Chùa Hoằng Phúc, nơi ghi dấu chân của vị vua Phật hoàng Trần Nhân Tông

06/12/2016 09:38

Theo dõi trên

Đây là ngôi chùa ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đến thời điểm năm 2014, chùa đã có lịch sử 700 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung Việt Nam.


Toàn cảnh chùa Hoằng Phúc - Ảnh: Báo Quảng Bình

Thăng trầm lịch sử

Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho dân, lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến.

Năm 1555, trong tác phẩm Ô Châu cận lục, Tiến sĩ Dương Văn An viết: “Chùa Kính Thiên ở gần trạm Bình Giang huyện Lệ Thủy. Nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa núi u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa thôn xóm chẳng xa, nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng gà gáy chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình vậy. Chùa có đại hồng chung nặng nghìn cân, có tăng quan và người quét dọn, bốn mùa phụng thờ”.

Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên chùa là Kính Thiên Tự.

Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.

Trải qua thời gian, chùa đã bị hư hại, chùa bị sụp đổ trong cơn bão số 12 năm 1985.

Đến thời điểm năm 2014, có một số hiện vật của chùa được lưu giữ như: mõ, một quả chuông bằng đồng cân 80 kg, cao 1,1m, đường kính 0,5m có tai treo chạm nổi 2 con rồng miệng ngậm ngọc cùng nhiều hoa văn tinh xảo, tượng Phật, lư hương, đế đèn, bình hoa, tòa sen.

 Năm 2010, chùa này được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tích cực tôn tạo, phục dựng di tích

Trong công cuộc đổi mới,xây dựng điểm đến du lịch, việc tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử văn hóa tâm linh được các cấp các ngành tỉnh ta và cả nước luôn quan tâm. Và công trình phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc được dư luận đánh giá cao bởi tính xã hội hóa của hoạt động này.

Ngày 30/11/2014, công trình phục dựng chùa Hoằng Phúc do UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư, kinh phí là nguồn đóng góp của cá nhân và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phật tử trong cả nước. Chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo theo hướng chính và giữ nguyên trạng chùa cũ, theo lối chùa cổ thời nhà Trần, gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa…

Sau 12 tháng thi công, công trình đã hoàn thành với chất lượng cao, quy mô khá hoành tráng. Toàn bộ di tích được xây dựng theo đúng không gian, bố cục và kiến trúc của chùa Việt truyền thống. Hướng chính của chùa được giữ nguyên trạng.

Chùa Hoằng Phúc đã được đánh giá cao về các phương diện, mỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan, trở thành một trong những ngôi chùa có giá trị lịch sử văn hóa, xứng đáng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Với quê hương Quảng Bình đã có thêm một công trình mang giá trị lịch sử tâm linh, với du lịch Quảng Bình có thêm điểm đến hấp dẫn trong hệ thống tham quan du lịch.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Hoằng Phúc, nơi ghi dấu chân của vị vua Phật hoàng Trần Nhân Tông" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.