Đặc sắc văn hóa làng cổ Đông Sơn

25/11/2016 15:46

Theo dõi trên

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay làng cổ Đông Sơn (TP Thanh Hóa) vẫn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống. Các di tích văn hóa cũng như di tích khảo cổ văn hóa Đông Sơn, đình, chùa, am, miếu... đã trở thành những địa điểm du lịch lý thú cho du khách gần xa.

Từ cửa ngõ phía Bắc TP Thanh Hóa rẽ phải khoảng 1.000m, leo qua dốc Cửa Trổng, đến dốc Chồng Mâm nằm dưới chân núi Mã Yên, đi thêm một đoạn là bắt vào trục đường chính của làng cổ Đông Sơn. Cuộc sống nơi đây yên tĩnh cách biệt hẳn với cảnh náo nhiệt nơi đô thị. Trưởng làng là anh Triều đã đứng chờ và đưa chúng tôi đi bộ dọc con đường độc đạo vào làng, men theo những bậc đá xanh lát đường, có hệ thống cống tiêu nước in dấu thời gian rêu phong cũ kỹ, chạy dài dưới những bức tường gạch cổ kính.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Làng cổ Đông Sơn có diện tích gần 4km2, hiện có 330 hộ, tương đương với 1.300 nhân khẩu, bà con trong làng sống thuần hậu và luôn dạy bảo con cháu duy trì nếp sống nhân văn, đoàn kết và bảo vệ các di tích văn hóa cũng như môi trường và cảnh quan của làng xanh, sạch, đẹp. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông, một số hộ nhận khoán trồng và bảo vệ rừng, làm dịch vụ thương mại và trên đất làng còn có các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thuộc Khu Du lịch Hàm Rồng. Từ lâu làng đã được công nhận là làng văn hóa.

Giữa năm 1920 khi những di chỉ khảo cổ của văn hóa Đông Sơn lần đầu tiên được phát hiện với niên đại hơn 2.500 năm, khiến từ đầu thế kỷ XX làng cổ Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hoá khảo cổ học nổi tiếng thế giới. Năm 1924, người nông dân tên là Nguyễn Văn Lắm ở làng Đông Sơn khi ra bờ sông Mã câu cá đã tìm thấy một số đồ đồng ở nơi bờ sông sạt lở. Một viên thuế quan người Pháp đã mua những đồ đồng đó và đem đến trường Viễn Đông Bác Cổ để xác định giá trị.

Sau đó, người Pháp  tiến hành khai quật ở làng Đông Sơn và thu được nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có trống đồng Đông Sơn (năm 1929). Năm 1934,  một nhà nghiên cứu người Áo lần đầu tiên đề nghị định danh nền văn hóa đó là "Văn minh Đông Sơn”, một nền văn minh tiêu biểu của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước, trống đồng Đông Sơn trở thành biểu tượng tài năng, trí sáng tạo của người Việt cổ buổi đầu tạo dựng văn minh.

Nếp sinh hoạt xưa trong làng theo các cụ cao niên kể lại được tuân theo một bản hương ước dày khoảng 18 trang, 25 mục và 130 điều. Nội dung các điều được qui định cụ thể từ việc tổ chức hội đồng biểu, quản lý công điền, tang tế, hôn lễ, kết chạ... Làng duy trì nghi thức trọng sĩ, khuyến học. Từ những năm 1900, ai học Quốc ngữ mà tốt nghiệp bằng “sơ học yếu lược” thì được làng miễn dịch hoàn toàn, được dân làng trọng vọng. Ai đỗ đầu, được làng đi rước. Cũng như nhiều làng quê khác ở xứ Thanh, làng Đông Sơn có đầy đủ các lễ tiết, hội hè trong bốn mùa. Riêng Hội làng được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Dù đang định cư hay lập nghiệp ở đâu người Đông Sơn vẫn nhớ tới cội nguồn, tập trung về làng tụ họp.

