Chùa Thập Tháp Di Đà với truyền thuyết hòn đá bạc

03/03/2017 10:47

Theo dõi trên

Chùa Thập Tháp Di Đà nằm cách TP. Quy Nhơn khoảng 28 km, được xây dựng trên gò đất có mười ngôi tháp Chàm. Đây là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, gắn liền với truyền thuyết hòn đá bạc, được trùng tu bốn lần nhưng vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm, cổ kính.



Ảnh minh họa (nguồn internet)

 
Ngôi cổ tự xưa nhất miền Trung   

Nằm khuất trong vườn cây cổ thụ sum suê cành lá và quanh năm đắm chìm trong màu xanh của ao đầm, của cây cỏ, chùa Thập Tháp từ lâu đã trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định, thu hút nhiều khách thập phương về hành hương, cúng tế, lễ bái hoặc tham quan, khảo cứu vì đây là ngôi cổ tự xưa nhất ở miền Trung.

Chùa Thập Tháp Di Đà xây bằng gạch Chàm, lợp ngói âm dương, bốn vày, ba gian, hai chái, kiến trúc theo hình chữ khẩu, có hai lớp tường bao bọc chung quanh. Khu vực chính của chùa gồm có khu chính điện, khu phương trượng, khu Tây đường và Đông đường, có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, có lát gạch vuông, bày đủ các thứ cây cảnh. ở khu chính diện, kết cấu chủ yếu là gỗ quý được chạm trổ rất tinh xảo, công phu với những họa tiết hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu. Đầu tám hàng trụ cột và đầu kèo được chạm, trang trí cổ tự.

Ngoài những công trình chính, bên cạnh chùa còn có 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc nhiều thời khác nhau. Trước chùa còn có ao sen rộng, xây bằng đá ong xưa. Trong chùa có ba tạng kinh, giấy khổ rộng, chữ to bằng ngón tay út. Bộ kinh cổ, có lẽ do Sư tổ Nguyên Thiều đã thỉnh từ Trung Hoa sang vào lúc phụng mệnh Chúa Nguyễn về nước vào cuối thế kỷ 17.

Truyền thuyết “hòn đá bạc”

Chùa nằm phía Bắc Thành cổ Đồ Bàn. Thời xa xưa, trên gò đất cao ấy có đến mười ngôi tháp Chàm cổ kính nằm án ngữ mặt Bắc Đồ Bàn cho nên người ta mới gọi là gò Thập Tháp. Chùa được xây dựng vào năm Quý Hợi (1683) niên hiệu Chánh Hòa nhà Lê và vị thiền sư có công xây dựng chùa chính là hòa thượng họ Tạ, húy là Nguyên Thiều, quê quán ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Ông tu về Thiền Tông thuộc phái Lâm Tế. Năm Tân Mùi (1691) nhà Lê, chùa được Vua Lê Hiển Tông ban cho biển ngạch đề "Thập Tháp Di Đà tự". Sau khi xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, Hòa thượng Nguyên Thiều mở trường truyền đạo. Chùa Thập Tháp đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng.

Theo báo Dân Việt, trong chùa còn có Hòn Đá Chém. Tương truyền “Hòn Đá Chém làm bậc cấp Phương trượng, do nhà Nguyễn kê đầu chém giết nghĩa quân Tây Sơn, xưa kia nằm trong khu vực thành Hoàng Đế, gần lăng Võ Tánh và Tháp Cánh Tiên".

"Hòn Đá Chém rất thiêng, những đêm tối trời đầu lâu từ đó lăn ra khắp xóm làng than vãn, dân chúng kinh hãi báo với Quốc sư Phước Huệ 1869 - 1945, trụ trì chùa Thập Tháp, hòa thượng truyền đem về cửa thiền, từ đó các vong hồn được khuây khỏa dần.

”Chùa được xếp hàng Di tích cấp quốc gia vào năm 1990 về Kiến trúc nghệ thuật thế kỷ 19. Đến viếng chùa vào những ngày xuân, khuôn viên đầy hoa, ngồi bên Hòn Đá Chém mà nhớ về một thời kỳ bi hùng, bi thương của quê hương…


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Thập Tháp Di Đà với truyền thuyết hòn đá bạc" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.