Thanh Chương

Chuyện tình của người lính Trường Sơn

14/09/2022 09:04

Theo dõi trên

Ngày anh khoác ba lô trở lại chiến trường, chị chỉ biết giấu mặt vào lòng bàn tay vừa khóc, vừa cầu mong cho anh lên đường bình an. Hơn năm mươi năm trôi qua, anh lính lái xe Trường Sơn và cô gái mở đường ngày ấy, giờ mắt đã mờ, tóc đã bạc, lưng đã còng. Trở lại chiến trường xưa, bàn tay ông bà run run dâng nén hương bên nấm mộ đồng đội rồi bất thần khóc nức nở. Ký ức một thời chiến tranh đạn lửa lại ùa về xốn xang...

dh-25634634-1663120995.jpg
Đường Trường Sơn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Tết Mậu Thân - 1968, chiến sự trên các mặt trận ngày càng ác liệt. Đế quốc Mỹ huy động rất nhiều máy bay đánh phá các con đường trọng điểm trên chiến trường. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam trở nên cấp bách. Binh đoàn Trường Sơn được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng vận chuyển gấp hai lần thời gian trước đó. Trong lớp thanh niên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước lúc bấy giờ có Hồ Sĩ Quý, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh là con một, bố thương binh nặng trong thời kỳ chống Pháp. Ông xã đội trưởng thông báo gia đình thuộc diện chính sách được miễn nghĩa vụ, nhưng anh vẫn xung phong nhập ngũ. Trải qua khóa huấn luyện lái xe 3 tháng tại Thanh Hóa, anh được tuyển chọn vào đơn vị lái xe thuộc Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559). Đơn vị anh được giao nhiệm vụ chở hàng hóa từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 20, 22 vào đến bờ Bắc sông Gianh (Quảng Bình). Vượt núi băng rừng, tải thương, tải đạn suốt những năm chiến tranh ác liệt nhất. Giao hàng xong lại chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra miền Bắc an dưỡng, học tập. Có lúc nhận nhiệm vụ đặc biệt, đội lái xe phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào. Trường Sơn khi ấy trở thành nơi thử nghiệm các loại vũ khí bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống suốt ngày đêm. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài 6 tháng biến con đường đất trở thành những thảm bùn lầy, công binh rải bao nhiêu đá nhưng không xuể, nhiều xe vẫn bị “nuốt” khi đi qua. Mùa khô nắng cháy, gió Lào thổi đến héo cả người, chưa kể vắt, muỗi rừng, rắn rết. Như lời bài hát “Lá đỏ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ… Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa…”. Trên các tuyến đường vận tải nhiều đoạn đường được gọi là trọng điểm của trọng điểm, những túi bom của chiến trường. Đoàn xe vận tải chủ yếu men theo sườn núi bên Tây Trường Sơn để đi, một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có đoạn đường chỉ vừa đủ cho chiếc xe lăn bánh, người lái căn đường không chuẩn là cả người và xe rơi xuống vực. Đơn vị anh phải chặt lá ngụy trang, đi ban đêm bằng ánh sáng hắt lên từ bóng đèn “quả táo” đặt dưới gầm xe để tránh máy bay địch phát hiện. 

Cuối năm 1969, đoàn xe anh vượt Cổng Trời (Quảng Bình) trong lúc mùa mưa, đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá đường 12. Con đường ngoằn ngoèo bị máy bay Mỹ chọn những đoạn gấp khúc mà thả bom, trọng điểm là khu vực Cổng Trời dốc cao dựng đứng nối với cửa khẩu Cha Lo thông sang Lào. Đây là nơi tập kết hàng hóa và thương binh, nối hai tuyến đường Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Đoàn xe nhận nhiệm vụ phải cấp tốc chở súng, đạn vượt Cổng Trời chi viện ngay cho các đơn vị phía trong. Tiểu đội Thanh niên xung phong có cô gái Đinh Thị Kiệm, khi ấy người bé nhỏ, chỉ hơn 40 kg đã xung phong dẫn đầu. Đoàn xe đi trong ánh sáng soi bằng hỏa pháo của đối phương, tiếng động cơ máy bay gầm rú trên đầu như xay lúa. Khi xe của anh vượt lên dốc cao, đèn dưới gầm xe hắt lên khiến địch phát hiện. Biết đối phương sắp đánh tọa độ, Hồ Sĩ Quý nhấn mạnh ga lao nhanh về phía trước, cả đoàn lao theo sau. Khi đơn vị vừa vượt qua con dốc thì nơi đó trở thành chiến địa rực lửa. Cô Kiệm ngồi trong xe anh sợ run bắn cả người. Có lần trung đội lái xe bị địch ném bom dính đội hình đang vận chuyển. Quân y chiến trường đến cấp cứu vẫn nghe tiếng các anh thều thào: “Em ơi! Xe của anh có bị làm sao không?”. Sau chuyến đi này, cô gái được anh Quý tặng chiếc mũ tai bèo mà đến giờ bà vẫn giữ làm kỷ niệm. Tình cảm của anh Quý và cô Kiệm bắt đầu bén duyên từ đó. Từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, anh ấn tượng đặc biệt với cô thanh niên xung phong nhỏ bé nhanh nhẹn, đôi mắt sáng long lanh. Hai người lính gặp gỡ và yêu nhau. 

