Chuyện về đội lân nữ Cần Thơ

14/03/2021 11:16

Theo dõi trên

Đoàn Lân Sư Rồng (LSR) Tú Anh Đường (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) được thành lập từ năm 2008. Đoàn đã trải qua 13 năm xóa bỏ định kiến “Múa lân không dành cho nữ giới”, xác lập hàng chục kỷ lục Việt Nam và châu Á, cùng với vị trí tốp đầu trong làng LSR Việt Nam. Đó là chuyện về những “Bông hồng vàng” múa lân trên đất Tây Đô và người thầy giàu nhiệt huyết.

 
Sáu cô gái của Tú Anh Đường tập bài lân nữ leo cột.
 
Người khai phóng
 
Người thầy ấy chính là võ sư Lương Ấn Đường, Chủ tịch Liên đoàn LSR TP Cần Thơ và cũng là Trưởng Đoàn LSR Tú Anh Đường.
 
Chiều cuối năm bên trong sân tập của đoàn, những cô gái trẻ thoăn thoắt múa lân trên dàn mai hoa thung. “Tấn!”, “Sang trái!”, “Sang phải!”, “Chào khán giả!”... Tiếng võ sư Đường vang vang. Các cô gái trẻ thực hiện một cách chính xác và thuần thục. Sau đó, những “Bông hồng vàng” lại chuyển sang tập bài lân nữ leo cột cao 7 mét, ai cũng tươi rói trên ngọn cột, xoay đều, thả liễn, xịt kim tuyến... khiến người xem vừa thích thú, vừa hồi hộp. Tiếng trống lân thúc dần, tiếng thầy Đường chỉ đạo nghệ thuật lớn dần, các cô gái cũng càng thêm nhiệt huyết. Thầy và trò Tú Anh Đường đang chuẩn bị cho những buổi biểu diễn phục vụ khán giả.
 
Võ sư Lương Ấn Đường nhớ lại, hồi đầu những năm 2000, quận Ô Môn có một đội lân của Quan Thánh Đế Cổ Miếu. Ông Lương Ấn Đường vốn là võ sư Taekwondo nên có rất nhiều môn sinh và ông tập cho học trò thêm nghề múa lân. Dần dà, ông suy nghĩ, tại sao các em nam mới có thể múa lân còn các em nữ thì không. Cũng chưa từng có quyển sách nào ghi lại LSR chỉ dành cho nam giới. Ông tâm nguyện thay đổi điều này. Năm 2008, Đoàn LSR Tú Anh Đường ra đời với những thành viên trẻ và đặc biệt là sự xuất hiện của các cô gái xinh đẹp. Võ sư Lương Ấn Đường vấp phải những phản ứng gay gắt: Người thâm niên trong nghề LSR phản đối vì cho rằng ông Đường đã đi ngược cổ lệ; phụ huynh của các nữ vận động viên lúc đầu cũng phản đối; các vận động viên LSR trẻ cũng phản ứng vì cho rằng ông Đường “thích làm nổi”. Nhưng vốn được đào tạo đại học ngành Thể dục thể thao, ông Đường dùng các quy định chuyên môn để thuyết phục bên cạnh “nhỏ to tâm sự” với các tiền bối để dung hòa. Nhưng có lẽ, thuyết phục hay nhất chính là thành tích mà các cô gái ở Tú Anh Đường đạt được suốt 13 năm qua.
 
Võ sư Lương Ấn Đường lý giải thêm: Nếu chỉ có sự mạnh mẽ, hùng dũng không thôi thì LSR đã trở thành loại hình võ thuật chứ không phải một bộ môn nghệ thuật. LSR rất cần sự mềm dẻo, uyển chuyển, khéo léo. VĐV nam thì không thể làm tốt điều này bằng các em nữ, vì vậy mà trong một số phân khúc, LSR cần cả nữ, mà đôi khi nữ lại làm tốt hơn nam nếu được đào tạo bài bản. Vậy nên, tùy theo từng bài múa mà ông Đường tập trung khai thác yếu tố “mạnh” hay “khéo” theo sở trường của người múa.
 
Trải qua 13 năm cho hành trình chinh phục giấc mơ LSR, các kỳ tài lân nữ đất Tây Đô đã chinh phục hàng chục kỷ lục Việt Nam và 2 kỷ lục châu Á là “Nữ vận động viên múa lân trên cột cao nhất (7 mét)” do võ sư Lê Yến Quyên thực hiện và “Ðơn vị biểu diễn tiết mục Tứ lân nam nữ múa lân thả liễn trên mai hoa thung duy nhất tại châu Á”, do tập thể Ðoàn LSR Tú Anh Ðường thực hiện. Võ sư Lương Ấn Đường cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao giấy chứng nhận xác lập kỷ lục có công huấn luyện và đào tạo bộ môn nghệ thuật LSR nữ với nhiều tiết mục được xác lập kỷ lục Việt Nam.
 
