Đền thờ Bát nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương.
Sử sách lưu truyền rằng: Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương sinh tại xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Sinh thời, Thục Nương là một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, lanh lợi, tài đức. Năm 16 tuổi nhan sắc của Thục Nương như đóa hoa phù dung buổi sớm. Thục Nương có tài sách đọc một lần là thuộc, kiếm múa như gió thổi hoa bay, ra ngoài ai cũng tôn là “Nữ tiên hạ thế”. Thục Nương và các bạn cùng trang lứa thường xuyên bơi thuyền, bơi chải, hát đối đáp với trai làng trên sông. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương - con trai quận trưởng Nam Chân. Đôi trai tài gái sắc đang chờ ngày cưới thì tai họa ập xuống đầu họ.
Vào thời đó, nước ta là thuộc địa của phong kiến phương Bắc, viên quan Thái thú Tô Định (nhà Hán) đang cai trị nước ta vốn tham tiền, háo sắc, lại tàn bạo. Biết tin Thục Nương là cô gái vẹn toàn, Tô Định cho quân lính bắt cha và chồng chưa cưới vào dinh ép buộc phải gả Thục Nương cho hắn. Bị cự tuyệt, Tô Định tìm cách giết hại cha, con Phạm Danh Hương sau đó cho quân về lùng bắt Thục Nương. Được dân làng che chở, Thục Nương cùng vài người thân chạy thoát ra sông Hồng, họ vội lên thuyền xuôi mãi. Vài ngày sau họ dừng thuyền ở vùng đất Đa Cương (tả ngạn sông Hồng), nay thuộc tỉnh Thái Bình để nương náu. Tại đây, bà đã lập căn cứ, tụ cờ khởi nghĩa, tổ chức cho nhân dân phát triển nông nghiệp, xây dựng lực lượng vững chắc, dấy quân chống lại, giải phóng một vùng Thái Bình. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã cho người về khuyến dụ hợp sức, bà đã cùng các tướng lĩnh kéo quân về Mê Linh dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán. Giặc Hán thua trận, tướng Tô Định chạy trốn về nước.
Nước nhà độc lập, Trưng Vương lên ngôi, phong Thục Nương là “Bát Nàn Đại Tướng Quân - Trinh Thục Công chúa” cho hưởng thực ấp và quản lĩnh ở hai nơi là Tiên La (Thái Bình) và Phượng Lâu (Phú Thọ). Thục Nương được vua ban cho xe loan, quân hầu, thị nữ cùng bạc, ngọc, lụa là. Thục Nương tổ chức tế cha, tế chồng. Nhân dân các trang đến chúc mừng, mở hội với các trò chơi: Bơi chải, đánh vật, đu tiên, hát đúm, tung cầu… Đất nước độc lập không lâu thì đến tháng 4 năm 42 sau Công nguyên, giặc Hán lại đem quân xâm chiếm nước ta, Hai Bà Trưng cùng nhiều tướng sỹ đã hy sinh anh dũng. Sau trận Cẩm Khê thất thủ, Vũ Thị Thục Nương đem quân về cố thủ ở Tiên La Trang để tiếp tục kháng chiến.
Người dân xã Phượng Lâu tham gia trò chơi bịt mắt đập niêu.
Năm 43 nhà Hán đưa hàng vạn quân sang đánh chiếm lại đất Giao Chỉ. Trong trận chiến không cân sức, quyết không hàng giặc, chiến đấu đến những người cuối cùng. Khi chỉ còn một mình Thục Nương vẫn anh dũng tả xung hữu đột chém, giết thêm nhiều quân giặc, phá vòng vây phi ngựa về gốc cây Thông trên gò Kim Quy tuốt gươm tự vẫn để báo đền nợ nước, trả thù nhà vào đêm 17 tháng 3, rạng sáng ngày 18-3 năm Quý Mão, cách đây 1974 năm.
Ghi nhớ công lao của Bát Nàn đại tướng quân, nhân dân: Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Hải Phòng đều lập đền thờ để các thế hệ cháu con hương khói, tưởng nhớ nữ tướng Anh hùng của dân tộc. Quê hương Phượng Lâu lập đền thờ dưới gốc cây đa cổ thụ. Ông Nguyễn Trung Nguyên - Trưởng Ban quản lý di tích cho biết: “Hàng năm vào dịp ngày mất của Bát Nàn tướng quân 18 tháng 3 (âm lịch), lễ hội được tổ chức để nhân dân địa phương và du khách thập phương có dịp chiêm bái, tìm về cội nguồn cũng như lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời, bày tỏ lòng tri ân với những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước. Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Phần lễ theo nghi thức: Tế nữ quan và dâng hương theo truyền thống, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà được an khang thịnh vượng. Phần hội tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian như: Kéo co, bịt mắt đập niêu, đánh cờ. Năm nay, kỷ niệm năm chẵn ngày mất Bát nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương nên xã Phượng Lâu sẽ tổ chức lễ hội hoành tráng hơn”.
Đền thờ Bát nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương góp phần cùng với những di tích lịch sử khác minh chứng cho sự tồn tại liền mạch của lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ. Để từ đó, mỗi chúng ta ý thức hơn, tự hào hơn về truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân, bồi đắp thêm trong mỗi người dân đất Việt tình yêu quê hương, đất nước.