Thành Cát Tư Hãn là nhà cầm quân xuất chúng của đế chế Mông Cổ. Dưới sự chỉ huy của ông, quân đội Mông Cổ đã chinh phục được nhiều vùng đất rộng lớn.
Bên cạnh sự nghiệp quân sự lừng lẫy, nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn sau khi ông qua đời là chủ đề được nhiều người quan tâm và tò mò.
Bí ẩn vị trí mai táng Thành Cát Tư Hãn bắt nguồn từ một giai thoại cho rằng, sau khi thủ lĩnh đế chế Mông Cổ qua đời vào khoảng năm 1227, đoàn quân sĩ đưa tang đã giết tất cả những người nhìn thấy trên đường. Ngay cả những người xây lăng mộ và đoàn đưa tang Thành Cát Tư Hãn cũng bị giết hại.
Chỉ có một vài thủ lĩnh cấp cao của đế chế Mông Cổ biết nơi mai táng Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, họ giữ kín bí mật cho đến khi qua đời.
Trong nhiều năm qua, người ta hoài nghi núi thiêng Burkhan Khaldun chính là nơi nhà cầm quân xuất chúng của đế chế Mông Cổ được chôn cất.
Sở dĩ giả thuyết này được nhiều người tin là vì nơi này từng cấm người ngoài tiếp cận. Bất cứ người nào xâm nhập vào khu vực núi thiêng Burkhan Khaldun đều bị xử tử.
Thành Cát Tư Hãn từng có thời gian sống tại khu vực này khi chiến đấu chống quân Merkid. Về sau, Thành Cát Tư Hãn lập lời thề sẽ tôn sùng và bảo vệ vùng đất linh thiêng Burkhan Khaldun.
Nhiều chuyên gia nhận định, Burkhan Khaldun rất thích hợp để làm nơi an táng cho vị vua sáng lập đế chế Mông Cổ.
Vào năm 2015, núi thiêng Burkhan Khaldun được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Do vậy, việc khai quật nơi này để tìm kiếm lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn được đánh giá là khó có thể xảy ra.