Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sách Cao Biền di cảo và Chí Linh phong vật chí chép rằng: Côn Sơn, Kiếp Bạc mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình kỳ dạng, long bàn, hổ cứ, như muôn quân nghìn tướng chầu về… ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời… Khu di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân liền kề; Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn - Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa (phía tây bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc với sông núi thị xã Chí Linh.
Với giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận “Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt”.
Kiếp Bạc - Nơi ghi dấu chiến công lừng lẫy
Vạn Kiếp hay Kiếp Bạc là địa danh có từ thời Trần, nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, nơi có đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đây vốn là phòng tuyến quân sự được Trần Hưng Đạo xây dựng vào thế kỷ XIII để bảo vệ kinh thành Thăng Long. Trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thì 2 lần có các trận đánh quan trọng diễn ra tại nơi này.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: Tháng Chạp năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên - Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành vào cướp nước ta. Quân ta do Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy thấy giao chiến bất lợi, lui về đóng ở bến Vạn Kiếp. Các con trai của Hưng Đạo Đại Vương là Hưng Vũ Vương Nghiễn, Hưng Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất 20 vạn quân đến hội quân ở đền Kiếp Bạc để chống quân Nguyên. Đến tháng 5/1285, quân nhà Trần bắt đầu phản công. Tại Vạn Kiếp, Hưng Đạo Đại Vương giao chiến ác liệt với quân của Thoát Hoan. Quân Nguyên bị thua. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn về nước.
Lần thứ 2, vào tháng 2/1288, Thoát Hoan cùng Ô Mã Nhi hợp 30 vạn quân đánh vào Vạn Kiếp. Chiếm được Vạn Kiếp, quân Nguyên thuận dòng xuôi về phía đông hòng tiêu diệt triều đình nhà Trần. Sau trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, quân Nguyên rút chạy về nước. Trên đường qua Vạn Kiếp đến biên giới chúng bị quân ta tập kích, thiệt hại vô kể.
Côn Sơn lưu dấu cuộc đời thanh bạch của Nguyễn Trãi
Năm 1385, Trần Nguyên Đán mang theo cháu ngoại là Nguyễn Trãi, khi ấy mới 5 tuổi về sống ẩn dật ở Côn Sơn. Tại đây, Trần Nguyên Đán trồng rừng thông, bãi rễ và xây dựng quần thể kiến trúc trong núi, được vua Trần Duệ Tông ngự bút đề là “Thanh Hư động” nghĩa là thanh trong và thoát tục.
Năm 1390, ông ngoại mất, Nguyễn Trãi lại theo cha về Nhị Khê ở và được cha dạy học. Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ tiến sĩ trong khoa thi Hội đầu tiên của triều Hồ. Sau đó, hai cha con cùng tham gia chính quyền nhà Hồ. Năm 1407, quân Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ thất bại, cha Nguyễn Trãi bị giặc Minh bắt. Chuyện xưa kể rằng Nguyễn Trãi theo cha đến cửa ải, tỏ ý muốn đi cùng nhưng Nguyễn Phi Khanh không đồng ý, khuyên ông quay về lo cứu nước, báo thù nhà.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, trong thời gian từ năm 1407 (khi nhà Hồ sụp đổ) đến trước khi gia nhập khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã từng ở Côn Sơn... Trong quãng thời gian hơn 10 năm phiêu bạt này, ông đã viết “Bình Ngô sách”, hiến kế chống quân Minh và dâng Lê Lợi. Từ đó, Nguyễn Trãi sát cánh cùng Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh giặc Minh.
Sau sự cố về lễ nhạc với Lương Đăng, năm 1437, Nguyễn Trãi thoái triều về Côn Sơn ở ẩn. Năm 1439, vua Lê Thái Tông vời Nguyễn Trãi trở lại triều, phục hồi chức cũ, đồng thời ban cho ông “kiêm Trung thư sảnh và coi việc quân dân 2 đạo Đông - Bắc”. Nguyễn Trãi làm bài biểu tạ, hết lòng với trọng trách, nhưng vẫn ở Côn Sơn, khi có việc mới về triều.
Năm 1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt võ ở Chí Linh, vào Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, khi về chẳng may đột tử ở Lệ Chi viên (Bắc Ninh). Nhân việc này, bọn gian thần khép Nguyễn Trãi vào tội “sai vợ là Nguyễn Thị Lộ hại vua” và Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc.
22 năm sau, vua Lê Thánh Tông minh oan cho ông và ca ngợi ông bằng câu thơ bất hủ: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Tấm lòng của Ức Trai sáng như sao Khuê).
Nguyễn Trãi không chỉ là nhà tư tưởng, nhà chính trị, quân sự, ngoại giao thiên tài, mà còn là nhà văn hoá lớn. Ông đã để lại cho dân tộc nhiều thành tựu trên các lĩnh vực khoa học, văn học, địa lý, lịch sử, quân sự... với những tác phẩm tiêu biểu như: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Dư địa chí, Quốc âm thi tập, Văn bia Vĩnh Lăng... Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, UNESCO vinh danh ông là Danh nhân Văn hoá thế giới.
Vùng đất di sản
Những di sản văn hoá của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn lưu giữ đến ngày nay đều in đậm dấu ấn lịch sử và trở thành tài sản quý báu của dân tộc.
