Đặc sắc Lễ hội Đền Văn Thánh ở Mộ Đức, Quảng Ngãi

25/07/2018 16:33

Theo dõi trên

Dẫu cho ngôi đền Văn Thánh giờ chỉ còn là đống hoang tàn đổ nát nhưng người dân ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi vẫn không quên đó là nơi lưu giữ những sự kiện về truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của cha ông để lại.

Và như thường lệ cứ vào ngày Đinh tháng ba và tháng 8 âm lịch, tại Văn Thánh được tổ chức lễ hội. Chi phí cho ngày hội trích từ 5 - 6 mẫu ruộng hàng năm được đấu thầu làm quỹ.
 

Văn Thánh là nơi thờ tự các vị văn nhân tiền bối ở thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi có từ đầu nửa thế kỷ thứ 19, thời kỳ chấn hưng văn hóa (Nho học) ở tỉnh Quảng Ngãi, do cụ Nguyễn Bá Nghi (cha ông Nguyễn Bá Loan) đề xuất xây dựng năm Giáp Dần 1854. Đến năm Mậu Ngọ 1858, năm Tự Đức thập nhất niên (có văn bản lưu) được tu tạo hoàn chỉnh.
 
Văn Thánh là một biểu tượng của Văn - Hội. Trong “Nghĩa hội Cần Vương” do ông Lê Trung Đình đứng đầu gồm có “Văn -hội” và “Võ - hội” (Trong quyển Phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Quảng Ngãi, trang 21). Văn-hội (Văn thân) gồm các giới quan lại, những nhân vật có khoa bảng, văn bằng và những thân hào có thế lực.
 
Di tích Văn Thánh này do các vị tú tài, cử nhân, nhân sĩ, nói chung là tầng lớp trí thức đương thời đứng ra xây dựng. Nó thể hiện tấm lòng “Tôn sư trọng đạo”, “Cầu hiền đãi sĩ” theo đạo lý làm người cổ truyền của dân tộc. Đến năm Kỷ Dậu 1956, dựa trên cơ sở Văn Thánh, một số nhân sĩ trí thức và một số người trong vùng thành lập “Khổng - hội học” và Văn Thánh được trùng tu một phần vào năm 1957.
 
Hàng năm, tại Văn Thánh được tổ chức lễ hội vào ngày Đinh của tháng ba và tháng 8 âm lịch. Chi phí cho ngày hội có 5 - 6 mẫu ruộng hàng năm đấu thầu làm quỹ.
 
Văn Thánh trải qua năm tháng bị chiến tranh tàn phá hư hỏng nghiêm trọng, không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng chúng ta cũng xác định khái quát được hình thể của di tích. Văn Thánh được xây dựng tại thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nằm giữa cánh đồng, mặt tiền hướng về đông nam, cách đường Quốc lộ 1A và tượng đài Mỏ Cày lịch sử khoảng 800m về phía đông nam. Di tích này có tổng diện tích 3450m2 bao gồm vườn, sân, cổng ngõ, vây quanh có tường cao 1m50, dày 50cm, được xây theo hình chữ bát. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc được bố trí theo hình chữ môn, gồm: Cổng chính cấu trúc một gian, có lầu cổng, cổng này gắn liền với bờ tường, phía trên mặt cổng có hàng chữ nổi (đã bị xóa mờ), hai bên mặt trước cổng là hai hàng câu đối (quá mờ). Mặt sau cổng hai độc bình đối xứng có cắm cây “tướng quân”. Phần trên cổng có một lầu ngõ, gác chuông, trống. Trên mái lợp ngói âm dương, các mép mái được tạo dáng hình rồng. Chiều cao của cổng là 6m, lầu ngõ 2m. Mặt trước cổng rộng 3m30, bề dày mỗi trục là 80cm, lối vào rộng 1m80, mặt cắt dọc 3m, phần trong cổng có hình mái vòm, độ lõm trong là 50cm.
 
Từ cổng chính vào 4m là tấm bình phong cao 2m, chiều ngang 2m40. Mặt trước đắp nổi hình thú (không còn trông rõ). Từ tấm bình phong này theo đường thẳng 10m về phía tây có dinh thờ Thổ thần, dinh thờ cao 2m50, rộng 2m, mái lợp ngói âm dương. Hai bên bình phong tiền có 2 trục đạo thẳng 10m vào sân. Ở sân có một tấm bình phong hậu cao 1m50, dài 2m30, mặt trước trang trí song không còn nhìn rõ, tấm bình phong này được gắn với một bức tường mỗi bên 5m. Ở hai đầu bức tường, mỗi bên có một cây trụ đèn (đã hỏng hoàn toàn). Sau tấm bình phong hậu là sân rộng khoảng 400m2. Hai bên sân là 2 toà miếu phụ; cách bình phong hậu 20m là ngôi miếu chính. Tất cả miếu chính, miếu phụ đã sụp đổ vì bom đạn trong chiến tranh, còn lại ngổn ngang đá ong, nổi bật là 5 tấm bia bằng đá xám trên nền miếu chính, diện tích miếu chính khoảng 100m2. Trước kia, gian chính diện được xây bằng gỗ lim với lối kiến trúc chồng rường giả thú, gồm 30 cây cột, 3 hàng cột đỡ lấy bộ vì kèo, có chiều cao 10m, nhà được chia làm 3 gian, có tất cả 12 cánh cửa. Mái “cổ áo” (hai tầng), lợp bằng ngói âm dương. Hình mái cong bốn góc, trên đỉnh mái trang trí hình long lân qui phụng và nhiều hoa văn ghép bằng đĩa xưa và mẻ sành sứ. Diềm cổ áo cũng trang trí như trên nhưng đơn giản hơn. Năm tấm bia được bố trí bên trong nền miếu theo hướng đông, tây, bắc, chính giữa là hai bệ thờ. Hai miếu phụ đông, tây đầu hướng mặt vào sân, mỗi miếu chia làm 3 gian cũng lợp ngói âm dương, xây dựng đơn giản, làm nơi hội họp và tổ chức khánh tiết.
 
