Danh tướng chống ngoại xâm nổi tiếng thời nhà Trần

26/07/2018 14:12

Theo dõi trên

Chính thắng lợi to lớn ở trận Vân Đồn của Trần Khánh Dư, đã để lại cho lịch sử chống xâm lăng bài học lớn, đó là bài học về tấn công vào hậu cần của địch, một khi đã tiêu diệt được nguồn hậu cần của giặc thì coi như giành thắng lợi đã nắm chắc trong tầm tay, và với chiến công vang dội này, Trần Khánh Dư nghiễm nhiên đứng vào hàng thân vương lỗi lạc và là một danh tướng chống ngoại xâm nổi tiếng thời nhà Trần.

Trần Khánh Dư chưa rõ năm sinh, sử cũ chỉ cho biết một cách vắn tắt rằng, Trần Khánh Dư là con của Thượng tướng Trần Phó Duyệt. Trần Phó Duyệt có thái ấp ở huyện Chí Linh (ngày nay thuộc tỉnh Hải Dương). Ngay từ thuở nhỏ Trần Khánh dư đã say mê sách vở, giỏi binh thư, được vua Trần Thánh Tông (1240 – 1290) nhận làm con nuôi.
 

Trần Khánh Dư lớn lên thật sự là bậc đa tài, nhưng đồng thời cũng là người lắm tật, ông đã từng thông dâm với công chúa Thiên Thụy là con dâu của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Vua Trần Thánh Tông vì sợ mất lòng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nên đã hạ lệnh cho quân sỹ đem  Trần Khánh Dư ra đánh đến chết mới thôi, nhưng lại chính vua Trần Thánh Tông ngầm nói với quân sỹ rằng chỉ đánh mấy roi rồi thả cho Trần Khánh Dư đi.
 
Chính vì vậy mà Trần Khánh Dư mới thoát chết, chạy về quê ở Chí Linh, và sau đó thì kiếm sống bằng nghề buôn bán than củi. Còn gia sản của ông ở kinh thành thì bị triều đình tịch thu hết. Vì ông làm nghề buôn bán than củi, do đó có thuyết gán cho ông là tác giả bài thơ Người bán than, thật ra chưa hẳn ông là tác giả của bài thơ này: “Một gánh càn khôn quẳng xuống ngàn/Hỏi chi bán đó gửi rằng than/Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt/Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn”.
 
Tháng 10 năm Nhâm Ngọ 1282, trong một lần Trần Khánh Dư chở thuyền than qua bến Bình Than, có người thông báo với vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308), ông được vua Trần triệu về họp ở Bình Than (Nam Sách, Hải Dương), thấy ông cực khổ, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu tha tội cho ông, ban cho áo ngự và phong làm Phó đô tướng quân.
 
Trong cuộc họp các bô lão ở bến Bình Than, Trần Khánh Dư được xếp ngồi sau các vương hầu, trên các công hầu tướng lĩnh. Trong hội nghị ông trình bày nhiều ý kiến hợp vói ý của vua Trần Nhân Tông, nên được phong làm Phó tướng phụ trách thủy quân.
 
Từ ngày được triều đình phục chức, Trần Khánh Dư đã tỏ rõ là một vị tướng có tài thao lược, ông luôn biết phát hiện chỗ sơ hở của kẻ thù để tấn công. Lúc thì dùng thuyền nhẹ để tập kích, lúc thì phục binh đánh bất ngờ, khiến cho kẻ địch không biết dường nào mà tránh. Chính cách đánh linh hoạt ấy đã góp phần phá tan được âm mưu thâm hiểm của địch định “cất vó” quân chủ lực của ta, và trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai năm Ất Dậu 1285, Trần Khánh Dư đã lập được nhiều công lớn, và ông đã được phong tước vương là Nhân Huệ Vương.
 
