Đặc sắc lễ hội Dolta

28/09/2015 10:01

Theo dõi trên

Theo thông lệ, giữa tháng tám âm lịch, sản xuất của bà con Khmer Bảy Núi đã cơ bản kết thúc, thời vụ gieo cấy cây lúa đặc sản (lúa mùa ruộng trên) cũng hoàn tất. Bấy giờ, gia đình trong các phum, sóc chuẩn bị đón Dolta (cúng ông bà), một lễ lớn thứ hai trong năm.



 Lễ hội đua bò. Anh: T.H
Nét văn hóa truyền thống

Hòa thượng Chau Chanh, sãi cả chùa Kalboruk (thị trấn Óc Eo) cho biết, lễ Dolta diễn ra thời điểm cuối mùa nhập hạ và bước sang đầu tháng chín âm lịch. Đây còn là thời điểm các vị sư sãi hoàn tất công việc tu học, trau dồi kinh kệ sau 3 tháng. Chính vì sự trùng hợp như vậy, đón Dolta được bà con trong các phum, sóc coi như một lễ lớn. “Khác với đón Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), bà con phật tử vừa vô chùa lễ Phật và cúng dường chư tăng, nhưng vẫn cúng ông bà và cha mẹ tại nhà” – Hòa thượng Chau Chanh nói.

Dolta là lễ truyền thống của đồng bào Khmer. Theo Hòa thượng Chau Ty, sãi cả chùa Soài So (xã Núi Tô), lễ Dolta còn được gọi là lễ cúng ông bà (Píth-sên đôn-ta) và có ý nghĩa giống như lễ Vu Lan (rằm tháng bảy âm lịch) của người Kinh. “Lễ được tổ chức để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cầu phước cho con cháu” – Hòa thượng Chau Ty giải thích. Cho nên, lễ Dolta trong các phum, sóc rất vui, bởi con cháu đi làm ăn xa đều về sum họp gia đình và đón khách họ hàng tới thăm, rồi dùng bữa cơm thân mật.

Theo tập quán, lễ Dolta diễn ra trong 3 ngày, mỗi ngày đều có công việc và ý nghĩa riêng. Chẳng hạn, như: Ngày đầu tiên (trang hoàng nhà cửa, dọn 4 chén cơm lên bàn, đốt đèn, mời ông bà về ăn uống và sau đó mời ông bà vào chùa nghe tụng kinh…), ngày thứ hai (sau khi ở chùa một ngày và một đêm, đến chiều mọi người rước ông bà về nhà…) và ngày cuối (mỗi gia đình lại chuẩn bị thức ăn, bánh trái để cúng tiễn đưa ông bà). Bấy giờ, lễ Dolta thường niên coi như kết thúc, con cháu trở lại công việc lao động, sản xuất bình thường.

Bảo tồn các giá trị

Sau 40 năm xây dựng và phát triển vùng Bảy Núi, 64 ngôi chùa Khmer ở Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn và Tịnh Biên đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Các ngôi chùa luôn xứng đáng là “Điểm sáng văn hóa” trong các phum, sóc qua việc dạy và học tiếng Khmer, duy trì nhiều loại hình dân gian và hoạt động lễ hội tại chùa. Trong đó, lễ Dolta thu hút du khách tham quan, chiêm ngưỡng những kiến trúc nghệ thuật, thưởng thức đặc sản và sinh hoạt con người bản địa.

Hòa thượng Chau Cắk, sãi cả chùa Prolai Méas (xã Núi Voi) cho biết, những ngày diễn ra lễ Dolta, nhà chùa luôn có món “cơm nếp trộn mè đen” ăn với chuối cao chín và có cả bánh in nữa, do bà con phật tử làm mang cúng dường chư tăng và đãi khách viếng chùa. Còn bánh tét, bánh ít thì cũng không thể thiếu. “Đó là những sản phẩm do bà con lao động, sản xuất mới có. Bà con làm cúng ông bà tại nhà, vừa mang đến chùa cúng dường chư tăng. Mọi người coi như thành quả lao động, ai cũng rất quý trọng” – Hòa thượng Chau Cắk nhấn mạnh.

Các xã: Ô Lâm, Núi Tô, Châu Lăng… (Tri Tôn) và Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Cư… (Tịnh Biên) tiếp tục duy trì và hoạt động khá tốt loại hình nghệ thuật Chầm riêng – Chà pây, nhạc ngũ âm, hát Dì kê và Dù kê, tăng thêm tính hấp dẫn ở các chùa Khmer trong những ngày diễn ra lễ Dolta. Hòa thượng Chau Phrốs, sãi cả chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung) cho hay, nhà chùa cũng đã tổ chức cho các em thiếu nhi làm quen nhạc ngũ âm và kết quả bước đầu chơi khá tốt, hy vọng sẽ là lực lượng kế thừa và phát huy loại hình nghệ dân gian này.



 
Giã cốm dẹp ở Ô Lâm


 
Biểu diễn nhạc ngũ âm ở Châu Lăng
 
“Theo tập quán dần đổi công, lễ Dolta diễn ra vào thời điểm mùa màng thảnh thơi. Ruộng cấy ở các chùa dứt điểm sau cùng, bà con tổ chức đua bò để ăn mừng, vừa khoe tài chăn nuôi giỏi và đôi bò mình mạnh khỏe. Vậy là, ngày hội đua bò xuất phát từ đó và gắn liền với lễ Dolta hàng năm” – Hòa thượng Chau Ty, sãi cả chùa Soài So (xã Núi Tô) kể.

Theo ÁNH NGUYÊN – MAI HƯƠNG (Tin Tức Miền Tây)

Bạn đang đọc bài viết "Đặc sắc lễ hội Dolta" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.