh Mạng quy định từ đây trở đi những ai tham gia học tập Thượng ngữ đều được nhà nước đài thọ nơi ăn ở, được hưởng chế độ trợ cấp đặc biệt để ăn học theo tiêu chuẩn mỗi người một tháng được cấp 1 quan 5 tiền và 1 phương gạo (1). Cũng trong năm 1835, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ lệnh cho tỉnh Nghệ An kén chọn lấy người thông hiểu chữ Man ở trong hạt, cần được nhiều người, rồi sức cho đội trưởng Lê Thái Thực, thông ngôn Lê Thái Vĩ chỉ bảo rõ ràng, cần được thông thạo sớm, sau vài tháng về Kinh để đợi làm việc công (2). Sang năm 1836, chương trình giáo dục, đào tạo viên chức cho các dân tộc ít người được triều đình tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng tới khắp các địa phương.
Vua Minh Mạng truyền lệnh cho hàng loạt tỉnh thành trong nước, mỗi tỉnh lựa chọn ra một vài người, tiền lương phụ cấp được hưởng theo tiêu chuẩn đã quy định, được ăn ở luôn trong nha môn hoặc tại các địa điểm do quan tỉnh lựa chọn để học tập ngôn ngữ, văn tự của người dân tộc, nhanh chóng đào tạo thành viên chức phục vụ lâu dài cho các dân tộc ít người. Tùy theo sự phân bố dân tộc tại các địa phương mà các tỉnh thành tự lựa chọn cho con em trong tỉnh học tập các Thượng ngữ khác nhau sao cho phù hợp với công việc phục vụ các dân tộc ít người đang cư trú tại chính tỉnh mình. Cụ thể như Đặng Văn Hòa ở Hà Nội được nhà vua chỉ thị chọn lấy 2, 3 người Hoa có tài cán đang ở tỉnh này làm thầy, chọn con em sĩ dân ở trong hạt lấy 10 người đã từng theo nghiệp học, có tư chất thông minh, nhanh nhẹn rồi chọn chỗ ăn ở thuận tiện ngay tại tỉnh thành để học tiếng nói, chữ viết của người Hoa. Hàng tháng cả thầy lẫn trò đều được nhà nước phụ cấp cho 1 quan 5 tiền, 1 phương gạo để chi dùng. Trần Ngọc Lâm ở Tuyên Quang cũng được lệnh phải chọn lấy 1, 2 người Thổ thông thạo, có tài tại địa phương để họ trông coi dạy bảo cho 5, 6 con em sĩ tử có tư chất trong huyện học tập các ngôn ngữ, chữ viết của người Thổ tại địa bàn huyện Để Định, Vĩnh Điện ngay cạnh vùng ven biên giới Việt Trung. Chỗ ở và lương ăn hàng tháng của thầy trò đều chuẩn cho nha môn tỉnh Tuyên Quang lựa chọn và cấp phát theo quy định chung của nhà nước.
Tại tỉnh Bình Thuận, nhà vua ra lệnh cho quan lại tại địa phương lựa chọn ở thuộc hạt lấy 1, 2 người vừa am tường chữ Chiêm Thành lại vừa thông hiểu chữ Trung Hoa để làm thầy dạy học. Nha môn tỉnh này có nhiệm vụ chọn chỗ thuận tiện tại tỉnh thành làm trường học, chọn con em sĩ dân lấy 5, 6 người có tư chất nhanh nhẹn cho các thầy trông coi học tập tiếng nói và chữ viết của người Champa để phục vụ việc phiên dịch cho nhà nước. Chế độ phụ cấp cho thầy trò tỉnh này cũng được áp dụng theo quy định chung của nhà nước như tại các địa phương khác, mỗi người một tháng được nhận 1 quan 5 tiền và 1 phương gạo để chi dùng. Toàn bộ số học trò đã được lựa chọn để đào tạo tại các địa phương trong nước sau vài năm học tập đã được thành tài thì nha môn các tỉnh thành ấy có trách nhiệm dẫn những người này về Kinh để triều đình phân bổ công việc như làm phiên dịch, quan lại hoặc cử đi công tác ở miền núi.
Tạp chí VHNT số 306