Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer
Những năm gần đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer bị ảnh hưởng bởi sự phát triển nhanh chóng của các loại hình di sản văn hóa hiện đại hội nhập. Thế nhưng, Sóc Trăng đã biết dung hòa giữa di sản văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, vừa để phục vụ nhu cầu xã hội, vừa đáp ứng các lễ nghi truyền thống của đồng bào Khmer, góp phần phục hồi, duy trì và phát triển. Chính vì vậy, trong năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng phối hợp với UBND xã Phú Tân (huyện Châu Thành) tổ chức công bố quyết định thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ và mở các lớp truyền dạy nghệ thuật múa Rom vong, trình diễn trang phục truyền thống và nghề quết cốm dẹp của đồng bào Khmer.
Đồng chí Sơn Pô - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: “Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa truyền thống, tránh nguy cơ mai một, cần thiết phải có nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, trong đó, mở lớp truyền dạy lại là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả và cấp thiết nhất. Các lớp truyền dạy các loại hình di sản văn hóa truyền thống của người Khmer trên địa bàn tỉnh nói chung và xã Phú Tân, huyện Châu Thành nói riêng nhằm đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp cho các học viên hiểu thêm kiến thức cơ bản, hiểu biết hơn về loại hình di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer. Đặc biệt là thông qua công tác truyền dạy nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, gắn với phát triển du lịch, tạo cơ hội việc làm ổn định cho người dân địa phương”.
Dự án 6, không chỉ dừng lại ở việc “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng các điểm du lịch văn hóa Khmer, kết hợp các làng nghề truyền thống, như: đan đát, quết cốm dẹp, nghệ thuật trình diễn nhạc cụ ngũ âm... Các sản phẩm này không chỉ phục vụ nhu cầu du lịch mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Là thành viên câu lạc bộ nghệ thuật múa Rom vong xã Phú Tân, em Cao Thị Yên phấn khởi chia sẻ: “Được theo học và tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ, em cảm thấy rất vui. Hồi nhỏ, em đã có niềm đam mê môn nghệ thuật múa này vì thấy các anh, chị trong xóm múa hát vào các dịp lễ hội. Đến khi lớn lên, bất cứ đi đám tiệc hay dự lễ hội tại chùa Khmer, em cũng đều tham gia giao lưu văn nghệ với các điệu múa truyền thống để góp vui”.
Gắn kết văn hóa với phát triển du lịch
Dự án 6 cũng định hướng phát triển du lịch văn hóa, biến các giá trị truyền thống thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đồng chí Dương Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết: “Được sự chỉ đạo và thống nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và UBND huyện Châu Thành, UBND xã đã thành lập các câu lạc bộ như: múa Rom vong, giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc Khmer và giới thiệu nghề truyền thống quết cốm dẹp, với hơn 30 thành viên tham gia sinh hoạt. Các câu lạc bộ ra đời nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục của địa phương. Đây là niềm vui, phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân trong xã, các câu lạc đã thể hiện sự phát triển của kinh tế - xã hội và sự chăm lo về đời sống vật chất cũng như tinh thần của Nhà nước đối với người dân nói chung và xã Phú Tân nói riêng”.
Hiện nay, Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, có 5 di sản là của đồng bào Khmer, gồm: Lễ hội đua ghe Ngo, nghệ thuật trình diễn sân khấu dù kê, nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom vong, nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm và nghệ thuật sân khấu Rô băm. Đặc biệt, nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam, quy tụ 20 dàn ngũ âm với khoảng 200 diễn viên, nhạc công tham gia trình diễn.
Đồng chí Sơn Pô - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có nhiều loại hình di sản truyền thống của dân tộc Khmer được bảo tồn và phục vụ tốt các nghi thức trong ngày lễ, Tết cổ truyền và phục vụ phát triển du lịch ở địa phương. Trong đó, Dự án 6 đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer. Với các chính sách đúng đắn và sự chung tay của cộng đồng, văn hóa Khmer không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Với sự quan tâm đầu tư và định hướng chiến lược, Dự án 6 được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đồng thời, phát triển du lịch gắn với văn hóa sẽ góp phần nâng cao đời sống của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.