Cộng đồng tự nguyện bảo tồn di sản

01/08/2015 08:42

Theo dõi trên

Bắt đầu hoạt động từ tháng 9/ 2014, trên mạng xã hội Facebook, chỉ chưa đầy một năm số lượng thành viên của nhóm Đình làng Việt đã lên tới gần 4 nghìn người đến từ mọi miền trên cả nước. Tuy còn khá non trẻ, nhưng bằng những hành động thiết thực, CLB giờ đây đã trở thành một điểm hẹn hữu ích dành cho những người yêu di sản.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình – người khởi xướng ý tưởng bảo tồn Đình làng Việt qua mạng xã hội chia sẻ: “Các thành viên trong nhóm có độ tuổi, ngành nghề, chuyên môn và ở các địa phương khác nhau, chính vì vậy tính cộng đồng rất cao. Sự nhiệt thành và tình yêu di sản đã nhanh chóng gắn kết mọi người”. Thông qua sự gắn kết trên mạng xã hội, tình yêu di sản đã nhanh chóng lan truyền, vượt ra khỏi phạm vi của nhóm. Từ câu chuyện về hình tượng rồng trong tâm thức người Việt, đến câu chuyện về các hình thức hát cửa đình, các làn điệu chèo… đã được các bạn chia sẻ cho nhau, rồi biến thành đam mê nghệ thuật.
 
 
Đình làng Việt

Không chỉ dừng lại ở những bàn thảo trên mạng xã hội, bằng những hoạt động điền dã như tổ chức tham quan di tích tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, thành viên của nhóm đã có cơ hội tiếp cận với di sản; có thời gian gặp gỡ, trao đổi thông tin. Đặc biệt là sự cảm nhận về không gian văn hóa của làng quê Bắc bộ, về không gian đình làng Việt. Cũng qua các chuyến đi, thành viên Đình làng Việt đã thu thập được nhiều tư liệu về đình làng để phục vụ công tác nghiên cứu và quảng bá.
 
 
Thành viên nhóm Đình làng Việt tác nghiệp trong một chuyến đi điền dã

Khi có thông tin về di tích mới được phát hiện, di tích đang xuống cấp, di tích bị trùng tu sai, một số thành viên nhanh chóng đi xuống địa phương nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn hoặc báo với các cơ quan quản lý chức năng xử lý. Trong đó phải kể đến việc phát hiện đình Cổ Chế xuống cấp, việc trùng tu sai ở đình Quang Húc, chùa Sổ, đình Tiên Canh, đình Vường, chùa Phúc Lâm… Tại các nơi đến, thành viên của nhóm đều có những xem xét góp ý với nhân dân địa phương trong việc bảo vệ di tích, tránh việc trùng tu, tôn tạo sai Luật di sản văn hóa, góp phần giúp người dân hiểu thêm về giá trị di tích của địa phương mình.  

Theo kế hoạch trong thời gian tới, nhóm sẽ  lập quỹ hỗ trợ công tác bảo vệ di sản mỹ thuật truyền thống, nhằm kịp thời giúp chống xuống cấp di tích; hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình đi điền dã, tìm hiểu về đình làng nói riêng, di sản văn hóa nói chung.Trong khuôn khổ hoạt động này, cùng với các hoạt động diễn xướng dân gian sẽ có 2 cuộc tọa đàm là Vai trò của truyền thông trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản (do KTS Lê Thành Vinh chủ trì), Đình làng Việt - những điều còn mất (Trần Hậu Yên Thế)

 

 
Nhóm Đình làng Việt trong một chuyến đi điền dã

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh như quan họ, ca trù, hát xoan…, nhưng ít người biết rằng chính đình làng là cái nôi nuôi dưỡng các hình thức diễn xướng đó trong suốt nhiều thế kỷ. Những đêm hội làng, với nghi lễ hát thờ trang nghiêm thành kính, và những sinh hoạt diễn xướng dân gian phong phú như chiếu chèo sân đình, hát ví, hát ống, … đều diễn ra ở không gian văn hóa đình làng. Hiện nay, mỗi năm nhà nước đã đầu lượng kinh phí không nhỏ để trùng tu tôn tạo di tích lịch sử- văn hóa. Nhưng do số lượng di tích đang xuống cấp quá lớn, kinh phí từ ngân sách không đáp ứng nổi. Thực tế, các nguồn lực xã hội hóa đều đang tập trung vào các công trình tâm linh lớn được nhiều người biết đến. Trong khí đó, đình làng chứa đựng rất nhiều giá trị về kiến trúc, điêu khắc, giá trị văn hóa, lịch sử của người Việt lại ít được quan tâm. Nhiều ngôi đình làng có giá trị đang bị bỏ quên, có nguy cơ biến mất. Đây cũng chính là nguyên nhân để nhóm Đình làng Việt hoàn toàn tự nguyện chung tay bảo tồn di sản truyền thống.

Từ ngày 7 đến 23/8, tại Hà Nội, các thành viên nhóm Đình làng Việt sẽ tổ chức triển lãm với chủ đề “Đình làng Việt – Những điều còn mất”. Triển lãm trưng bày khoảng 100 bức ảnh do các thành viên Đình làng Việt chụp tại các địa phương, chủ yếu là khu vực phía Bắc với hai chủ đề là Tinh hoa Đình làng Việt và Biến đổi của đình làng Việt. Trong khuôn khổ hoạt động này, cùng với các hoạt động diễn xướng dân gian sẽ có 2 cuộc tọa đàm là Vai trò của truyền thông trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản (do KTS Lê Thành Vinh chủ trì), Đình làng Việt - những điều còn mất (Trần Hậu Yên Thế)

Theo Hoàng Minh (Dân Sinh)

Bạn đang đọc bài viết " Cộng đồng tự nguyện bảo tồn di sản " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.