Chuyện sau tiếng trống lân
 
Trong ngôi nhà của Đoàn LSR Tú Anh Đường, võ sư Lương Ấn Đường dành phần lớn không gian để treo các huy chương, giải thưởng, bằng chứng nhận cho hành trình chinh phục đỉnh cao suốt 13 năm qua. Gần đây, ông còn cất một không gian để các VĐV hương khói Tổ nghiệp, hướng về cội nguồn LSR, tiếp thêm sức mạnh để các em phấn đấu trong nghề. Từ hơn chục em ban đầu, Tú Anh Đường bây giờ đã có gần 80 thành viên, đều là người trẻ, trong đó gần phân nửa là VĐV nữ. Những thế hệ vàng của Tú Anh Đường như Lê Yến Quyên, Trần Thị Thủy Tiên... giờ đã ở vai trò lãnh đạo đoàn, HLV, tiếp tục truyền lửa cho các kỳ lân nữ đến sau.
 
Huỳnh Thị Kim Diệu đang là học sinh lớp 12 của Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn, và là VĐV giỏi hiện nay của Đoàn LSR Tú Anh Đường. Kim Diệu kể: “Lúc trước nhìn các chị múa lân em thích và ngưỡng mộ lắm. Em xin cha mẹ theo thầy Đường tập nhưng lúc đầu cha mẹ em còn ngại, bây giờ thì rất ủng hộ. Em rất đam mê với LSR và thật vui vì tập thành công những bài tập khó”. Qua 13 năm vinh hoa và cũng đầy thăng trầm, võ sư Lương Ấn Đường và các môn sinh lại càng yêu quý hơn bộ môn nghệ thuật này và cũng càng trân trọng sự lựa chọn của mình. Một lời khuyên, nói đúng hơn là sự bắt buộc, của võ sư Lương Ấn Đường dành cho các môn sinh là chuyện học hành, phấn đấu tạo dựng sự nghiệp. Múa lân phải hay nhưng học cũng phải giỏi. Em Lưu Thị Kim Thương, cũng là học sinh lớp 12 Trường THPT Lưu Hữu Phước, thành viên Đoàn LSR Tú Anh Đường, cho biết: Thầy Đường luôn nhắc nhở các em phải học tập thật giỏi. Chuyện học phải đặt lên hàng đầu, xong chuyện học rồi mới đi múa lân. Nghe lời thầy, nhiều năm liền Kim Thương đều là học sinh Giỏi. Bây giờ, võ sư Lương Ấn Đường đã có thể tự hào trong Đoàn LSR Tú Anh Đường, có thạc sĩ, có kỹ sư, có dược sĩ, y sĩ... và những học sinh con ngoan trò giỏi. Đó là bảo chứng cho đam mê LSR của các thành viên.
 
Trong những bông hoa của Tú Anh Đường, Lê Yến Quyên tỏa sáng từ khá sớm, với hàng chục kỷ lục về múa LSR được cô xác lập. Cô cũng từng là người phụ nữ trẻ tuổi nhất vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, chính từ tài năng múa lân xuất sắc của mình. Bây giờ, Yến Quyên đã được tin tưởng giao nhiệm vụ phó đoàn, cô lại tiếp tục truyền lửa, truyền đam mê cho các thế hệ đến sau. Phía sau những phút giây thăng hoa cùng tiếng trống lân, Yến Quyên đã có một mái ấm riêng. Chồng cô là Huỳnh Văn Đức, cũng là VĐV của Đoàn LSR Tú Anh Đường và cũng là một kỷ lục gia của hàng loạt kỷ lục. Cô con gái nhỏ của Yến Quyên - Văn Đức vừa qua thôi nôi dường như cũng có máu nghề của cha mẹ, luôn xúc cảm đặc biệt mỗi khi tiếng trống vang lên.
 
Nhắc về bé gái nhỏ của Quyên - Đức, thầy Đường thích thú kể cho chúng tôi nghe chuyện nhớ đời. Ngày 1-1-2020, Yến Quyên dù đã sắp đến ngày sinh nhưng vẫn đến sân huấn luyện các em tập luyện. Tập cả ngày vui vẻ, Yến Quyên thấy sức khỏe vẫn tốt và vẫn chưa thấy có dấu hiệu “bể bầu”. Chừng 7 giờ tối, Yến Quyên gọi điện báo thầy cô: “Con vỡ ối rồi, chắc con sắp sinh”. Vợ chồng thầy Đường tức tốc chạy xe lại chở Yến Quyên đi sinh, bé gái sinh đúng vào ngày đầu năm 2020. Câu chuyện khiến ai cũng bật cười vì sự đam mê và những nghĩa tình ở Tú Anh Đường.
 
Ngoài Yến Quyên, trong câu chuyện với chúng tôi, thầy Đường còn kể về những thế hệ học trò suốt 13 năm qua. Kể tới đâu, võ sư cũng hào hứng bằng cả sự tự hào. Mới hay rằng, cha mẹ hay kể điều hay về con, còn thầy Đường luôn kể về những học trò ngoan. Với ông, học trò cũng như con vậy!
 
Theo Báo Cần Thơ

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện về đội lân nữ Cần Thơ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.