Theo nghiên cứu khoa học “Những giá trị nổi bật toàn cầu hướng tới việc ghi danh Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng lần thứ hai về tiêu chí đa dạng sinh học” của Nguyễn Quốc Dựng và Đinh Huy Trí đã nhấn mạnh: Quá trình phát triển những giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và khí hậu thủy văn (ở VQG PN – KB) đã tạo ra môi trường lý tưởng cho đa dạng sinh học và cũng là một bộ phận hữu cơ của giá trị nổi bật mang tính toàn cầu. Phong Nha – Kẻ Bàng là một mẫu điển hình về đa dạng sinh học của vùng sinh thái dãy Trường Sơn, là nơi được xác định là một trong 200 trung tâm có giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học trên thế giới”.
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được thiên nhiên ban tặng một tài nguyên vô cùng quý giá, nơi đó chứa đựng tính đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên. Bao gồm các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng trên núi đất và vùng chuyển tiếp, hệ sinh thái sông suối, hệ sinh thái hang động và các hệ sinh thái thứ sinh. Đây là một bộ máy hoàn chỉnh cho quá trình đồng tiến hóa của động vật, thực vật tại thành những mắt xích và mạng lưới thức ăn bền vững trong mội trường tự nhiên. Đặc biệt, kiểu rừng nhiệt đới thường xanh chủ yếu cây lá kim với ưu thế loài Bách xanh núi đá và dưới tán là các các loài lan hài phân bổ trên núi đá vôi ở độ cao trên 700 -1.000m là kiểu rừng độc nhất vô nhị không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất. Bên cạnh đó, còn có 15 kiểu rừng khác đã đem lại tính đa dạng của các hệ sinh thái, có ý nghĩa toàn cầu đối với bảo tồn đa dạng sinh học.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định tại VQG PN - KB có 2.694 loài thực vật bậc cao có mạch, 862 loài động vật có xương sống, 369 loài côn trùng sinh sống. Trong đó có tới 116 loài thực vật và 129 loại động vật được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN). Bên cạnh đó, sự đa dạng về sinh cảnh núi đá vôi, hang động, núi đất… là điều kiện lý tưởng cho 9/21 loài sinh trưởng (43% linh trưởng của Việt Nam) sinh sống. Nơi đây có các phân loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của dãy Trường Sơn sinh sống là: Voọc Hà Tĩnh, Voọc Chà vá chân nâu, Vượn Siki, Vượn đen má trắng; trong đó có 1 phân loài là Voọc Hà Tĩnh chỉ tìm thấy ở vùng núi đá vôi Phong Nha – Kể Bàng và vùng lân cận.
Đặc điểm về vị trí địa lý đã tạo cho Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành một địa điểm quan trọng đối với công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu, là nơi có mặt của 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam (trong đó có 28 loài lan), có 2 loài mới Bách xanh núi đá đặc hữu, chỉ thấy ở Vườn quốc gia Phong Nha –Kẻ Bàng. Có 41 loài động vật đặc hữu cho dãy Trường Sơn, trong đó có 30 loài đặc hữu cho Việt Nam, đặc biệt có tới 23 loài đặc hữu hẹp mới chỉ tìm thấy ở Vườn quốc gia PN – KB. Ngoài ra, trong 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã phát hiện 1 loài thực vật, 2 loài chim, 17 loài bò sát, 2 loài lưỡng thê, 12 loài và phân loài cá, 2 loài bướm mới cho khoa học, 2 loài côn trùng… Đặc biệt, các nhà khoa học đã ghi nhận mẫu chuột đá Lào (thuộc giống Laonestes) ở Phong Nha –Kẻ Bàng, đây là một loài thú cổ đã bị tuyệt chủng.
Các nhà khoa học cũng đã ghi nhận tại Vườn Quốc gia PN – KB đã có 153 loài thú, thuộc 93 họ và 11 bộ, trong đó có 53 loài có giá trị bảo tồn cao, 37 loài có tầm quan trọng bảo tồn cấp toàn cầu và 47 loài có tầm quan trọng bảo tồn cấp quốc gia. Khảo sát khu hệ động vật không xương sống hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và khu vực mở rộng, các nhà khoa học đã thu được 730 cá thể trưởng thành bao gồm 83 loài, 55 họ, 24 bộ, 7 lớp động vật không xương sống. Có 212 loài và phân loài cá nằm trong 38 họ thuộc 10 bộ khác nhau… Với diện tích núi đá vôi và thảm thực vật rừng nguyên sinh rộng lớn đã tạo ra cho khu hệ Dơi của Vườn quốc gia đa dạng nhất ở Việt Nam với 46 loài, chiếm 43% tổng số loài của Việt Nam. Đây là một trong những điểm có tiềm năng lớn nhất Việt Nam và thế giới về bảo tồn các loài dơi…
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai, là cơ sở, động lực để Quảng Bình tiếp tục bảo vệ toàn vẹn nguồn tài nguyên thiên nhiên với các hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, các loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; khai thác thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch, sinh kế cho cư dân trong vùng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vào lúc 12 giờ 24 phút ngày 03/7/2015 (tức 17 giờ 24 phút theo giờ Việt Nam), tại kỳ họp lần thứ 39 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức, với sự nhất trí hoàn toàn của các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới (WHC), Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai theo 02 tiêu chí “là những ví dụ nổi bật đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, nước ngọt, biển và ven biển và các cộng đồng động thực vật (tiêu chí IX) và “sở hữu các môi trường sống tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn tại chỗ đa dạng sinh học, kể cả những nơi sở hữu các loài bị đe dọa có giá trị nổi bật Toàn cầu xét dưới góc độ khoa học hoặc bảo tồn” (tiêu chí X). Đây là một trong 02 hồ sơ Di sản thiên nhiên được duyệt trong tổng số 5 hồ sơ đệ trình lần này. Ủy ban Di sản Thế giới cũng chấp thuận mở rộng Vườn Quốc gia từ diện tích 85,754 ha lên 123,326 ha.
Theo Đại Đoàn Kết