Cô bé “giữ lửa” đờn ca tài tử

27/04/2015 09:49

Theo dõi trên

Xuất thân trong gia đình thuần nông, không ai theo nghiệp ca hát nhưng em Lâm Thị Huỳnh Như, học sinh lớp 8 - Trường THCS Long An (TX. Tân Châu, An Giang) đã sớm bộc lộ năng khiếu bằng chất giọng thiên phú khi mới 7 tuổi. Giờ đây, ngoài những buổi học trên lớp, Huỳnh Như thường xuyên tham gia ca hát trong các hội thi, liên hoan, văn nghệ, cưới hỏi… Em là một trong những gương mặt trẻ đam mê bộ môn đờn ca tài tử ở quê lụa Tân Châu.

Cái tên Huỳnh Như đã không còn xa lạ với cư dân mạng và đặc biệt là những người yêu cổ nhạc. Họ mến mộ, đặt cho em là “hiện tượng cổ nhạc” Việt Nam. Những ca khúc nổi tiếng đã từng quen thuộc với nhiều người yêu vọng cổ như: “Điệu buồn phương Nam”, “Vườn tiêu quê mẹ”, “Quê lụa Tân Châu”… nay được Huỳnh Như làm mới lại bằng giọng ca trong trẻo, ngọt ngào.

Theo anh Lâm Văn Bửu (cha của Huỳnh Như), trước đây gia đình, dòng họ không ai theo nghiệp ca hát nhưng rất thích nghe nhạc, đặc biệt là những bài vọng cổ mượt mà, sâu lắng. “Mới vào lớp 1, Huỳnh Như xem các chương trình ca nhạc trên tivi rồi tập hát theo. Như có khiếu, bé hát đúng điệu lắm. Con bé dạn dĩ, khi có đám tiệc cứ xung phong lên hát góp vui” - anh Bửu nhớ lại.

Thế rồi, trong buổi hát góp vui ở đám cưới gần nhà, anh thợ đàn Trần Ngọc Đệ nghe thấy thích nên nhận Huỳnh Như làm con nuôi và dạy em thêm chút ngón nghề, khi ấy Huỳnh Như mới 7 tuổi. “Lúc đó con chỉ học thuộc lời rồi hát theo. Về sau, khi hai cha con đi hát cùng nhau, ba Đệ chỉ con cách lấy hơi, nắn nót, nhả văn…” - Huỳnh Như thuật lại.

Anh Trần Ngọc Đệ là người có “máu văn nghệ” từ nhỏ. Ngón đàn đã trở thành sinh kế của gia đình anh gần 20 năm nay. Anh bảo rằng, Huỳnh Như có chất giọng ngọt ngào, lại sáng dạ nên khi dạy cách lấy hơi, lấy nhịp khoảng 1 – 2 tháng là đã hát được những bài hơi dài, dần dà mới hát điệu lý, điệu tuồng. Không những chỉ dạy những ngón nghề, anh Đệ còn dẫn Huỳnh Như xuống tận Bạc Liêu – cái nôi của đờn ca tài tử, để giao lưu, học hỏi.

Tại đây, Như được gặp gỡ nghệ sĩ Thanh Tuấn, nghệ sĩ Cẩm Tiên và những nghệ sĩ lớn khác. Thấy bé có tiềm năng, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu cũng có ý muốn bé học diễn xuất nhưng vì xa quá (từ An Giang tới Bạc Liêu hơn trăm cây số) và không thể học văn hóa, nên gia đình từ chối không cho Như tham gia.

Hiện tại, Huỳnh Như vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn ở Câu lạc bộ Đờn ca tài tử địa phương. Dù thích ca hát nhưng Huỳnh Như vẫn học khá và là một “cây văn nghệ” của lớp, của trường… Em chia sẻ, mình đang dồn sức cho việc học, để có kết quả tốt nhất. Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ đăng ký vào trường nghệ thuật để được đào tạo bài bản. “Bây giờ gia đình chỉ muốn cho con học phổ thông trước. Sau khi xong lớp 12, gia đình hướng Huỳnh Như theo nguyện vọng sở thích để em có thể phát huy khả năng của mình” - anh Bửu nói.

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật độc đáo, có sức sống mãnh liệt. Những giai điệu Phụng hoàng, Tây thi, Nam ai, Nam xuân, Xuân tình, vọng cổ… đã trở nên quen thuộc với nhiều người từ cao tuổi cho đến lớp thanh niên, trong đó có những người còn rất trẻ như Huỳnh Như. Và em đang là lớp kế thừa quan trọng, góp phần làm cho bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử được trường tồn.

Huỳnh Như đã từng có ra album nhạc tân cổ “Hát với quê hương” kết hợp cùng Đài Truyền hình Bạc Liêu; tham gia giao lưu chương trình Ấn tượng học sinh, sinh viên; tham dự cuộc thi Tìm kiếm tài năng; chương trình Người bí ẩn… chinh phục khán giả bằng chất giọng mùi mẫn, nhịp nhàng.

Theo Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Cô bé “giữ lửa” đờn ca tài tử" tại chuyên mục Đờn ca tài tử. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.