Dài thêm bài học phim đặt hàng

23/11/2015 08:38

Theo dõi trên

Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên xem lại chính sách tài trợ, đặt hàng sản xuất phim bằng nguồn vốn ngân sách cho các hãng phim nhà nước

Cũng đã lâu mới có một phim đề tài cổ trang ra rạp nhưng chỉ sau 1 tuần công chiếu, “Mỹ nhân” (đạo diễn: Đinh Thái Thụy, kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết lịch sử cùng tên của nhà văn Văn Lê được nhà nước đặt hàng cho Hãng phim Giải Phóng sản xuất) “chết yểu” vì sự hững hờ của khán giả.

Thảm họa trang phục, tạo hình

Thông tin phê phán về lỗi trang phục là lý do đầu tiên khiến phim “mất điểm” trong mắt công chúng ngay từ khi chưa lên lịch chiếu. Khi “Mỹ nhân” tung trailer, nhiều nhà chuyên môn về trang phục lịch sử đã hốt hoảng bởi hình ảnh sư tử trong phim hoạt hình “The Lion King” của Walt Disney được thêu trên áo một vị quan thời Trịnh - Nguyễn. Nhà thiết kế Thái Bá Dũng gọi đây là một sự sỉ nhục cho phim đề tài lịch sử, cổ trang của điện ảnh Việt Nam”.




Cảnh trong phim “Mỹ nhân”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Tuy nhiên, ngoài việc “in nhầm” hình sư tử lên áo quan đã được khắc phục, phục trang của phim “Mỹ nhân” còn mắc nhiều lỗi khác mà các chuyên gia trang phục đã chỉ ra, như: Trang phục của Thế tử Nguyễn Phúc Tần có phần “lai căng” với kiểu khăn quấn đầu mang nét phim cổ trang Hàn Quốc, chiếc mũ gắn ngọc của Châu Thế Tâm lấy ý tưởng từ phim “Bao Công”, người đàn ông Tây đội mũ cao bồi, complê và nơ bướm của thế kỷ XX... Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng phục trang phim cổ trang lịch sử, nhất là phim làm trên câu chuyện có thật như “Mỹ nhân”, trước hết phải đúng chứ chưa nói đến yếu tố đẹp. “Đây là phim cổ trang lịch sử cận đại thể hiện sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp về khâu phục trang nhất từ trước đến nay. Việc in một tạo hình phương Tây xa lạ, thô ráp, không phải mỹ thuật cổ phương Đông lên áo của nhân vật là điều chưa từng xảy ra trong các phim cổ trang lịch sử Việt Nam. Sự cố này là một “vết nhơ”, sẽ bị khán giả nhắc nhớ, chỉ trích mãi về sau” - một đạo diễn nói. Tạo hình của các nhân vật trong phim cũng bị chê xấu, nhất là 2 “mỹ nhân” Kim Hiền và Triệu Thị Hà có thân hình đẹp nhưng mắt bị sưng húp.

Trả lời cho nguyên nhân vì sao phim cổ trang lịch sử Việt “kém chất lượng”, các vị lãnh đạo ngành, hãng phim và đạo diễn thường nói rằng do kinh phí thấp. Họ giải thích rằng với kinh phí đặt hàng hơn 16 tỉ̉ đồng, đoàn phim “Mỹ nhân” phải làm trong tình trạng “liệu cơm gắp mắm”, lực lượng làm dòng phim này còn quá nghiệp dư, nhất là bộ phận phục trang nên yếu kém và sai sót là khó tránh khỏi song việc đổ lỗi trình độ người làm trang phục nghiệp dư cũng không thỏa đáng. Nói như đạo diễn Hải Anh: “Đã có khá đầy đủ tư liệu về trang phục Việt cổ và cả bộ sách “Ngàn năm áo mũ” cũng rất công phu của tác giả Trần Quang Đức xuất bản vài năm trước đây. Tại sao các nhà làm phim này không tham khảo nguồn tư liệu có sẵn này. Phải chăng họ đã quá quen với việc làm nhanh làm ẩu?”.

Khác nào đốt tiền của dân

Theo lời đạo diễn Đinh Thái Thụy, thời điểm anh nhận được kịch bản chỉ có khoảng 2 tháng để chuẩn bị mọi thứ. Khâu phục trang không được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng vì lý do thời gian gấp rút. Tại sao phải thực hiện cập rập như vậy? Đây cũng không phải phim nhà nước đặt hàng để trình chiếu vào dịp đặc biệt nào cần phải tiến hành quay gấp cho kịp tiến độ? Trong khi làm phim cổ trang, lịch sử, việc chuẩn bị về bối cảnh, phục trang là khâu quan trọng và cần nhiều thời gian nhất.