Chùa Bồ Đề còn gọi là chùa Phạm Thông (nay dân làng gọi là chùa Đông Sơn), đứng trên thế đất bằng phẳng, trông ra hồ nước rộng. Ngoài ra làng còn lưu lại dấu vết bia Văn Chỉ trên núi Văn Chỉ; dấu vết bia Võ Chỉ nay còn thấy ở khu vực gần chùa Đông Sơn; bia Văn Thánh (nơi thờ Đức Thánh Khổng Tử và 72 đệ tử giỏi nhất của ngài) được xây dựng từ thời vua Tự Đức, nay lưu dấu trên đất phố Hàm Long 2, phường Hàm Rồng. Đình Trung được xây dựng ở ngay đầu làng, thờ vị thần Út Đại Vương, Duệ hiệu là Đức Thánh Lưỡng. Thần là con Lê Cốc, có công trong cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Đường và thần Út đã hy sinh  tại một trận chiến. Ở đình này, nhân dân còn thờ Trần Khát Chân; Miếu Nhị tựa lưng vào núi Rồng thờ Trịnh Thế Lợi làm Phúc Thần. Ông là người có công chuyển dân lập ấp. Thời kỳ đánh thắng Mỹ, làng Đông Sơn trở thành pháo đài thép cùng với Nam Ngạn, Yên Vực, đồi C4,... để viết nên huyền thoại Hàm Rồng - Sông Mã.



Đền thờ thần Út Đại Vương - Ảnh: Trần Đàm

Đi qua các ngõ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng và ngõ núi Nhị, ngõ Chùa, thấy các ngõ đều lát đường đi bằng những viên đá xanh nhẵn dấu thời gian, xếp lần lượt như con trăn chạy dài vào sâu trong các hộ gia đình. Mỗi ngõ lại có một cổng riêng, được xây cầu kỳ, có hoa văn rồng và hoa cúc vừa nghiêm trang, vừa sang trọng. Bà Vu, năm nay bà đã 87 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn mời chúng tôi đi thăm căn nhà tọa trong ngôi vườn gần ngàn mét vuông, với nhiều loại cây thế giá trị và còn lưu  được các vật dụng xưa như chum, vại, thúng, rổ, dần, sàng, chày cối, giỏ, vó, đó, dặm, trúm, nơm... Chúng tôi như lạc vào câu chuyện cổ tích xa xưa vừa lạ lẫm, vừa thích thú. Bà Vu cho biết, nhà bà liên tục có du khách đến tham quan, có cả người Tây cũng đến thường xuyên.

Đến thăm tiếp căn nhà của ông Tháp (ông Tháp đã mất, hiện con dâu ông đang ở căn nhà này) cây cột giữa nhà còn găm mảnh bom, di tích của bom Mỹ dội xuống Hàm Rồng năm xưa. Chị chủ nhà chỉ tay lên những mảnh gỗ hoa văn cầu kỳ, tinh xảo sắp bị rơi xuống than thở: “Nhà nước cứ bảo phải giữ nguyên để bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn giá trị văn hóa và cũng đã lập hồ sơ nên gia đình chúng tôi không dám đụng vào. Thế nhưng chờ từ khi bố chồng tôi đang sống, nay cụ mất đã lâu mà chưa thấy ai hỏi đến... Cảnh dột nát vất lắm các cô ạ”.

Anh Triều, Trưởng làng Đông Sơn cho biết, hiện làng có 7 ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc có giá trị, nhưng chưa được các cấp, ngành chức năng đầu tư để tu sửa, nâng cấp đồng bộ, trong khi kinh phí địa phương khó khăn, nguồn xã hội hóa không đáng kể hoặc nếu có lại phải tu bổ chùa, đình...

Đi cùng chúng tôi còn có một nhóm du khách cũng đến thăm hố khai quật khảo cổ nằm sau chùa Đông Sơn, viếng chùa Đông Sơn, đình Trung, miếu Nhị và các dấu tích Văn chỉ, Võ chỉ, Văn Thánh, động Tiên Sơn.

Tạm biệt làng cổ Đông Sơn ra về trong lòng chúng tôi day dứt bao ý nghĩ, rằng làng cổ Đông Sơn với những dấu ấn văn hóa đặc sắc như vậy nhưng câu chuyện bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử ở đây vẫn chưa được đầu tư xứng tầm. Hy vọng trong danh sách đầu tư cho ngành du lịch, làng cổ Đông Sơn sẽ sớm được TP Thanh Hóa quan tâm thỏa đáng.


(Theo vanhoadoisong.vn) 

Viên Lan Anh
Bạn đang đọc bài viết "Đặc sắc văn hóa làng cổ Đông Sơn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.