Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh: Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần tự lực cùng với người lao động vượt khó đi lên

27/09/2023 14:49

Theo dõi trên

Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đứng chân trên địa bàn huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Trải qua gần 47 năm xây dựng và phát triển, 38 năm từ ngày thành lập Công ty đến nay, các thế hệ cán bộ lãnh đạo nối tiếp đã phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần tự lực cùng với công nhân, người lao động vượt khó đi lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Xứng đáng là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

a1-2563463474-1695800750.jpg
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh nhận nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam

Đi lên từ buổi ban đầu

Đến nay Công ty quản lý hơn 14.000 ha cao su trong và ngoài nước (Việt Nam trên 9.800 ha, Campuchia trên 4.200 ha). Diện tích vườn cây trong nước của Công ty trải dài trên 03 huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và vùng ven thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Hầu hết những vùng trồng cao su là vùng đất trống, đồi núi trọc, bạc màu nằm ở vùng sâu, vùng xa, nằm trên 18 xã thị trấn với 73 buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đây cơ sở hạ tầng chưa phát triển, điều kiện giao lưu kinh tế - văn hóa còn nhiều hạn chế, có nhiều xã nằm trong chương trình 132, 134 của Chính phủ. Công ty có 09 đơn vị thuộc khối sản xuất chính: 08 Nông trường và Công ty Phát triển Cao su C.R.C.K; có 02 đơn vị thuộc khối sản xuất phụ và phục vụ: Xí nghiệp Cơ điện - Chế biến (có 02 Nhà máy) và Trung tâm Y tế. Quản lý trên 2.200 người, trong đó công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% tổng lao động toàn Công ty. Là đơn vị có tỷ lệ công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất khu vực Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn là phương châm hoạt động của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh. Nhờ bám và thực hiện tốt phương châm này mà công ty luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân, người lao động.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn cho biết: “Mặc dù thời gian gần đây khí hậu biến đổi thất thường, giá cao su xuống thấp, nhưng Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh vẫn tập trung đầu tư cho vườn cây, vận dựng những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, thu hoạch, chế biến nên sản lượng, chất lượng được nâng lên, nên thu nhập của công nhân, người lao động ổn định. Cùng với đó, công ty luôn khuyến khích, vận dụng và cả trao thưởng cho những sáng kiến hay, hiệu quả được vận dụng trong lao động, sản xuất, như mô hình ‘‘chuyển đổi thời gian cạo’’ do chị Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Hòa Phú đề xuất và thực hiện; phong trào ‘’ Giỏi và yếu ‘’ một người tay nghề giỏi kèm cặp giúp đỡ 2-3 người yếu để cùng phát triển ở Nông trường Hà Tây… Thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, công nhân, người lao động, giúp đỡ các hộ nghèo khó để không có ai tụt lại phía sau.

image-6487327-56-1695789954-1695800788.jpg
Công nhân cao su Chư Pãh cạo mủ cao su

Với phương châm phát triển cây cao su đến đâu, tuyển dụng người dân tộc thiểu số ở đó vào làm công nhân, nhằm mục đích giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại chỗ, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng tạo sự giao lưu văn hóa - kinh tế giữa các vùng miền, nâng cao dân trí, ổn định dân sinh, tăng cường quốc phòng - an ninh, nhằm tạo ra bộ mặt nông thôn mới góp phần cùng với địa phương xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong thời gian qua, Công ty đã triển khai nhiều chương trình, như dự án trồng cao su, dự án chăn nuôi, chương trình cải tạo vườn tạp, chương trình đưa các giống mới vào sản xuất nông nghiệp, chương trình xóa đói, giảm nghèo, chương trình ngói hóa nhà ở công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống lao động và bảo đảm cuộc sống và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần từng bước nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển và giữ vững quốc phòng an ninh.