Năm 17 tuổi, thiếu nữ Đinh Thị Kiệm, quê Tuyên Hóa, Quảng Bình, cùng nhiều bạn đồng hương đăng ký nhập ngũ. Vào thanh niên xung phong, họ được điều động phục vụ trong Tổng đội Thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Sau một hai lần đoàn xe đi qua, họ gặp gỡ và nói chuyện với nhau, Quý cảm mến cô nữ thanh niên xung phong xinh xắn. Trời phú cho đôi má lúm đồng tiền, mỗi khi cười để lộ hai hàm răng trắng nõn như hoa cau. Tình cảm cứ thế phát triển, sau hơn một năm, Quý bạo dạn ngỏ lời: 

- Anh yêu em bằng tâm hồn người lính, tình trong ngực và đất nước ở trong tim.

Kiệm không ngần ngại, cô mỉm cười đáp lại:

- Chỉ cần anh thương em thật lòng. Có phải đợi bao nhiêu em cũng chờ.

Chuyện của anh Quý và cô Kiệm chính thức mở ra một chuyện tình đẹp, giản dị giữa hai người lính. Mỗi lần nghỉ, họ chỉ gặp nhau trong lán trại. Kỷ luật quân đội nghiêm ngặt, yêu cầu trong lán phải có vài ba người trở lên, ngồi cách xa. Hai người yêu nhau chỉ nói dăm ba câu, nhìn nhau để nguôi ngoai nỗi nhớ rồi chia tay. Anh Quý ra khỏi lán, cô Kiệm đứng bên trong vẫy tay không dám đi theo. Thỉnh thoảng gặp nhau nhưng anh vẫn cảm thấy chưa đủ. Mỗi khi nghĩ đến người yêu, có lời hay ý đẹp, anh đều viết thư nhờ đồng đội gửi cho Kiệm: “Em chờ anh với niềm tin mãnh liệt, thời gian hoàn thành nghĩa vụ để chứng minh cho hai ta được bên nhau…”. Đọc thư xong, Kiệm lại rơm rớm nước mắt viết những dòng tâm huyết động viên anh: “Hỡi người lính của em! Anh đã dành cả thanh xuân để bảo vệ Tổ Quốc, vậy em còn chờ gì mà không dành cả tuổi xuân cho anh… Yêu anh là em chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiếu đi một cái nắm tay ấm áp trong mùa đông giá lạnh và một nụ hôn nồng nàn trong gió thoảng…”. Có những hôm, đơn vị anh chuyển gấp vào chiến trường Quảng Trị ác liệt. Trước khi đi, anh hẹn gặp người yêu ở rừng lim. Dưới gốc cây, cặp tình nhân ngậm ngùi, mắt ngấn lệ, run run cầm tay nhau. Trên đầu, máy bay Mỹ đánh phá, thả pháo sáng, cô sợ quá, đứng ôm chặt vào người anh. Cô gái nghẹn ngào dúi vào tay anh một cuốn lưu bút ghi lại những tình cảm dạt dào, nỗi nhớ trong hai năm yêu nhau làm kỷ vật thiêng liêng với lời dặn dò thầm kín: “Anh đi, hoàn thành nhiệm vụ anh cố gắng quay về với em…!”. Quý cũng giành cho Kiệm cái nhìn trìu mến và cảm phục: “Anh chúc em luôn vui, khoẻ, trẻ mãi, nỗ lực đạt được nhiều thành tích trong công tác để xứng đáng là người vợ chưa cưới của anh. Chúc em mau chóng thực hiện được ước mơ cao đẹp nhất của mình. Anh nhất định sẽ trở về cùng em xây đời hạnh phúc…”.

Tiếng còi giục giã đoàn xe lên đường. Từ giây phút đó, hai người yêu nhau buộc phải chia xa, không hẹn ngày đoàn tụ. Sau này nghĩ lại, Quý hối hận đã không ôm chặt, trao cho người yêu một nụ hôn. Tình yêu của anh chị là như thế, không lời tán tỉnh, khi chia tay không biết nụ hôn có mùi vị như thế nào. Người chiến sĩ vào chiến trường, ngoài tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu gia đình, tình đồng đội, nếu có được tình yêu đôi lứa, là một nguồn động lực thôi thúc tinh thần chiến đấu, chiến thắng, mong ngày trở về quê hương gặp lại người yêu. Mỗi lần có đoàn xe vào Nam, Quý đều hỏi thăm tin tức về Kiệm với hy vọng sẽ được gặp lại trong một ngày gần nhất. Dù điều đó có thể không xảy ra, nhưng cả hai vẫn nuôi hy vọng và chờ nhau. Những lần đồng đội ra Bắc công tác hay có ai đi qua đơn vị Thanh niên xung phong, Quý đều gửi lời hỏi thăm sức khỏe Kiệm. Yêu nhau từ hai mặt trận, anh chị trao đổi tình yêu thông qua những lời nhắn nhủ. Biết tin người yêu khoẻ mạnh, vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, Quý rất phấn khởi. Có lần, anh tâm sự với đồng đội: nếu phải hy sinh, tôi tiếc lắm, vì bao nhiêu năm có người yêu bên cạnh mà không biết trao cho cô ấy một nụ hôn. Trong trái tim người lính luôn đau đáu hình ảnh người yêu - nữ Thanh niên xung phong nhỏ nhắn, xinh xắn và ngộ nghĩnh. Chiến tranh khốc liệt, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh bất ngờ, trong đầu Quý nhiều khi dằn vặt. Trong những lá thư, lời nhắn nhủ qua đồng đội sau đó, anh khuyên chị nên đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng có một người để yêu, để nhớ ở trong những năm tháng chiến đấu là hạnh phúc. Quý luôn tin tưởng ngày thống nhất non sông, hai người sẽ về sống với nhau trọn đời.

