Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết (kỳ 2)

21/10/2017 00:15

Theo dõi trên

Vua Hàm Nghi lên ngôi, Pháp chuyển tâm điểm chú ý sang Tôn Thất Thuyết và xem ông như là cái gai quyết loại trừ bằng được. Qua đó, thực hiện âm mưu khống chế, cô lập triều đình nhà Nguyễn theo ý muốn. Trước tình hình đó, Tôn Thất Thuyết quyết định thực hiện cuộc binh biến, đánh phủ đầu người Pháp...



Bài vị Tôn Thất Thuyết tại Phủ Thờ Uy Quốc Công - Nguyễn Phúc Thuần

>> Thân thế, sự nghiệp và cuộc đời danh tướng Tôn Thất Thuyết


Kinh thành Huế thất thủ

Sau nhiều lần du dỗ, mua chuộc Tôn Thất Thuyết bất thành, người Pháp hạ quyết tâm loại trừ ông khỏi vũ đài chính trị triều đình. Ngày 4/7/1885, người Pháp mời Tôn Thất Thuyết qua tòa khâm sứ dự tiệc, với ý đồ hạ độc duyệt trừ ông. Biết được ý đồ đó, Tôn Thất Thuyết họp bàn với các tướng lãnh thân tín mưu sự khởi binh. Ngay trong đêm đó, Tôn Thất Thuyết bí mật chia quân ở các dinh vệ làm hai đạo; một đạo giao cho em là Tôn Thất Lệ chỉ huy, nửa đêm dùng đò vượt sông Hương, sang hợp cùng với quân của Đề đốc thủy sư và Hiệp Lý đánh úp Tòa Khâm Sứ. Mặt khác ông cho hơn 5000 thủy quân đóng dọc bên bờ sông Hương kết hợp với đại pháo bắn chi viện. Mục tiêu là Tòa Khâm Sứ và đại đồn Mang Cá trong kinh thành Huế. Sắp đặt xong xuôi, ông vào Đại Nội trù bị các vấn đề phòng khi cuộc khởi binh bất thành.

Sáng 5/7/1885, ông nhất loạt cho các tướng tấn công các vị trí trọng yếu đã được hoạch định trước đó. Tôn Thất Lệ ngay lập tức tiến đánh Tòa Khâm Sứ và Sứ Quán Pháp. Cùng lúc đó, một nhánh quân được bố trí đánh vào đồn Mang Cá. Bị tấn công bất ngờ, quân Pháp hoang mang, dao động, thiệt hại nhiều về nhân lực.

Việc chia cắt được 2 địa điểm then chốt trên tạo cho quân Nam lợi thế đánh phủ đầu địch trong khoảng 2 tiếng đầu. Tuy nhiên, lợi thế đó không duy trì được lâu. Quân Pháp sốc lại tinh thần, quân đóng ở cảng biển Thuận An được điều đến kết hợp với quân lính trong Tòa Khâm Sứ đánh quật lại quân Nam. Dưới lợi thế của pháo binh, quân Pháp nã pháo dữ dội vào các địa điểm phòng thủ của quân Nam. Tôn Thất Thuyết điều thêm quân đến chống cực tuy nhiên lúc này đại thế đã mất. Lần lượt các cửa trọng điểm kinh thành như Hiển Nhơn, Chánh Tây và Thượng Tứ thất thủ. Quân Nam không thế đánh giáp lá cà với quân Pháp nên đành rút quân. Kinh thành Huế thất thủ ngay sáng 5/7/1885 (tức 23/5 âm lịch), hàng nghìn tướng sĩ cùng người dân bị quân Pháp tàn sát, cả kinh thành lửa cháy rực trời, tiếng kêu khóc ai oán khắp nơi. Từ đó, người dân Huế vẫn duy trì tục lệ cúng vong hồn tướng sĩ bại vong trong ngày thất thủ kinh đô ngày 23/5 âm lịch.