Bia thứ nhất: cao 2m, rộng 1m10, dày 15cm, diềm bia 15cm, chạm khắc hình hoa dây leo theo băng chuyền và họa tiết đối xứng. Đầu tâm diềm bia là hình mặt nguyệt. Văn bia được khắc chìm họ tên, chức vụ các vị cử nhân, tú tài đương thời. Bia này làm thời Bảo Đại thập tứ niên, năm 1939.
 
Bia thứ hai: cạnh bia thứ nhất, ở phía đông, mặt hướng tây, cao 1m, rộng 50cm, dày 12cm; chất liệu diềm bia và cách bố trí bố cục giống như bia thứ nhất. Văn bia khắc chìm và ghi tên những người vào Hội sau này, được tạc năm Đinh Dậu (1957).
 
Bia thứ ba (bị gãy): mặt bia hướng về nam, cao 1m, rộng 60cm. Hoa văn trên trán và diềm bia được bố trí theo hoạ tiết hoa dây băng chuyền và đối xứng. Trán bia hình tròn, tâm trán hình mặt nguyệt. Đây là tấm bia được chạm khắc khá tinh vi. Văn bia được khắc chìm, ghi tên họ các vị thượng thư, tri phủ, cử nhân tú tài đương thời. Bia được làm năm Tự Đức thập ngũ niên, năm Nhâm Tuất (1862), và ghi Văn thân bi ký.
 
Bia thứ tư: lưng hướng tây bắc, mặt hướng đông nam cao 1m20, rộng 60cm. Hoa văn họa tiết giống bia thứ ba. Nội dung đặc biệt ghi một bài văn. Bia làm năm Tự Đức thập ngũ niên, năm Nhâm Tuất 1862 và ghi Văn từ bi ký.
 
Bia thứ năm: mặt bia hướng đông, được chạm khắc công phu và sắc sảo. Các hoa văn và họa tiết trên trán và diềm bia khác các tấm trên. Chiều cao 1m, rộng 60cm, dày 15cm. Trán bia 16cm, hình vòm, khắc chạm nổi hình song long tranh châu. Diềm bia hoa văn hai bên chạm nổi hoa dây băng chuyền, hình hoa lá đối xứng. Văn bia khắc chìm, tên họ 7 vị cử nhân làm quan đương thời (3 tri huyện, 4 huấn đạo) được làm thời Tự Đức thập lục niên, năm Quý Hợi 1863.
 
Từ miếu chính dựng các bia này, kế theo trục dọc đông – tây có 2 cổng nữa. Cổng phía tây cao 4m, rộng 3m, mặt cắt 1m50, lối vào 1m80, lòng cổng hình mái vòm, mái lợp ngói âm dương. Cổng phía đông cấu trúc như cổng phía tây, đây là cổng ra vào thường xuyên.
 
Nói chung các bia ở Văn Thánh đều được chế tác bằng một loại chất liệu đá xám như nhau. Hoa văn, họa tiết khá phong phú. Ngoài các bia ra, các cổng, bờ tường, dinh thờ, các bình phong, nền móng… đều làm bằng một loại chất liệu như nhau: đá ong trộn vôi mật, đá ong đều cùng một kích cỡ 44 x 22.
 
Như chúng ta đã biết ở nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn phục hưng nền Nho học ở nước ta. Tại tỉnh Quảng Ngãi thời bấy giờ những nhà nho là những người có khoa bảng, đỗ đạt cao, mang nặng tư tưởng Khổng Mạnh trên phương diện học thuật và đạo đức Nho gia, đó là tiền đề để các vị lập Đền Văn Thánh. Trên một bình diện tích cực nào đó sự ra đời của Văn Thánh đã đánh dấu một mốc lớn trong sự phục hưng Nho học tại tỉnh ta. Qua những văn bia đã được dịch, trong đó một số nhà nho mà tên tuổi của họ chúng ta đã từng nghe như ông Nghè Tìm, ông Tú Can, ông Phạm Văn Thuỷ, Phạm Văn Trọng, Phạm Văn Thuấn, Phạm Văn Nga (cha của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng),… Những vị uyên nho ấy đã được nhân dân địa phương mến phục.
 
Qua những dấu tích để lại cho thấy Đền Văn Thánh là một trong những di tích ghi lại những sự kiện, dấu ấn của một giai đoạn lịch sử - giai đoạn phục hưng nền Nho học. Cho đến nay, di tích đã gần như phế tích, song nó cung cấp cho chúng ta nguồn tư liệu quý giá, góp phần làm phong phú di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Chính vì thế, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang có hướng sẽ đưa đền vào dự án quy hoạch khu di tích nhằm để bảo tồn và lưu giữ di tích lịch sử - văn hóa. Điều đáng mừng là hiện có nhiều cá nhân và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã có ý muốn đóng góp kinh phí cho việc tôn tạo di tích Đền Văn Thánh. Vấn đề là làm thế nào để khu đền khi được trùng tu, tôn tạo vẫn giữ được những nét như vốn có mới là điều các nhà chức trách ở địa phương đang quan tâm?
 
Bùi Thủy

Bạn đang đọc bài viết "Đặc sắc Lễ hội Đền Văn Thánh ở Mộ Đức, Quảng Ngãi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.