Khoảng 20 năm về trước, có lẽ chẳng ai biết ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là ai vì nam ca sĩ khi ấy còn mang cái tên Huỳnh Minh Hưng, bắt đầu "vào đời" bằng nghề cắt tóc. Tới năm 1992, khi dấn thân vào con đường ca hát, Đàm Vĩnh Hưng đã tự mày mò về nhạc cụ cũng như làm quen với ký xướng âm và phong cách biểu diễn.
Có thể, với tiếng tăm của Đàm Vĩnh Hưng hiện tại thì cái Giải Tư cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 1998 chẳng thấm tháp vào đâu. Nhưng đối với Đàm Vĩnh Hưng ngày mới vào nghề hát, vẫn thường đi hát lót cho các ca sĩ lớn, hát đám cưới với mức cát-xê chỉ 50.000 đồng và lại sau... 8 lần đi thi, thành tích nêu trên bỗng trở nên đáng kể!
Phải thừa nhận, Đàm Vĩnh Hưng ở thì hiện tại có lượng fan đông đảo, nhiều thành tích đã được ghi nhận hẳn hoi với bằng với cúp... đó là dấu ấn của mồ hôi, công sức, của niềm đam mê mà xét ở khía cạnh nào đó rất đáng ghi nhận.
Nhưng nếu chỉ có vậy để khẳng định tài năng, vị trí "cao ngất" là "ông hoàng nhạc Việt" thì có thái quá không?
Thế giới từng tôn vinh những "ông hoàng bà chúa" trong lĩnh vực âm nhạc như: Michael Jackson, Madonna... không chỉ bởi giọng ca huyền thoại mà còn vì biểu tượng văn hóa có sức ảnh hưởng, cống hiến, định hướng vĩ đại về nghệ thuật.
Chẳng hạn, sản phẩm "Thriller" của Michael Jackson đã trở thành băng video ca nhạc đầu tiên được đưa vào Trung tâm tư liệu Điện ảnh Quốc hội Mỹ để bảo tồn vì tầm vóc văn hóa. Ngoài phổ biến nhiều màn vũ đạo phức tạp như robot, moonwalk, giọng ca đặc biệt này còn ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ nghệ sĩ nhạc hip-hop, pot, R&B đương đại.
Tương tự, "Nữ hoàng nhạc pop" Madonna bên cạnh lĩnh vực thành công là ca hát, cô còn hoạt động trong ngành công nghiệp giải trí-nghệ thuật với vai trò: diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ, nhạc công, nhà thiết kế thời trang... đã được công chúng ghi nhận là "một trong những ngôi sao nhạc pop vĩ đại nhất mọi thời đại.
Còn Đàm Vĩnh Hưng? Vì sao ở Việt Nam Đàm Vĩnh Hưng lại trở nên "hot" đến vậy? Cống hiến nghệ thuật, sức lan tỏa, định hướng của tên tuổi này cho nghệ thuật đã xứng danh "ông hoàng" hay chưa?
Những năm 2000, sau giai đoạn "vàng son" của nhạc trẻ với sức ảnh hưởng từ "Làn sóng xanh", khi khán thính giả bắt đầu "no xôi chán chè" những gương mặt cũ thì Đàm Vĩnh Hưng như một "món ăn lạ". Lạ từ xuất thân, cách dấn thân vào con đường ca hát, lạ đến cả những "chiêu trò" chẳng giống ai.
Đằng sau sự đình đám của "Mr Đàm" phải chăng là "bàn tay thần kì" của một ê kíp truyền thông luôn biết "đón đầu xu hướng", hiểu tâm lý đám đông để giải quyết chặng rút ngắn ước mơ vươn tới một "ngôi sao"? Hay sự ủng hộ hồn nhiên từ khán giả?
Hãy cứ để Đàm Vĩnh Hưng thể hiện...
Những năm 2011 - 2013, hàng loạt đánh giá, chê trách nhằm thẳng Đàm Vĩnh Hưng ngay lập tức đã "gây bão" dư luận từ: nhạc sĩ Quốc Trung, đạo diễn Quang Dũng, ca sĩ Thanh Lam, Nguyễn Ánh 9, danh ca Bảo Yến. Và tất nhiên,"Mr Đàm" đã trả đũa lại "không kém phần long trọng".
Thử hỏi, có hay không một cuộc "bày binh bố trận", "công kích tập thể", ghen ăn tức ở" như lời đồn đại từ fan của Đàm Vĩnh Hưng nhằm hạ bệ một ngôi sao "đẳng cấp"? Nếu bình tĩnh mà suy xét lại, những phản ứng trên đã bung ra như một điều tất yếu vì bị kìm nén khá lâu, cho đến khi nam ca sĩ này làm rùm beng showbiz bằng những liveshow, chiêu trò thì nhiều người trong số họ không còn im lặng nổi.
Bây giờ, chẳng hiểu vì lý do gì mà những lời chê như vậy đang dần thưa vắng. Vì Đàm Vĩnh Hưng đã cống hiến một giá trị khác biệt so với trước hay vì người ngay thẳng, sòng phẳng trong nghệ thuật đang ngày một "ẩn danh"?
Dẫu sao cũng mừng cho Đàm Vĩnh Hưng vì tên tuổi anh đã nổi đến độ ngoài ca hát thì chỉ cần hô: Tôi mất nhẫn bạc tỷ, mấy giày, mất khăn... thì biết bao khán giả lại quan tâm.
Ở Việt Nam, chưa có hệ quy chiếu nào để đo lường hát thế nào là hay, là dở, là chuyên nghiệp...Và biết đâu trường hợp này thêm lần nữa còn chứng minh một điều rằng "chân lý không thuộc về số đông"?
Đàm Vĩnh Hưng có khán giả của anh ta. Họ là ai? Là người đạp xích lô, là công nhân trong xưởng, là thanh niên mới lớn thậm chí là những người có địa vị, kinh tế nhưng hợp với kiểu hát đó… mà không quan tâm học thuật, nhạc lý vì cảm nhận âm nhạc của người Việt hiện tại vẫn chủ yếu đến từ cảm xúc, không phải đến từ trình độ thẩm âm!
Dù cho chúng ta đang từng ngày từng giờ "bị ăn" những món ăn tinh thần méo mó theo trào lưu, tâm lý đám đông; Dù cho đối tượng mà chúng ta quen gọi là "giới trẻ" với nền tảng tri thức đôi khi còn hạn hẹp, với sự mộng mơ, nông nổi nhiều khi còn bị lôi kéo bởi những giá trị sai lệch... thì chúng tôi cũng không muốn đưa ra chỉ trích, bài trừ nào cho những danh xưng "ông hoàng, bà chúa" hay những chiêu trò bị coi là lố bịch.
Nhưng thiết nghĩ, dù sao và trong bối cảnh nào thì những giá trị đích thực vẫn có cơ hội được lan tỏa, vượt qua mọi biên giới, rào cản còn những trò xảo thuật có thể mang đến tiền bạc, danh tiếng nhưng không thể chiếm lĩnh được niềm tin, ảnh hưởng tích cực đến tương lai, số phận con người.
Đàm Vĩnh Hưng hay những người tương tự, hãy cứ để họ thể hiện đúng năng lực, văn hóa và tầm hiểu biết của mình còn hơn là bắt họ che đậy, bưng bít vì có thể chính nhờ sự thể hiện ấy mà một ngày nào đó sẽ giúp cho ai đó nhận ra...
(Còn nữa..)
Theo Thùy Phương/Báo Gia đình & Xã hội