Một trong những điểm nhấn ở Côn Sơn là ngôi chùa Côn Sơn cổ kính nằm dưới chân núi, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII. Chùa Côn Sơn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị. Tiêu biểu là 16 tấm văn bia quý nói về quy mô, những giai đoạn trùng tu chùa và 3 pho tượng tam thế có phong cách vào giữa thế kỷ XVII hiếm gặp ở chùa khác, bên cạnh đó là một bức tượng Phật A Di Đà cao trên 3m. Nơi đây còn có ngọn Đăng Minh Bảo Tháp, nơi cất giữ xá lị của Đệ tam tổ Trúc Lâm thiền phái Huyền Quang. Ngoài ra, Côn Sơn còn có giếng Ngọc, Bàn cờ tiên, Thanh Hư động…
Nếu Côn Sơn còn là chốn thiên nhiên kỳ thú thì Kiếp Bạc lại thu hút du khách với vùng bình địa, chốn sông nước mênh mang. Nơi đây có đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tựa lưng vào núi Trán Rồng hướng ra sông Thương. Ngôi đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV. Trong đền còn lưu giữ bộ ấn thiêng của Đức Thánh Trần.
Kiếp Bạc còn là nơi hội tụ của 6 con sông (Lục Đầu giang), đó là sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Đây cũng là nơi Đức Thánh Trần hóa thân vào sông núi.
Cùng với sự giàu có về các giá trị văn hóa vật thể, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn hội tụ các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thông qua lễ hội và các nghi lễ.
Theo lệ cổ, vào ngày mất của Đức Thánh Trần (20 tháng 8 âm lịch) và ngày viên tịch của Thiền sư Huyền Quang (22 tháng Giêng âm lịch), triều đình đều cử các quan đại thần về tế, lễ cầu quốc thái dân an. Nhân dân bốn phương về trẩy hội và cung bái. Nhiều hình thái văn hóa phi vật thể đặc sắc và hấp dẫn được bảo lưu như tế, rước bộ, hội quân, lễ mộc dục, lễ cầu an...
Các tiêu chí đề cử Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành di tích quốc gia đặc biệt
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc hàm chứa nhiều mặt giá trị tiêu biểu của một di tích quốc gia đặc biệt, đáp ứng được những tiêu chí quy định trong Luật Di sản văn hoá và Nghị định 92.
Thứ nhất: Côn Sơn là mảnh đất gắn liền với những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1418 - 1427) và sự nghiệp xây dựng đất nước giai đoạn (1428 - 1442). Mặt khác, khu di tích Côn Sơn lại là nơi từng gắn bó và được chứng kiến những hoạt động của Nguyễn Trãi gần một nửa thời gian trong nhiều giai đoạn của cuộc đời ông.
Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang, cách Côn Sơn chừng 5 cây số. Đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long. Nơi đây trời bày, đất dựng, vị trí đắc địa về phong thủy, hình thế hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng. Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất năm (1258), Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo đã chọn Kiếp Bạc lập đại bản doanh; xây dựng phòng tuyến quân sự vùng đông bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng ra biển Đông… trong đó căn cứ địa Vạn Kiếp làm trung tâm chỉ huy. Đây là trận đồ “thủy bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống quân xâm lược Nguyên Mông. Tháng 6 năm 1285, tại đây Hưng Đạo Vương đã tập hợp 20 vạn quân, hơn 1000 thuyền chiến đánh trận Vạn Kiếp, tiêu diệt 20 vạn quân Nguyên Mông, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ hai một cách nhanh gọn. Tháng 3 năm 1288, từ căn cứ Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương cùng vua Trần Nhân Tông tổ chức phản công đánh trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng, tiêu diệt 30 vạn quân giặc, kết thúc thắng lợi 3 lần kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông vĩ đại của dân tộc.
Đất nước thanh bình, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Tại đây, Đại Vương đã viết “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, đúc kết những kinh nghiệm, những bí quyết đánh giặc giữ nước của một đời cầm quân truyền lại cho hậu thế.
Thứ hai: Dù bị chiến tranh tàn phá, Kiếp Bạc vẫn giữ được một ngôi đền có kiến trúc thời Nguyễn khá “đồng bộ” với những pho tượng đồng quý báu. Côn Sơn còn dấu ấn của một ngôi chùa cổ cùng hệ thống tượng Phật và bi ký có giá trị đặc biệt.
Thứ ba: Về khảo cổ học, Kiếp Bạc tiềm ẩn những di tích thời Đông Sơn, những dấu vết văn hoá của thiên niên kỷ I, đặc biệt là những di tích kiến trúc độc đáo và hoành tráng liên quan trực tiếp đến Trần Hưng Đạo; những lò gốm cổ trong thái ấp của Quốc công, là nơi khởi nguồn của dòng gốm sứ ở những thế kỷ sau của xứ Đông. Côn Sơn đã khai quật được ngôi tháp đất nung tiêu biểu, ngói tráng men có hoa văn, dấu vết Thanh Hư động và kiến trúc ngôi chùa do Pháp Loa chủ trì dựng năm 1329.
Thứ tư: Kiếp Bạc núi non trùng điệp, sông nước bao la, vừa là vị trí quân sự trọng yếu, vừa mang cảnh sơn thuỷ hữu tình, rất phù hợp cho truyền thống trẩy hội bằng thuyền. Côn Sơn mang dáng vẻ u tịch của chốn thiền lâm, phù hợp với đạo Phật và những con người từng trải sóng gió cuộc đời về đây di dưỡng tinh thần, lấy lại sự cân bằng cho cuộc sống.
Hàng năm, Côn Sơn - Kiếp Bạc có hai kỳ lễ hội truyền thống là lễ hội mùa xuân, kỷ niệm ngày viên tịch (23 tháng Giêng năm 1334) của thiền sư Huyền Quang tôn giả - vị tổ thứ ba của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm ở thế kỷ XIV. Lễ hội mùa thu, kỷ niệm ngày mất của hai vị anh hùng dân tộc là đức Thánh Trần Hưng Đạo (ngày 20 tháng 8 Âm lịch) và danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi (ngày 16 tháng 8 Âm lịch). Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành tập tục văn hoá không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cộng đồng.