Chùa Dư Hàng: Nhiều giá trị trường tồn cùng với thời gian

02/03/2017 16:34

Theo dõi trên

Là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng từ năm 1986, chùa Dư Hàng ở địa chỉ số 121 phố Dư Hàng (quận Lê Chân). Du khách tới đây tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa có nguồn gốc hàng nghìn năm với nhiều giá trị về kiến trúc và văn hóa gắn với truyền thống đạo Phật của người phương Đông. Là một ngôi chùa nhưng nơi đây từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trong thời kháng chiến.



Chùa Dư Hàng - Ảnh: vietnamtourism

 
Giá trị lịch sử, văn hóa

Đặc biệt, năm 1926, đông đảo tăng ni, phật tử cùng học sinh, thầy giáo, thợ thuyền lao động tập trung tại chùa Dư Hàng làm lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh, khi cả nước được tin cụ mất tại Sài Gòn.

Đây là một sự kiện quan trọng, gắn liền với phong trào đấu tranh yêu nước, đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Cũng tại chùa này, Hội Tăng già cứu quốc Hải Phòng đã làm lễ ra mắt sau Cách mạng tháng Tám (1945). Đây cũng là điểm tổ chức "Tuần lễ vàng", đồng thời các đoàn thể quần chúng cách mạng họp bàn việc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về, ghé thăm đồng bào, chiến sĩ Hải Phòng.

Lịch sử cũng ghi nhận trong suốt 9 năm kháng chiến, chùa Dư Hàng mở rộng cửa thiền nuôi giấu cán bộ, ủng hộ kháng chiến qua phong trào "áo ấm mùa Đông" cho binh sĩ, lương thực nuôi quân. Đặc biệt, có nhiều vị tu hành ở chùa hăng hái tòng quân cứu nước, tiêu biểu có cố hòa thượng Đinh Quang Lạc được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Chùa Dư Hàng có nguồn gốc từ Tiền Lê (980 - 1009). Chùa được xây mới năm 1672, khi quan Đô úy Nguyễn Đình Sách từ quan xuất gia, pháp hiệu Chân Huyền đảm nhiệm. