Cổ vật triều Nguyễn (Kỳ 1): Tinh hoa trăm năm

29/09/2014 20:54

Theo dõi trên

Thuở vàng son của chốn cung cấm đã để lại cho cố đô Huế nhiều cổ vật độc đáo và quý hiếm.



Chiếc ấn Bảo Đại

Kim bảo, ngọc tỷ 
 
Kim bảo, ngọc tỷ là ấn của nhà vua, là biểu tượng quyền lực tuyệt đối của người đứng đầu đất nước của chế độ quân chủ phong kiến triều Nguyễn (gồm chúa và vua Nguyễn). Do đó, chúng không chỉ được làm bằng những chất liệu quý hiếm nhất (bằng ngọc, đúc vàng, bạc hay bạc mạ vàng...) mà còn là sự kết tinh trí tuệ, tài hoa của những người thợ tài hoa nhất nước. Đây được xem là những cổ vật quý báu hàng đầu của Huế.

Nhiều nhà nghiên cứu về cổ vật đang công tác ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho biết, trong 13 vị vua triều Nguyễn, có ba đời là vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Duy Tân không có kim bảo, ngọc tỷ riêng. Riêng thời Minh Mạng, Thiệu Trị có nhiều kim bảo, ngọc tỷ nhất (15 chiếc). Tiếp đó là triều vua Gia Long, Khải Định có 12 chiếc. Đặc biệt, thời các chúa có hai chiếc, đều đúc vào năm 1709 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Theo các tài liệu lịch sử, trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn báu; thường đúc bằng vàng bạc thì gọi là kim bảo, chế tác từ ngọc quý thì gọi là ngọc tỷ.
 
Tất cả kim bảo, ngọc tỷ đều có hai phần là thân ấn và quai ấn. Trong các triều vua đầu, thân ấn có khối vuông. Từ thời Minh Mạng bắt đầu có ấn hình tròn. Đặc biệt, từ thời Đồng Khánh, thân ấn có thêm hai hình là bát giác và elip. Hai ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu, quai đều có hình kỳ lân. Tất cả ấn của vua đều có quai là hình rồng, hoặc biến thể của rồng nên thể hiện khá rõ sự thay đổi về phong cách của hình tượng linh vật này. Ngoài ra, quai ấn của thái tử có hình kỳ lân, của thái hậu có hình qui…
 
Mỗi kim bảo, ngọc tỷ đều có chức năng riêng. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, quý nhất là chiếc Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo được dùng như báu vật lưu truyền từ đời vua này sang đời vua khác. Hai chiếc phong tặng chi bảo và sắc mệnh chi bảo dùng đóng các bản sắc, cáo phong tặng quan lại văn võ, thần kỳ trong nước. Chiếc khâm văn chi tỷ chỉ đóng trên các văn kiện về văn hóa như cầu hiền, mở khoa thi… Chiếc hoàng đế chi bảo chỉ đóng trên các văn kiện đối nội, đối ngoại. Chiếc trị lịch minh thời chỉ dùng đóng trên các bản lịch. Một số ngọc, ngọc tỷ khác các vua dùng để đóng lên các tác phẩm thi hứng, tranh họa của chính mình sáng tác.
 
Ở Việt Nam hiện còn lưu giữ 93 kim bảo, ngọc tỷ; trong đó, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có 8 chiếc và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có 85 chiếc. Mặc dù nước ta trải qua nhiều triều đại phong kiến, nhưng tất cả kim bảo, ngọc tỷ còn giữ lại được đều là của triều Nguyễn.
 
Trang phục vua chúa triều Nguyễn
 
Hiện nay, trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn khá đầy đủ các trang phục của vua chúa triều Nguyễn. Trang phục của các bậc vua chúa nhà Nguyễn cũng có nhiều loại và mỗi loại lại có tên gọi riêng, màu sắc riêng và chỉ mặc trong những dịp cụ thể. Các thứ ấy có thể phân thành các nhóm: trang phục thiết đại triều, trang phục thiết thường triều, trang phục nghi lễ và thường phục. Mỗi nhóm bao gồm: áo, mũ, đai, quần, hốt, giày ủng, hia hài... được may theo cách thức riêng, có tên gọi riêng và có màu sắc hoa văn khác nhau.

