Chuyện ông Lumière của Đồng Tháp Mười

25/12/2017 00:41

Theo dõi trên

"Tiếng chuông" mà NSƯT Khương Mễ mang đến Pháp để báo với nước ngoài về một nền điện ảnh cách mạng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước ở một nơi hẻo lánh, đồng chua nước mặn đã khoan thai, đĩnh đạc ngân rất xa...

Tôi đến đứng trước căn nhà mà trước kia chỉ cần gõ nhẹ cửa là bắt gặp một mái đầu bạc trắng với khuôn mặt thân quen rất hiếm hoi nụ cười của anh Khương Mễ. Cả anh và chị Tú Trinh đã giã từ chúng ta trên 4.000 ngày. Tôi muốn đến thắp một nén hương báo tin về buổi lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng bưng biền - Nam Bộ vào sáng 15-10 nhưng người nhà đi vắng, cửa đóng kín nên đành ra về, trong đầu đầy ắp kỷ niệm.
 
Hôm nay, tôi quyết định sẽ thay anh kể lại một chuyến "Pháp du" cách đây 20 năm. Một chuyến đi mang theo bao lời nhắn nhủ của bạn bè làm phim khu 8, khu 9, mang theo "tiếng chuông" vọng ra nước ngoài để báo rằng cách đây 50 năm, ở một nơi vô cùng hẻo lánh của miền Nam đất nước chúng tôi, bị quân thù bốn bề bao vây, một nhóm người đã làm nên điều kỳ diệu: Không có điện mà vẫn làm ra điện ảnh.
 


Đạo diễn Khương Mễ (trái) làm việc với các đồng nghiệp tại Bưng Biền. Ảnh: Tư liệu
 
"Bravo Việt Nam!"
 
Liên hoan Phim (LHP) quốc tế Amiens là một trong 5 LHP quốc tế lớn nhất ở Pháp. Tiếng cười nói vang lên khắp phòng chiếu phim chính. Ông Jean Pierre Garcia, Chủ tịch LHP, gương mặt đỏ hồng, râu bạc trắng, nụ cười lấp lánh: "Bà Phượng ơi, không còn chỗ ngồi nào cả, có người phải ngồi ở bục lên xuống để chờ xem phim Việt Nam. Quá vui!".
 
Khán phòng tối dần và trên chiếc màn ảnh rộng 40 m, những thước phim về trận "La Ban", "Trà Vinh" của 50 năm trước bắt đầu hiện lên. Những thanh niên mình trần, quần đùi đen, đi chân đất lao vào trận đánh. Cảnh các đồn Pháp bị tiêu diệt, các binh lính sĩ quan Pháp giơ tay đầu hàng…
 
Màn ảnh sáng lên. Tiếng vỗ tay dồn dập kéo dài của người xem. Hàng ngàn khuôn mặt hướng về anh Khương Mễ. Nước mắt lưng tròng, lau mồ hôi trán, anh nghẹn ngào: "Thật không thể ngờ lại có hôm nay...".

Thường trong một LHP, mỗi nước chỉ giới thiệu một phim. Đặc biệt lần này, Việt Nam được ưu tiên chiếu 4 phim, buổi nào phòng xem phim cũng không còn chỗ ngồi. Dòng người xếp hàng kéo dài từ sân đến sát cửa vào phòng chiếu. Thấy anh Khương Mễ bước qua, tiếng vỗ tay vang lên: "Bravo Việt Nam! Việt Nam!". Dù quen biết anh đã lâu, lần đầu tiên tôi thấy anh cười, thấy anh chảy nước mắt nhiều đến thế.
 
Hôm chiếu phim "Hết đời đế quốc", anh Mễ hồi hộp: "Mình có cảnh thằng Tây bị cho vào một cái chai rồi bắn bay vút đi, không biết người Pháp xem sẽ phản ứng thế nào".
 
Trường đoạn này cũng phải bàn cãi nhiều ở nhà trước khi đem phim sang chiếu ở LHP. Suốt 25 ngày liền, anh Khương Mễ đã cùng tôi chiếu lại từng bộ phim một để tôi dịch ra tiếng Pháp và anh định thêm vào hoặc cắt bớt vài cảnh trong phim. Tôi khuyên anh: "Nên để nguyên như bản gốc sẽ thuyết phục được người xem hơn". "Nhưng chiếu cho người Pháp xem những bộ phim chống Pháp, sẽ có gì chạm tự ái của họ không?". Tôi cố gắng thuyết phục anh: "Họ đã mời chúng ta đi dự, phim đã gửi trước cho họ xem, họ đã nồng nhiệt chờ đón thì theo tôi, họ hiểu rằng đấy là những câu chuyện thật của lịch sử".
 
Thuyết phục anh Khương Mễ không phải là điều dễ dàng nhưng không hiểu sao lần này anh nghe sự góp ý chân tình của tôi. Không cắt bỏ cảnh nào.
 