Năm Mậu Tý 1288, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ ba, Trần Khánh Dư được giao trọng trách phòng thủ mặt biển và lộ Hải Đông (vùng Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Khi cánh quân thủy của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp kéo qua Vân Đồn, Trần Khánh Dư chặn đánh nhưng không cản được thế giặc quá mạnh. Thái thượng hoàng Trần Thái Tông nghe tin, liền sai sứ giả đến bắt Trần Khánh Dư về chịu tội. Ông liền bảo với sứ giả: “Lấy quân luật mà xử, đành là tôi có tội, nhưng xin hoãn cho vài ngày để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu phê phán cũng chưa muộn”.
 
Rồi sau đó ông bố trí quân chặn đường chở lương thực của giặc để triệt hạ. Đúng như Trần Khánh Dư đã dự đoán, mấy ngày sau đoàn thuyền chở lương thực của giặc do Trương Văn Hổ điều động qua bến Vân Đồn, ông liền cho quân ra đánh, bắt được các tướng giặc và tù binh, thu nhiều chiến lợi phẩm, đốt sạch lương thảo của địch. Quân Nguyên – Mông không có lương thực, chết đói hoang mang. Chiến công của Trần Khánh Dư đã góp phần trực tiếp làm cho quân giặc suy yếu và mở đường cho đạo thủy quân của ta tạo nên chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại năm 1288.
 
Thắng lợi của Trần Khánh Dư ở trận chiến Vân Đồn có ý nghĩa hết sức to lớn đối với thắng lợi chung của cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước lúc bấy giờ, thắng lợi đó đã đẩy quân xâm lược vào chỗ yếu không có cách gì để khắc phục được, đó là thiếu lương thực, thiếu vũ khí. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông đã tỏ ra hết sức nhạy bén trước thắng lợi đặc biệt này của Trần khánh Dư, và hết lời khen ngợi ông.
 
Chính thắng lợi to lớn ở trận Vân Đồn của Trần Khánh Dư, đã để lại cho lịch sử  chống xâm lăng bài học lớn, đó là bài học về tấn công vào hậu cần của địch, một khi đã tiêu diệt được nguồn hậu cần của giặc thì coi như giành thắng lợi đã nắm chắc trong tầm tay, và với chiến công vang dội này, Trần Khánh Dư nghiễm nhiên đứng vào hàng thân vương lỗi lạc và là một danh tướng chống ngoại xâm nổi tiếng thời nhà Trần.
 
Sau chiến thắng chống quân Nguyên – Mông xâm lược, đất nước thanh bình, Trần Khánh Dư được triều đình giao nhiều trọng trách quan trọng như đánh giặc Chiêm Thành quấy phá biên giới phía Nam, tiếp sứ giả nhà Nguyên .v.v…
 
Khi đã ngoài 70 tuổi, Trần Khánh Dư xin về trí sỹ tại vùng ấp ông được phong vương thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân, trấn Sơn Nam (Hà Nam ngày nay). Có lần Trần Khánh Dư đi chơi đến Tam Điệp, Trường Yên (Ninh Bình), đi qua vùng đất này, thấy cảnh sông nước hữu tình, ông liền cho gia nô đến khai khẩn, lập thành làng mới. Sau đó người dân kéo đến  làm ăn ngày càng đông, ông liền cho đặt tên là trại An Trung.
 
Về sau nhân dân các vùng kéo đến lập thêm trại Đông Khê và trại Tịnh Nhi (ngày nay thuộc hai xã Yến Nhân và Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Trần Khánh Dư liền ở lại những nơi mới khai phá này hơn 10 năm, khi tuổi đã cao, ông liền trở về ấp Dương Hòa cũ, và giao lại các trại mới lập cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn trông coi.
 
Vào năm Kỹ Mão 1339, Trần Khánh dư mất vì tuổi già, hưởng thọ trên 80 tuổi, nhân dân vô cùng thương tiếc đã lập đền thờ ông ở trại An Trung, trên nền nhà xưa ông đã ở để ghi tạc công đức của ông, và nhân dân đời đời khói hương cho ông.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Danh tướng chống ngoại xâm nổi tiếng thời nhà Trần" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.