Cảnh trong phim “Mỹ nhân”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Là đạo diễn, Đinh Thái Thụy phải đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm về phim song đây cũng không hoàn toàn là lỗi ở anh và đoàn phim mà có cả lỗi của hãng phim. Một nhà chuyên môn giải thích đó là cách làm phim lâu nay của các hãng phim nhà nước. Đề án phim đặt hàng, tài trợ được duyệt là lập tức bắt tay làm ngay để kịp giải ngân, không quan tâm đến chất lượng tác phẩm làm ra như thế nào. “Cách làm phim như vậy chẳng khác nào đốt tiền của dân” - đạo diễn này nói thêm.

Không đáng đặt hàng

Lâu nay, hễ cứ phim do các hãng nhà nước sản xuất bằng vốn ngân sách đều không bán được vé vì không hấp dẫn người xem. Nhưng tại sao các hãng nhà nước vẫn cứ được Cục Điện ảnh đặt hàng. Lý giải cho việc này, người trong giới cho biết nếu không được giao phim đặt hàng, các hãng phim nhà nước không có tiền để trả lương nuôi đội ngũ lên đến hàng trăm người. Dù thấy không hiệu quả nhưng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành vẫn phải làm trong nhiều năm qua là vì vậy.

Người trong giới vẫn thắc mắc tại sao nhà nước bỏ ra số tiền lớn để đặt hàng sản xuất phim cổ trang như “Mỹ nhân”. Loại này đáng ra chỉ có thể tài trợ một phần. Ngay phim đề tài thiếu nhi như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng chỉ được tài trợ 8 tỉ đồng trong tổng vốn sản xuất gần 20 tỉ đồng. Đã có nhiều hãng phim tư nhân làm rất tốt phim lịch sử, cổ trang như “Dòng máu anh hùng” (Hãng phim Chánh Phương), “Thiên mệnh anh hùng” (Hãng phim Thiên Ngân, Hãng phim Phương Nam) bằng chính vốn họ bỏ ra. Nếu muốn phát triển dòng phim này, nhà nước chỉ cần tài trợ một phần chắc chắn có nhiều hãng phim tư nhân trình dự án.

“Hằng năm, nhà nước chi ra hàng chục tỉ̉ đồng để làm phim nhưng phim nào ra rạp cũng chết yểu. Đó là một sự lãng phí tiền bạc của nhân dân nhưng hình như không ai thấy xót” - một nhà sản xuất phim tư nhân nói.

Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên xem lại chính sách tài trợ, đặt hàng sản xuất phim bằng nguồn vốn ngân sách. Từ doanh thu phòng vé của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” lên đến gần 90 tỉ đồng, các hãng phim nhà nước không còn lý do gì để biện hộ cho việc làm phim yếu kém và thiếu trách nhiệm  của mình. Cơ quan quản lý vốn tài trợ, đặt hàng của nhà nước cũng nên thay đổi quan điểm, hãy vì hiệu quả của tác phẩm nghệ thuật chứ không nên vì lợi ích cục bộ.


Cảnh nóng câu khách gây phản cảm

Ở phim “Mỹ nhân”, ngoài chuyện phục trang, tạo hình có vấn đề, nội dung rời rạc, nhiều tình tiết chắp vá không liền mạch, kém thuyết phục, diễn xuất của Quách Ngọc Ngoan, Kim Hiền, Triệu Thị Hà chỉ ở mức “tạm ổn” chứ chưa xuất sắc.

“Mỹ nhân” là phim cổ trang lịch sử đầu tiên áp dụng chiêu thức quảng cáo giống các phim giải trí trên thị trường hiện nay bằng việc tung trailer ngập tràn cảnh nóng trước ngày ra mắt. Khi xem phim, những cảnh nóng trong phim cũng nhiều hơn mức bình thường của 2 diễn viên Kim Hiền (vai Tống Thị) và Triệu Thị Hà (vai Thị Thừa). Trong đó, có những cảnh khỏa thân trong sương ngoài vườn về đêm hơi “lố” vì kéo dài tới 1 phút mà chẳng cần thiết cho mạch phim. Những tưởng “cảnh nóng” sẽ “dụ” được khán giả tới rạp nhưng ngược lại còn bị khán giả khó chịu vì “câu khách”.
 
Theo Minh Nga (nld.com.vn)

Bạn đang đọc bài viết " Dài thêm bài học phim đặt hàng " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.