dh-2566756786-1663121061.jpg
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Mùa hè năm 1974, trong chuyến công tác từ Quảng Trị ra Bắc, anh Quý về thăm gia đình, hay tin Kiệm đã ra quân về làm ở Bệnh viện Đồng Hới. Anh tức tốc từ Nghệ An vào Quảng Bình tìm gặp Kiệm. Sau bốn năm xa cách, gặp lại cô Thanh niên xung phong, ngỡ tưởng ôm lấy nhau mà thủ thỉ, nhưng cũng như lần chia tay, hai người nhìn nhau không nói lời nào, hai cặp mắt mắt nhòa lệ. Quý xúc động hỏi:

- Em còn yêu anh nữa không?

Kiệm đáp lại bằng ánh mắt trìu mến:

- Nếu như không yêu… Em còn chờ đợi anh đến bây giờ làm gì?

Hoá ra, những lần có dịp về quê, Kiệm vẫn thường xuyên ghé qua Quỳnh Lưu, hỏi thăm sức khoẻ gia đình anh. Thế là hạnh phúc của anh chị đúng với phong cách người lính: “Thần tốc… Thần tốc…”. Chỉ trong một tuần, Quý đã làm xong thủ tục báo cáo với hai gia đình, chính quyền địa phương và thủ trưởng đơn vị. Đám cưới của họ được tổ chức vào mùa hè năm đó. Một đám cưới giản dị không hoa, váy áo, xe đón dâu hay mâm cao cỗ đầy. Chỉ có tiệc trà, bánh kẹo Hải Châu, ấm chè tươi, thuốc lá Bến Thủy... Cô dâu, chú rể đều diện áo sơ mi trắng và quân phục bộ đội chính thức nên duyên vợ chồng. Mấy hôm sau, hai vợ chồng mặc quân phục ra hiệu ảnh ở thành phố Vinh, chụp một bức ảnh lưu niệm. Anh Quý nói với mọi người: “Vì gặp nhau trong gian khổ mà tình thương quyện chặt với tình yêu”. Hơn một tháng công tác ngoài Bắc, anh Quý trở vào chiến trường Quảng Trị, tiếp tục chiến đấu. 

Sau ngày đất nước thống nhất, anh Quý tình nguyện tham gia đơn vị rà phá bom mìn ngay chính trên mảnh đất anh đã bỏ cả tuổi xuân. Mỗi lần bạn bè đồng đội đến thăm, anh chị đều chia sẻ: “Trong số mấy chị em, có lẽ mình là người may mắn nhất khi hòa bình vẫn có một mái ấm hạnh phúc trọn vẹn, sinh được hai con khỏe mạnh, nay thành đạt. Tình yêu của chúng tôi bền chặt đến hôm nay không chỉ là tình cảm trai, gái mà là tình đồng chí, đồng đội. Còn được sống, được nhìn thấy nhau là quý lắm rồi...”.

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dưới mưa bom bão đạn, sự sống cận kề cái chết, chiến trường gian khổ vẫn nảy nở và nuôi dưỡng nhiều mối tình đẹp. Chuyện tình của anh Quý và chị Kiệm gặp nhau trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa, trở về sau chiến tranh, may mắn tìm được nhau, sống hạnh phúc. Có người được hưởng cuộc sống đầm ấm bên gia đình, có người được làm mẹ không làm vợ, người làm vợ không được làm mẹ, có người ở vậy không lấy chồng. Nhiều người trong số họ mãi mãi nằm lại trong những cánh rừng già. Hàng năm, đội nữ Thanh niên xung phong vẫn gặp nhau trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Họ ôm nhau trong mùi hương rừng ban đêm lan tỏa, tiếng gió reo, lá rơi xào xạc, chim gọi bạn…. Rừng đêm, hình như không hề ngủ… Họ nhắn nhủ với nhau rằng:“Đời có thể quên chúng mình, nhưng chị em chúng mình đừng bao giờ quên nhau. Bom đạn của giặc Mỹ không được đụng đến tuổi xuân…”./.

Nguyễn Duy Hiếu
Bạn đang đọc bài viết "Chuyện tình của người lính Trường Sơn" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.