Nhưng hôm phim "Hết đời đế quốc" ra mắt lần đầu tiên tại Amiens, anh ấy vẫn còn chút lo lắng. Trên màn ảnh hiện lên cảnh kỹ xảo một tên lính Pháp bị du kích xã cho vào cái chai, đang quằn quại một cách tuyệt vọng. Sau đó cái chai bị bắn ra xa và mất hút trên màn ảnh...
 
Phòng chiếu lặng đi. Bỗng tiếng vỗ tay, tiếng cười nói "Bravo! Bravo! (Hoan hô! Hoan hô) vang dội. Ông Jean Pierre Garcia lại một lần nữa lau mồ hôi trán, lao đến ôm chầm anh Khương Mễ.
 
Hải quan Pháp và chiếc thùng gỗ tráng phim
 
Khi chúng tôi đến sân bay Paris, chuẩn bị lấy hành lý. Sáu nhân viên Hải quan Pháp xúm quanh đồ đạc lỉnh kỉnh của "Đoàn Điện ảnh Việt Nam" chất đầy trên 5 chiếc xe đẩy chiếm chật cả lối đi đến khu vực kiểm tra. Một cô hỏi hơi gay gắt, bằng giọng miền Nam nước Pháp: "Ông bà là đoàn điện ảnh à? Sao có nhiều thùng gỗ, sách cũ, máy quay phim cũ nát, vài hộp sắt tròn như thế này?".
 
Anh Khương Mễ mệt mỏi sau chuyến đi dài, thấy đoàn đồng phục hải quan vây quanh những chiếc xe đẩy, nói như quát: "Tụi nó muốn gì?". Tôi vội giải thích: "Hải quan nước nào họ thấy lạ là hỏi thôi. Không có gì đâu".
 
Vào phòng kiểm tra, chiếc thùng gỗ có tay quay dùng để tráng phim được tháo ra đầu tiên để "trình diện". Anh Khương Mễ có vẻ bực bội, ngồi lặng im không nhìn ai. Tôi phải thay anh kể câu chuyện khó tin của chiếc thùng gỗ sần sùi, thô sơ đã cho phép ra đời những thước phim trong một vùng hẻo lánh của miền Đồng Tháp Mười cách đây hơn nửa thế kỷ...
 
 
Các đại biểu tham quan triển lãm tại buổi họp mặt kỷ niệm "70 năm Điện ảnh cách mạng bưng biền - Nam Bộ" sáng 15-10 tại TP HCM. Ảnh: Ninh Lộc
 
Những con người mà nghề nghiệp cho phép họ hằng ngày có dịp kiểm tra, được xem đủ loại hàng hóa, vật dụng lạ lùng và kỳ thú của cả thế giới cũng không nén nổi tò mò khi nghe những câu chuyện từ những hộp sắt gỉ nát, xám xịt bên trong đựng những cuộn phim kèm theo những túi gạo rang chống ẩm, từ chiếc máy quay phim Paillard Bollex 16 mm giây cót đã mòn vẹt, cũ kỹ, từ những quyển sách vàng ố, rách tơi tả viết về điện ảnh của các "cụ" Faveau và Boyer của gần 100 năm trước vẫn còn cất giữ đến tận ngày nay...
 
Lúc này, trong phòng kiểm tra có đến gần 20 cán bộ Hải quan Pháp. Tôi không ngừng kể về những bằng chứng sống đã tạo nên những bộ phim chiến đấu ra đời từ một nơi không có điện, không có nước sạch tận vùng Đồng Tháp Mười xa xôi của Việt Nam...
 
Cuộc kiểm tra lúc đầu hơi căng thẳng đã biến thành cuộc đưa tiễn ra cửa sân bay có nhân viên hải quan giúp gói lại hàng, nhân viên hải quan đẩy giúp 5 xe đồ đạc và đi gần cô nhân viên hải quan trẻ tươi là một Khương Mễ mặt mày rạng rỡ...
 
Ông Jean Pierre Garcia đã chờ rất lâu trước cửa đón, chạy vội đến. Cuộc "bàn giao nhân sự và hành lý" lại diễn ra khá lâu. Tiếng cười nói rôm rả. Ông Chủ tịch LHP trân trọng mời quý ngài hải quan đến xem phim của "Ông già" trong mấy ngày ở Amiens. (Về sau, chúng tôi đã gặp lại một số trong họ. Ăn tối với nhau 2 lần, nhanh chóng trở thành bạn, nhất là giữa Khương Mễ và cô gái hải quan xinh đẹp, cô Pascale. Sau này về Việt Nam, anh Khương Mễ nhắc mãi)…
 
Huyền thoại điện ảnh
 
Sau 3 ngày làm việc, đúng là "mỗi người làm việc bằng 3", trên 25 bức ảnh đen trắng được phóng to đã nằm ngay ngắn trên tường. Trên những chiếc bục gỗ là 6 mô hình thiết bị phục chế, trên những chiếc bàn phủ khăn trắng trang trọng là 2 quyển sách về điện ảnh viết bằng tiếng Pháp từ năm 1947 là những chiếc bàn dán, chiếc kính lúp, chiếc máy Paillard 16 mm... Những hiện vật không biết bao nhiêu lần phải chôn giấu trong xuồng, vùi dưới ao, phải phục chế, nay kiêu hãnh mời đón hàng chục ngàn người chiêm ngưỡng tận TP Amiens xa xôi.
 
Tiếng lành đồn xa... Gian triển lãm lúc nào cũng đầy người, ai cũng muốn tìm hiểu và muốn bắt tay "ông già điện ảnh". Ông hiệu trưởng Trường Trung học Amiens nhận xét: "Mấy ngày nay, cả thành phố xôn xao vì 2 chữ Việt Nam. Các em nô nức xin được đi xem triển lãm, xem phim, được nhìn tận mắt một huyền thoại về điện ảnh... Hai ngàn học sinh đã đến đây. Thật là kỳ diệu".
 
Càng thêm phục Khương Mễ của chúng ta. Ky cóp, giữ gìn, chăm chút từng hiện vật một, tuy không giàu có gì, nhà cửa chật chội, ông trân trọng những "vũ khí" thân thiết của mình và quyết tâm gìn giữ các hiện vật bằng mọi giá vì con cháu mai sau.
 
Và thêm cảm động nhớ đến các tình nguyện viên Pháp. Là kỹ sư, công nhân, nhà báo, nhà văn..., họ nghe được những chuyện như "cổ tích" của một ông già Việt Nam làm phim chống Pháp xâm lược nên tình nguyện đến đây chung tay in phóng ảnh, khiêng bàn ghế, tìm khăn trải bàn, làm mọi việc lặt vặt không một chút nề hà. Tự lo ăn uống và còn đem bánh, sữa, trà, cà phê bồi dưỡng cho chúng tôi. Trên đời này, thật không hiếm người tốt.
 
Trời tháng 11 ở Amiens đã se lạnh. Những lò sưởi tí tách tiếng nổ của than hồng. Nhấp ly rượu vang Pháp thơm nhẹ mùi nho chín, Khương Mễ kể lại với 6 đồng nghiệp Pháp, Bỉ về những ngày gian khổ làm phim, về chiếc xuồng theo anh dọc ngang kênh lạch, về những anh chị em đã ngã xuống, về tấm lòng của bà con ở những nơi Tổ Điện ảnh đã đến.
 
Một người Pháp còn rất trẻ chăm chú ghi chép. Sau này, anh về lại Việt Nam nhiều lần và bộ phim "Chiếc phòng tối của Khương Mễ" ra đời. Samuel Aubin, đạo diễn của phim này, tâm sự: "Đêm ấy, gặp Khương Mễ, được nghe kể lại những câu chuyện của "Điện ảnh bưng biền", tôi vô cùng xúc động và quyết định sẽ làm một bộ phim về ông ấy. Là đạo diễn trẻ, kinh phí làm phim, tìm được nhà sản xuất, nhà phát hành không hề dễ dàng. Một khi gặp trở ngại quá lớn, định bỏ cuộc thì mái tóc bạc trắng của Khương Mễ, đôi mắt sáng cương nghị, đôi bàn tay đã biết rang từng nhúm gạo để chống ẩm cho phim nhựa đã vực tôi dậy. Phim này do tôi làm nhưng người cha tinh thần của nó chính là Khương Mễ...". 
 
Niềm tự hào cho người làm điện ảnh
 
Đêm bế mạc LHP quốc tế Amiens, anh Khương Mễ được mời lên sân khấu. Chủ tịch LHP trao giải Kỳ lân vàng danh dự, giải vinh danh cho sự nghiệp điện ảnh suốt đời, với lời chúc: "Tôi vinh dự được trao giải lớn nhất của LHP đến ông, một con người đã đem lại niềm tự hào cho những người làm điện ảnh chúng ta". Vừa đến ôm chặt Khương Mễ vào lòng, ông vừa tiến đến sát sân khấu: "Mười ngày qua, gia đình điện ảnh chúng ta đã có những giây phút tuyệt vời, càng gắn bó với nhau hơn, càng yêu quý sự nghiệp mà chúng ta đang đảm đương. Và đây là điều tôi mong các bạn đừng quên: Hãy yêu thương, quý trọng người bạn này của chúng ta và của lịch sử điện ảnh thế giới, đây là ông Lumière của Đồng Tháp Mười Việt Nam!".
 
Xuân Phượng
(Người Lao Động)

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện ông Lumière của Đồng Tháp Mười" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.