Đãi ngộ nghệ nhân để bảo tồn di sản

20/03/2017 14:07

Theo dõi trên

Hà Nội có số lượng nghệ nhân tham gia thực hành, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) nhiều nhất cả nước. Ban hành chế độ đãi ngộ nghệ nhân phù hợp nhằm nâng cao chất lượng và khả năng bảo tồn di sản là một trong những giải pháp đã và đang được các ngành, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả khả quan.



Gia đình nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi trong một buổi biểu diễn.

Quan tâm đúng hướng, di sản hồi sinh

Các nghệ nhân giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền vốn quý di sản văn hóa truyền thống. Để nghệ nhân yên tâm gắn bó với di sản, TP Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân, đồng thời khuyến khích các ngành, địa phương chủ động, sáng tạo thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản quý. Dựa trên kết quả kiểm kê DSVH PVT, ngành Văn hóa và các địa phương đã, đang xây dựng kế hoạch bảo tồn cụ thể cho từng di sản; ngành GD-ĐT đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học…

Trong đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) lần thứ nhất - năm 2015, Hà Nội có 39 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT. So với hàng nghìn người tham gia công tác bảo vệ, giữ gìn 1.795 DSVH PVT trên địa bàn Thủ đô, số người được phong tặng danh hiệu là chưa nhiều, song, đó là hình thức động viên kịp thời, giúp những người yêu di sản yên tâm gắn bó với công việc mà mình tâm huyết. Chẳng hạn, người dân xã Liệp Tuyết (Quốc Oai) sẵn sàng bước qua “lời nguyền” để giữ điệu hát dô; nhân dân xã Khánh Hà (Thường Tín), Hát Môn (Phúc Thọ) luôn trăn trở tìm hướng khôi phục điệu hát trống quân sau nhiều năm mai một…

NNƯT Chu Chí Cang, CLB Ca trù An Khánh (Hoài Đức) cho biết, được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, lớp nghệ nhân "gạo cội" càng thêm phấn chấn, không quản ngại tuổi tác, sẵn lòng dốc “vốn liếng” ca trù trao truyền cho lớp sau. Số người trẻ tuổi tham gia sinh hoạt, tìm hiểu về nghệ thuật ca trù trong CLB Ca trù An Khánh đã tăng hơn hẳn so với những năm trước. Những "hạt nhân" trẻ tuổi như ca nương Phó Hải Lý, Nguyễn Thị Phương Anh (16 tuổi)… hiện đã có thể biểu diễn nhiều làn điệu ca trù cổ.

Tương tự như An Khánh, CLB Ca trù Lỗ Khê (Đông Anh) từ chỗ phải "đốt đuốc" tìm học viên trẻ, nay đã có những gia đình sẵn sàng đầu tư thời gian, kinh phí cho con em theo học ca trù thường xuyên như gia đình chị Dương Thị Ly (mẹ của ca nương Nguyễn Thục Trinh - 9 tuổi).

Chế độ đãi ngộ và sự quan tâm của xã hội đối với các nghệ nhân không chỉ giúp ca trù phát triển. Tại những bản Mường thuộc huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, hiện nay, phong trào khôi phục di sản cồng chiêng có sự phát triển rộng khắp. Xã nào cũng có đội cồng chiêng, thậm chí có xã có đến chục đội. Đa số được thành lập bởi những người đam mê với di sản.

Từ nhiều năm nay, căn nhà đơn sơ của NNƯT Bùi Thị Bích Thìn tại bản Đồng Dâu, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) là điểm hẹn quen thuộc của người yêu cồng chiêng. Hay như đội cồng chiêng ở thôn Bặn, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), khi kinh phí dành cho việc mua chiêng còn thiếu, một thành viên trong đội đã bán những cây vú sữa trong vườn nhà để lấy tiền ủng hộ.

Được quan tâm đúng hướng, tình yêu di sản trong cộng đồng mạnh mẽ hồi sinh.

Những phần việc tiếp theo




Hát trống quân, một di sản đã được khôi phục hiệu quả tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ.

Dù Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội luôn trân trọng đóng góp của các nghệ nhân và vai trò quan trọng của họ, đã ban hành chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân nhưng trong thực tế, vẫn có nhiều "vốn quý" lâm vào cảnh "cái khó bó cái khôn".

Sau khi được phong tặng danh hiệu, các NNƯT ở Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác đã được nhận bằng vinh danh kèm theo số tiền thưởng hơn 10 triệu đồng. Theo Nghị định 109/2015/ NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn (hiệu lực từ ngày 1-1-2016) thì ngoài tiền thưởng, các NNND, NNƯT thuộc diện này tùy theo mức độ sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, được hưởng bảo hiểm y tế, khi qua đời sẽ được hỗ trợ mai táng phí. Tuy nhiên, dù Nghị định 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực đã hơn một năm nhưng đến nay, nhiều nghệ nhân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn ở xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên) chia sẻ: Được vinh danh, các nghệ nhân rất vui mừng. Song, đa số nghệ nhân đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, đời sống khó khăn nên đừng để họ phải chờ lâu hơn nữa.

Chia sẻ khó khăn mà những người tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản đang phải đối diện, ca nương Đinh Thị Vân (CLB Ca trù Lỗ Khê) cho biết: Lỗ Khê không thiếu lớp kế cận giỏi về ca trù, nhưng họ đang gặp khó khăn về kinh phí hoạt động. Các thành viên CLB phải lo cơm áo hằng ngày, không thể dành nhiều thời gian cho di sản.

Được biết, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã hướng dẫn các NNƯT làm hồ sơ kê khai để cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, quá trình xem xét cần được tiến hành khẩn trương nhằm tạo điều kiện cho nghệ nhân toàn tâm, toàn ý gắn bó với công việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH PVT theo hướng bền vững. Chậm ngày nào, di sản bị ảnh hưởng ngày đó.

Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội, Sở VH-TT phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy trình, thủ tục xét chọn danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực DSVH PVT lần thứ 2 - năm 2018; tham mưu, trình UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Việc hướng dẫn nghệ nhân lập hồ sơ sẽ được hoàn thành trong quý III năm nay. Những trường hợp có tên trong danh sách đề nghị phải có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Xem xét đề cử danh hiệu NNND, NNƯT đúng người, đúng đối tượng cũng là cách để các nghệ nhân tận tâm, tận lực đóng góp các loại hình DSVH PVT”, ông Trương Minh Tiến khẳng định.


Hà Hiền

Nguồn: Hà Nội Mới
Bạn đang đọc bài viết "Đãi ngộ nghệ nhân để bảo tồn di sản" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.