Ngoài ra, trong số các nhà sưu tập, có lẽ Nguyễn Hữu Hoàng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) là người duy nhất sưu tầm được bộ trang phục cung đình triều Nguyễn lên đến trên 40 chiếc, gồm: áo vua, áo hoàng hậu, áo hoàng tử, áo công chúa, áo cung nữ, áo quan đại triều, áo quan thượng triều… Bộ sưu tập này đã làm ngỡ ngàng tất cả những người quan tâm, nhất là giới sưu tầm cổ vật khi trình làng trong dịp Festival Huế 2012. Trong đó, giá trị nhất là chiếc hoàng bào, áo vua mặc trong các dịp thường triều, thêu viên long (rồng cuộn tròn) bằng tơ vàng. Những người tận mắt chứng kiến hoàng bào đều không khỏi trầm trồ trước hoa văn, họa tiết tinh xảo trên áo.
 
“Mười năm trước, nghe tin một ông cụ ở Hướng Hóa - Quảng Trị sở hữu chiếc áo của quan triều Nguyễn, tôi lập tức phóng xe máy đi ngay trong đêm để mong thấy được hiện vật mà mình đang khao khát. Vừa tiếp cận và cầm áo trên tay, tôi toát cả mồ hôi, không tin vào mắt mình bởi đây là chiếc hoàng bào rất đẹp, không ngờ mình lại có cơ duyên được gặp. Chiếc hoàng bào của vua Nguyễn với 20 hình rồng 5 móng được thêu nổi phía trước và sau, trên cánh tay và cổ. Hoàng bào đã phai màu và có một số chỗ đã rạn chỉ nhưng tôi không hề nghi ngờ rằng đó là chiếc áo quý mà có nằm mơ cũng không nghĩ mình có thể gặp được. Ông cụ cho biết luôn cất giữ hoàng bào cẩn thận, mỗi năm chỉ đem ra thắp hương một lần. Ai hỏi mua, cụ cũng dứt khoát không chịu bán dù không ít người đã trả giá cao ngất ngưởng. Phải mất thời gian vận động, thuyết phục khá lâu ông cụ mới chịu bán cho tôi” – anh Hoàng kể lại.
 
Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn
 
Với hơn 3.700 hiện vật, bộ sưu tập gốm sứ của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tương đối phong phú về thể loại và đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ đồ gốm sứ còn được bảo tồn tại Việt Nam. Trong đó, những đồ sứ men trắng vẽ lam do các triều vua chúa Việt Nam thời Lê, Trịnh và thời Nguyễn đặt mua từ các lò sứ Trung Quốc, (hay còn gọi là Đồ sứ ký kiểu) hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng này.

Về đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện là nơi đứng đầu Việt Nam về số lượng hiện vật tàng trữ. Những đồ sứ tại đây có ghi niên hiệu các vua nhà Nguyễn hoặc các năm đi sứ, lên đáy hiện vật, cũng như có lấy một số phong cảnh và địa danh Việt Nam làm đề tài trang trí. Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn đa dạng về tất cả các loại hình: đồ trang trí, đồ sinh hoạt; đồ nghi lễ; tế tự; cũng như phong phú đối tượng sử dụng: ngự dụng, quan dụng, dân dụng. Đặc biệt nhóm đồ sứ trang trí có rất nhiều hiện vật thuộc loại lớn như đôn, chậu, thống… vốn là vật trang trí ở các sân chầu, cung điện. Các món đồ ngự dụng đề rõ niên hiệu các vua Nguyễn như Minh Mạng niên chế, Thiệu Trị niên tạo…với các mô típ trang trí đặc trưng cho sự quyền quý, cho ngôi vị đế vương như tứ linh, bát bửu.
 
Nguồn đồ sứ ký kiểu tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có nguồn gốc trực tiếp từ cung đình Huế, đặt biệt là do di chuyển, tiếp nhận từ các lăng tẩm, cung điện nên phong phú về chủng loại, nhất là các hiện vật có kích thước lớn. Trong đó, có rất nhiều hiện vật độc đáo và quý hiếm, như: chiếc đầu hồ bằng sứ vẽ rồng năm móng mang những đặc trưng rất Huế, hay bộ đĩa ba cái trang trí các đồ án phượng hoàng, ngư tảo có hiệu đề: Tự Đức Mậu Thìn Trung thu Đặng Quý từ đường… do Đặng Huy Trứ mang về năm 1868. Đặc biệt, có những hiện vật như loại tô vẽ phong cảnh ngã ba Bằng Lãng (trước lăng Minh Mạng) có đề bài thơ chữ Nôm “Một thức nước in trời”…, đáy có chữ Nhật vốn được coi là quý hiếm...

Theo Báo Du Lịch

Bạn đang đọc bài viết "Cổ vật triều Nguyễn (Kỳ 1): Tinh hoa trăm năm" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.