Trong diễn biến khác, quân Pháp sau khi vào thành thì ngay lập tức chiếm giữ kho tàng, đều động binh lính bao vây đại nội quyết bắt cho được vua Hàm Nghi cùng Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết thấy cục diện chuyển biến quá nhanh liền vào hoàng cung đón vua Hàm Nghi cùng hoàng tộc đi lánh nạn. Trong cuộc lánh nạn này, ngoài vua Hàm Nghi còn có nhiều hoàng thân quốc thích khác khoảng hơn 100 người chạy ra Tân Sở Quảng Trị. Cũng trong đợt thất thủ kinh đô này, tài lực cũng như di sản văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc được cất trong Tử Cấm Thành đều bị quân Pháp lấy đi. Đây là mất mát rất lớn của triều đình nhà Nguyễn cũng như nước Đại Nam thời bấy giờ.
 


Bia ghi nhận công lao Tôn Thất Thuyết

Ra chiếu Cần Vương, phò vua giúp nước

Sau hơn một ngày ròng ra chạy trốn, triều đình vua Hàm Nghi do Tôn Thất Thuyết chủ trì đại cục ra đến Tân Sở. Cũng trong ngày 13/7, vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu 3 miền nhất loạt khởi nghĩa chống Pháp, phò vua giúp nước. Từ đó mở ra một giai đoạn khởi nghĩa sôi nổi bùng lên từ khắp các tỉnh thành cả nước khoảng khoảng hơn 20 năm cuối thế kỷ XIX.

Quân Pháp sau khi biết được vua Hàm Nghi trốn tại Tân Sở lên cho quân đánh úp cửa Nhật Lệ, sau đó đánh hạ thành Tân Sở. Tôn Thất Thuyết tiêp tục đưa vua Hàm Nghi vượt hàng trăm dặm đường ra Hà Tĩnh, tại đây chiếu Cần Vương tiếp tục được phát đi lần thứ 2. Căn cứ quân sự được Tôn Thất Thuyết bố phòng từ đẩy trải dài từ Quảng Trị ra đến Hà Tĩnh. Quân Pháp đã mở 3 cuộc tấn công lên đây, tuy nhiên đều không thành công. Sở dĩ việc quân Pháp tiến đánh thất bại là do hệ thống bố phòng chặt chẽ kết núi rừng miền trung với khí hậu khắc nghiệt làm cho quân Pháp sớm nản chí. Nhưng sau này khi quân Pháp thực hiện chiến lược mua chuộc, dụ dỗ, từng bẻ gãy từng vị trí phòng thủ của quân kháng chiến. Hàng loạt trận đánh lớn nổ ra trong giai đoạn 1885 - 1888.

Tuy nhiên điều đáng tiếc cuối cùng cũng đã xảy ra, dưới sự phản bội của Trương Quang Ngọc (một trong những vệ sĩ của vua), quân Pháp tìm ra được vị trí vua Hàm Nghi đang ẩn nấp. Quân Pháp ấp vào quá bất ngờ, các vệ sĩ bảo vệ nhà vua liều chết hộ gia. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ vua Hàm Nghi, hai người con trai của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đàm cũng đã hy sinh. Vua Hàm Nghi bị bắt đó là ngày 1/11/1888, triều đình nhà Nguyễn do vua Đồng Khánh đứng đầu đồng ý cách xử lý của người Pháp đối với vua Hàm Nghi đó là đưa vua đi đày ở Algérie. 

Từ đây, khởi nghĩa Cần Vương nói riêng chuyển sang một giai đoạn sôi nổi diễn ra khắp các vùng miền trên cả nước, khiến người Pháp tốn không ít công sức đánh dẹp. Bên cạnh đó, người lãnh tụ, ngọn cờ đầu khởi xướng phong trào Cần Vương là Tôn Thất Thuyết từ đây cũng chọn cho mình một con đường mới, hướng đi mới bên cạnh việc dùng tất cả trí và lực cho sự nghiệp đánh đuổi người Pháp, phục hưng triều Nguyễn…

Theo ông Tôn Thất Cừ, người trong dòng tộc, cũng là người trông coi phủ thờ Tôn Thất Thuyết cho biết: "Cũng trên đường chạy đi lánh nạn. Nhiều quan lại cũng như hoàng thất trong triều đều khuyên ông nên hòa hoãn với người Pháp. Đưa triều đình vua Hàm Nghi trở về. Tuy nhiên ông không chấp nhận và quyết chiến đến cùng, tuyệt đối không đầu hàng trước người Pháp".

Còn tiếp...

 
Bảo Trung - Xuân Trường

Bạn đang đọc bài viết "Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết (kỳ 2)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.