Chùa Tĩnh Lâu

17/07/2018 16:36

Theo dõi trên

Chùa Sải, tên chữ là Tĩnh Lâu tự, bên bờ Hồ Tây nằm ở góc phố Trích Sài - Võng Thị, thuộc làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

 
Chùa Tĩnh Lâu tọa lạc trên một khu đất cao ở cuối làng Hồ Khẩu (Miệng hồ), mặt chính điện nhìn về phía sông Hồng ở hướng Đông Bắc. Dưới thời Lê, nơi đây thuộc huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, kinh thành Thăng Long. Tương truyền ban đầu chỉ có một am nhỏ thờ các vương tôn quí tộc thời Lý, về sau am mới trở thành chùa thờ Phật. Do sư sãi trông coi nên còn có tên là chùa “Sãi”, lâu dần dân làng gọi chệch ra thành chùa “Sải”.

Chùa từng mang tên chữ là “Thanh Lâu tự” trong suốt hơn hai thế kỷ, trên quả chuông chùa đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và tấm bia hậu dựng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đều vẫn khắc tên như thế. Nhưng trên một tấm bia khác ghi việc tu bổ chùa vào năm Tự Đức thứ 14 (1862) đã thấy thay bằng chữ “Tĩnh Lâu tự” và tên đó được dùng cho đến ngày nay.

Tam quan chùa được làm theo kiểu vòm cuốn với kiến trúc hai tầng, tám mái lợp ngói ống giả, đầu đao cong thanh thóat nhẹ nhàng dưới tán lá xanh của một cây bồ đề to lớn bên bờ Hồ Tây mênh mông. Sau tam quan là một sân rộng, ở giữa có một pho tượng Phật A Di Đà trắng toát trong tư thế kiết già toạ sen trên bệ cao đặt trước giả sơn. Bên trái sân là vườn tháp mộ và ngõ vào khu vực phía sau chùa. Từ sân lên hiên tiền đường có hai bậc thềm rộng, ở giữa là một thềm nghiêng với đôi rồng đá chầu hai bên.
 

Trong chùa hiện lưu giữ được những hiện vật quý hiếm, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 16 - 17. Các pho tượng Phật giáo được tạo tác công phu, trau chuốt, đường nét thanh thóat, kế thừa tinh tuý của nền điêu khắc thời Lê - Mạc. Đặc biệt ở chính điện có tòa Cửu Long trông như chiếc lọng che (bảo cái), được xem là một tác phẩm độc đáo, khác với hình dáng thường thấy.

Ba pho tượng Phật Tam thế trong chính điện được tạc gần bằng kích cỡ của người thật, trong tư thế ngồi kiết già trên đài sen ba lớp với khuôn mặt thon thả, sống mũi thẳng, miệng hơi mỉm cười và đôi mắt khép hờ như đang nhìn xuống. Ngoài ra còn có 38 pho tượng nữa.

Chùa Tĩnh Lâu còn lưu giữ được một số di vật có giá trị khác. Ngoài 15 tấm bia đá cùng nhiều hoành phi và câu đối cổ, tại cửa ra vào có treo quả chuông đồng đề chữ “Thanh Lâu thiền tự”, do thiền sư Hải Vĩnh và một nữ hội chủ (thế danh Đồng Thị Đính, pháp hiệu Diệu Nương) hưng công cho đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 dưới thời Tây Sơn.


Đỗ Vinh
Theo baodulich.net.vn

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Tĩnh Lâu" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.