Đặc sản bánh Hòn

01/12/2016 09:40

Theo dõi trên

Bánh Hòn, món bánh truyền thống từ bao đời nay của người dân các xã Kim Đức, Phượng Lâu và Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Từ xưa đến nay, nhắc đến Phú Thọ người ta thường nghĩ đến rừng cọ, đồi chè, bánh tai… nhưng lại chưa biết đến bánh Hòn, món bánh gần gũi, dân dã đã đi vào lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước của dân tộc.


 
Bánh Hòn – món bánh truyền thống của các xã Kim Đức, Phượng Lâu, Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Ở Phú Thọ, đặc biệt là các chợ quê như Hùng Lô, Kim Đức, không khó để bắt gặp các gánh hàng rong bán bánh Hòn. Bánh Hòn có màu trắng đục, hơi ngả vàng, thơm mùi thịt quyện vào mùi lá rừng và bột gạo mới, dùng làm quà sáng rất lành bụng.

Bánh Hòn ở An Thái (Phượng Lâu) được làm từ gạo tẻ, ngon nhất là gạo Khang Dân mới thu hoạch xong.  Gạo phải trắng, dẻo thì mới quyết định việc vỏ bánh có giòn, thơm hay không. Gạo được xay hoặc cho vào cối giã nhỏ thành bột, sau đó rây cho mịn. Dùng các loại lá, quả rừng như: vỏ quả sở, quả trẩu, lá bưởi bung, cây vừng khô… đốt thành tro rồi cho vào thùng nước ngâm từ 5 - 7 ngày cho phả ra. Sau đó đem lọc lấy nước trong rồi cho vào bột, khuấy lên đun cho đến khi nào bột trong, đặc lại thì bắc xuống. Dùng thịt ba chỉ, hành, mộc nhĩ băm nhỏ, nêm vừa gia vị để làm nhân.  Cho vào khuôn nặn luôn khi bột còn nóng, rồi xếp lên chõ sôi lại thành bánh. Khi sôi bánh phải để lửa to, tránh để lửa nhỏ sẽ làm mất độ giòn của vỏ bánh.

Bánh hấp xong bỏ vào tàu lá chuối hoặc bẹ cọ, nhâm nhi chấm với nước mắm vắt chanh, bỏ thêm ít ớt và hạt tiêu, thưởng thức chậm rãi từ vỏ bánh hòa quyện vào nhân, thơm mùi lá rừng đặc trưng của đất Phú Thọ.



Người dân mua bánh Hòn của chị Hồng tại chợ Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Ở Hùng Lô, ngoài cái tên bánh Hòn thì người dân ở đây còn gọi là bánh bột vã, vì chỉ có bột chứ không có hàn the hay chất phụ gia khác. Chị Nguyễn Thị Hồng (khu 1, xã Hùng Lô) – con dâu của bà Nguyễn Thị Hoàn, người bán bánh Hòn đã 50 năm chia sẻ: “Bánh của tôi khác An Thái hay Kim Đức là dùng bột nước, nhân bánh đơn giản chỉ có hành mỡ, rất dễ ăn. Với giá 1000đ cho 1 chiếc bánh Hòn, trung bình 1 ngày tôi bán được 400 chiếc, những ngày lễ tết thì cao hơn”.

Từ xa xưa bánh được nặn nhọn 2 đầu, gọi là bánh tu hú, thường được làm vào ngày Tết để dâng lên vua Hùng, ngày lễ Vu Lan, ngày treo hái (25/5 và 25/10). Ngày nay bánh được nặn tròn, và người dân cũng dùng tên gọi khác là bánh Hòn, trở thành món bánh truyền thống dân dã, gắn liền với đời sống của làng quê trung du miền núi Bắc Bộ.

(Theo Báo Phú Thọ) 

Thanh Trà
Bạn đang đọc bài viết "Đặc sản bánh Hòn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.