Có một nơi giữ “lửa” bài chòi

19/07/2018 15:46

Theo dõi trên

Khi bài chòi được UNESCO vinh danh, trong vô vàn người mừng vui, có một người được nhiều người khác nhắc đến với sự trân trọng, đó là ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty TNHH TM SX XNK Anh Nhật, chủ nhà hàng Anh Nhật Gia Viên - người mến mộ, đam mê mà có những việc làm thiết thực góp phần giữ “lửa” bài chòi.

 
Thực khách tham gia hội đánh bài chòi ở nhà hàng Anh Nhật Gia Viên.

Ở TP Quy Nhơn, từ năm 2012, Hội đánh bài chòi phục vụ du khách được tổ chức định kỳ góp phần quảng bá, bảo tồn di sản bài chòi, song song đó là những cuộc thi, liên hoan bài chòi cổ được tổ chức thường xuyên. Dịp Tết Nguyên đán 2018, Avani Quy Nhơn Resort & Spa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) cũng đưa bài chòi vào phục vụ du khách. Nhưng nơi đáng được ghi công đầu phải kể đến là nhà hàng Anh Nhật Gia Viên (1087 Trần Hưng Đạo) với tư cách là địa chỉ tổ chức phục dựng hội hô hát bài chòi đầu tiên ở tỉnh ta.

Vốn đã sẵn lòng mến mộ bài chòi, một lần ra Hội An, thấy xứ Quảng rộn rã hô hát bài chòi, một người xứ Nẫu gốc như ông Nguyễn Văn Sinh bỗng chạnh lòng. Trong ông bỗng nhen lên ý tưởng khôi phục hội đánh bài chòi, ít nhất là trong nhà hàng của gia đình. Nghĩ là làm, ông về mời ông Đinh Văn Nhân, nhạc công của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định cùng tìm hiểu chi tiết về bài chòi cổ, nghiên cứu từng lá bài cái, lá bài con, cách chơi… qua tư liệu của NSƯT Phan Ngạn. Sau đó, ông mời các diễn viên trẻ của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định như Thanh Hải, Thùy Dung, Hồng Diễm cùng ra Hội An tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức, trình diễn.

Ông Nguyễn Văn Sinh kể: “Tôi xác định, tổ chức hô hát bài chòi dân gian ở Anh Nhật Gia Viên là vừa để khôi phục một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống đậm chất Bình Định, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch để quảng bá, giới thiệu văn hóa quê hương với du khách. Ngay từ ngày đó, tôi đã nói với nhiều anh em, cộng sự rằng, một ngày không xa, bài chòi sẽ được vinh danh!”.

Ngày 15.7.2008, hội đánh bài chòi tại Anh Nhật Gia Viên chính thức ra mắt, đây là nhà hàng đầu tiên tại Quy Nhơn tổ chức trò chơi dân gian này. Nhà hàng Anh Nhật Gia Viên có khả năng đón 200 thực khách, đêm ấy nhà hàng không còn một chỗ trống. Bà Dư Xuân Loan, vợ ông Sinh, cho biết: “Các diễn viên khi đó vừa trẻ, xinh đẹp lại có giọng hô bài chòi ngọt ngào nên tiếng lành đồn xa, thực khách thích lắm, đặc biệt là du khách phương xa, khi thắng hội được uống ly rượu Bàu Đá, đặc sản Bình Định, do các thiếu nữ bưng đến mời tận bàn, ai cũng hào hứng!”.

Theo ông Sinh, chi phí tổ chức hô hát bài chòi tại nhà hàng khá cao. Ngoài “cát xê” cho diễn viên, các chi phí đầu tư cho dụng cụ, luyện tập, tiền thưởng cho khán giả… đều do nhà hàng lo liệu. Thường thì thu không đủ chi, ông phải bù lỗ. “Nhưng mình đã xác định ngay từ đầu rồi, đó là do mình hâm mộ và cũng là chút tình với nghệ thuật dân gian, với quê nhà, nên không nề hà suy tính gì”, ông bộc bạch.

Nhờ nhiệt tình và uy tín, năm 2012, sau khi Giải thưởng Vũ Ngọc Liễn khuyến tài hát bội, bài chòi Bình Định ra đời, nhà hàng Anh Nhật Gia Viên được chọn là nơi ra mắt của CLB Nghệ thuật của giải thưởng Vũ Ngọc Liễn.

Từ khi ra mắt, bài chòi ở Anh Nhật Gia Viên được tổ chức mỗi tuần 1 lần, sau đó tổ chức vào ngày mùng 1 và 14 âm lịch mỗi tháng, đến năm 2009, vì yêu cầu của thực khách nên nhà hàng tổ chức vào đêm thứ 7 đầu tiên của mỗi tháng. Đến nay dầu không còn tổ chức đều đặn nhưng Anh Nhật Gia Viên vẫn tổ chức hô hát bài chòi khi du khách yêu cầu.

NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, nhận xét: “Tôi được biết anh Nguyễn Văn Sinh và những việc làm của anh ấy đối với hội đánh bài chòi. Với những người có cái tâm với văn hóa nghệ thuật dân tộc như anh Sinh, rất đáng quý. Muốn giữ gìn, phát triển văn hóa truyền thống, tôi nghĩ Nhà nước nên đầu tư cả về vật chất và tinh thần để động viên những người giàu tấm lòng, nhiệt huyết như anh Sinh”.


Thảo Khuy
Theo Báo Bình Định

Bạn đang đọc bài viết "Có một nơi giữ “lửa” bài chòi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.