Công cuộc cải cách của vua Minh Mạng

03/10/2019 23:16

Theo dõi trên

Theo sách “Đại Nam thực lục” thì vua Minh Mạng là người rất chú ý tạo lập một nền cai trị kết hợp giữa lễ trị và pháp trị, rất chú trọng giữ gìn kỷ cương phép nước.

Minh Mạng (còn gọi là Minh Mệnh) sinh năm 1791, tên húy là Phúc Đảm, con trai thứ tư của vua Gia Long. Từ khi còn là Hoàng tử và đến năm 1816 được lập là Hoàng Thái tử (25 tuổi), ông luôn ý thức rõ vị trí và trách nhiệm lịch sử của mình. Năm 1820 được lên ngôi vua, trong 21 năm trị vì từ 1820 - 1841, ông đã thật sự tiến hành một công cuộc cải cách hành chính toàn diện từ Trung ương đến cơ sở. Vua Minh Mạng từng bộc lộ ý định trên trong một lời dụ: “Nhà nước đặt phép tắc, định chế độ mong để lâu dài, Trẩm tuân giữ phép cũ mà sửa sang thêm, chủ yếu cũng là theo thời xây dựng, chấn chỉnh mối giềng để đời sau noi theo...”
 

Minh Mạng cũng là người rất quan tâm đến việc tạo lập thói quen sống, làm việc tuân theo pháp luật đối với toàn xã hội. Với ông mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, từ hoàng thân quốc thích tới binh lính, thứ dân. Ông cách chức Đề đốc kinh thành Huế chỉ vì bắn nhầm làm bị thương một người lính. Ông xử rất nặng tội lỗi của quan lại, ngay cả với những người thân cận, đặc biệt với tội tham nhũng, đòi ăn hối lộ và biển thủ công quỹ. Áp dụng nguyên tắc “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người, để những người khác sợ mà tránh). Minh Mạng xét tội tử hình với những quan lại đong thóc cho dân kém vài hộc hoặc đòi ăn tiền làm khó dân.
 
Minh Mạng cũng rất quan tâm phòng chống triệt để các tệ nạn xã hội như đánh bạc, mại dâm, trộm cắp, cướp giật, hút và buôn bán thuốc phiện. Các quan lại, quân dân ai hút, buôn bán thuốc phiện tang vật từ một cân (0,4 kg) trở xuống phạt 100 trượng, phát lưu 3.000 dặm. Tang vật từ một cân trở lên xử giảo giám hậu, tịch thu gia sản. Cha anh biết không ngăn cấm con em, hàng xóm biết không báo đều phạt 100 trượng. Thuyền ngoại quốc đến đậu tại cửa biển nếu chứa thuốc phiện mà không nộp cũng bị xử nặng.
 
Là người đứng đầu triều đình, Minh Mạng luôn làm gương trong việc tuân thủ pháp luật, ông từng nói "Ta từ khi lên ngôi đến nay, dùng người làm việc, giữ một mực công bằng, dẫu có kể tôi con thân tín từ trước cũng chỉ dùng theo tài năng chứ không tư vị người nào. Kẻ nào có tội cũng theo pháp luật trừng trị, chứ không tư vị bao giờ”.
 
Theo Văn hóa & Đời sống

Bạn đang đọc bài viết "Công cuộc cải cách của vua Minh Mạng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.