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, anh Rơ Châm Han (dân tộc Giơ rai) ở Nông trường Hòa Bình chia sẻ, mình cùng anh em công nhân ở đây rất vui mừng, khi được lãnh đạo công ty cho phép ‘‘chuyển đổi thời gian cạo’’. Để có kết quả tốt, khi một ngày mới đến, vợ chồng mình sắp xếp thời gian từ đi cạo mủ cao su, về làm việc nhà, dọn vườn cà phê, đi thu mủ, nhập mủ, chăm sóc vườn cây…rồi ăn uống, chăm sóc con cái ăn học…Như vậy vẫn có thời gian cho trồng, chăm sóc, khai thác cao su mà vẫn còn thời gian chăm sóc con cái ăn học, phát triển vườn cây kinh tế gia đình. Có lương hàng tháng công ty trả, lại có thêm thu nhập từ kinh tế hộ gia đình, nên vợ chồng mình và bà con địa phương ở đây thu nhập cao hơn trước đây rất nhiều. Có tiền đầu tư cho sản xuất, cho con cái ăn học, mua sắm phương tiện sinh hoạt, gắn bó với thôn làng và với công ty hơn.

image-6487327-55-1695789954-1695800819.jpg
Trao nhà mái ấm Công đoàn cho hộ công nhân nghèo

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, hầu hết công nhân đồng bào dân tộc đều được nhận khoán vườn cây lâu dài, đối với vườn cây kiến thiết cơ bản từ 5 đến 7 ha/hộ và cao su khai thác là 3 ha/hộ. Từ đó đã tạo được công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, giảm áp lực căng thẳng về thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của đa số bà con đã ổn định, thu nhập bình quân năm 2017 là 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 24% so với năm 2016 và tiền thưởng bình quân 8 triệu đồng/người/năm; năm 2021 là 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 14,7% so với năm 2020 và tiền thưởng bình quân 11 triệu đồng/người/năm, đến năm 2022 thi thu nhập của công nhân đạt  8,5 đồng/người/tháng và tiền thưởng bình quân 11 triệu đồng/người/năm.

Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, Công ty hết sức chú trọng đến việc nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua (2017 - 2022), Công ty đã mở 38 lớp đào tạo thợ cạo mới và đào tạo lại tay nghề cho 2.582 công nhân khai thác và gia thuộc. Để đào tạo nguồn nhân lực, Công ty chọn các đối tượng là con em người đồng bào dân tộc gửi đi học các lớp Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên ngành được cấp 100% kinh phí đào tạo. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển của Công ty. Đồng thời Công ty đã chú trọng đến công tác chăm lo sức khỏe cho công nhân người đồng bào gia thuộc và nhân dân trên địa bàn, thường xuyên phát hiện và ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

image-6487327-49-1695789955-1695800848.jpg
Niềm vui của công nhân thu hoạch mủ cao su

Tiếp sức cho người dân phát triển

Từ những cố gắng của Công ty trong những năm qua, đến nay đời sống của công nhân đồng bào dân tộc đã dần ổn định và có trên 50% số hộ đã biết làm giàu từ kinh tế gia đình. Điển hình như Nông trường Cao su Ia Phú (huyện Ia Grai), Nông trường Cao su xã Gào (thành phố Pleiku), Nông trường Cao su Hà Tây (huyện Chư Păh) đời sống nhân dân hết sức khó khăn, phải thường xuyên cứu đói, giao thông không thuận tiện. Đến nay đã khởi sắc, nhà ở tranh tre giảm, đường xá được mở mang đến tận các làng, không còn hộ đói nghèo triền miên, trên 100% công nhân đồng bào dân tộc có xe máy đi làm, mua sắm được các vật dụng gia đình đắt tiền như ti vi, đầu máy, có hộ mua được phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất như xe công nông, máy bơm nước, máy gặt lúa cầm tay…Kết quả này đã minh chứng cho những chủ trương đúng đắn trong quá trình triển khai dự án cao su hết hợp với các chương trình kinh tế tổng hợp một cách linh hoạt, không máy móc rập khuôn, được nhân dân nói chung, bà con DTTS nói riêng hết sức ủng hộ, góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp và nông dân, nông thôn, miền núi một cách bền vững.

nhan-co-1695789956-1695800879.jpg
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh nhận cờ Thi đua

Vừa trở về sau buổi sáng cạo, thu và nhập mủ, chị Kha Thị Ỏn ở Nông trường Hà Tây xúc động: Mình vào làm công nhân được mấy năm rồi, nhưng chưa thành thạo lắm các công đoạn trong chu kỳ: trồng, chăm sóc, khai thác cao su… Năm nay nhờ công ty mở lớp bồi dưỡng thợ cạo, cán bộ Nông trường lại gần gủi động viên, hướng dẫn tận tình kỹ thuật trồng, chăm sóc, gần đây lại được anh Đại (dân tộc Ba Na) kèm cặp tôi cùng anh Đống (theo chủ trương một người giỏi kèm hai người kém) nên tôi và nhiều công nhân mới vào làm ở đây đã thành thạo hơn, nâng cao tay nghề. Trồng tốt, cạo đúng kỹ thuật, cây cao su sẽ cho mủ rất nhiều và lâu dài, thu nhập của bà con dân làng sẽ ngày một cao hơn. Ngày trước hai vợ chồng làm suốt ngày mà cuối năm chỉ thu về dăm tạ lúa, mấy bao mì, đến mùa giáp hạt là đói khổ. Nay cảnh đó không còn, một tháng thu nhập hai vợ chồng trên 15 triệu đồng, có tiền cuộc sống sẽ no ấm, hạnh phúc hơn. Nó hiện thực rồi, nhưng có lúc mình tưởng là mơ…Nói rồi chị Ỏn cười rất vui, rất hạnh phúc!

image-6487327-51-1695789953-1695800911.jpg
Công nhân dự thi bàn tay vàng đang thực hành cạo mủ trên thân cây

Với phương châm “Phát triển đồng hành cùng với người dân địa phương”, hàng năm Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đều trích khoản kinh phí nhất định làm công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà mái ấm Công đoàn, nhà đại đoàn kết, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và nhiều hoạt động mang tính xã hội, nhân đạo, từ thiện khác. Cùng với đó công ty cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi, hệ thống điện, cơ sở hạ tầng như: đường giao thông liên xã Ia Pếch - Ia Tô huyện Ia Grai; đường nhựa tại xã Ia Phí và xã Hà Tây Huyện Chư Păh; đường cấp phối xã Gào Thành phố Pleiku, xã Hà Tây và xã Ia Nhin Huyện Chư Păh, xã Ia Pếch - Huyện Ia Grai. Xây dựng các công trình dân sinh cho 10 xã thuộc huyện Chư Păh, Ia Grai, vùng ven thành phố Pleiku và tuyến biên giới như: hỗ trợ xây dựng 05 nhà rông văn hóa; hàng chục nhà mái ấm Công đoàn và nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết; 02 nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở xã Nghĩa Hưng và xã Ia Phí huyện Chư Păh; 10 giếng nước sinh hoạt tại xã Ia Phí huyện Chư Păh; 02 sân vận động tại xã Ia Phí huyện Chư Păh; 02 nhà sinh hoạt cộng động tại xã Ia Phí huyện Chư Păh và xã Gào thành phố Pleiku). Hỗ trợ 330.000 cây giống bời lời năng suất cao và 315 con bò lai cho các xã để phát triển kinh tế. Khai hoang 300 ha đất sản xuất cho địa phương, giao lại 200 ha cao su để địa phương cấp đất ở cho người dân và xây dựng công trình công cộng, nuôi dưỡng suốt đời 03 Mẹ Việt Nam anh hùng.

image-6487327-53-1695789955-1695800943.jpg
Niềm vui "bàn tay vàng" của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh

Bằng bàn tay, khối óc, công sức và những việc làm thiết thực, ý nghĩa của tập thể cán bộ, công nhân và người lao động, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đã biến một vùng đất nghèo, rộng lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai trở thành một vùng phát triển năng động; tạo ra những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân”; xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.

Lê Quang Hồi
Bạn đang đọc bài viết "Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh: Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần tự lực cùng với người lao động vượt khó đi lên" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.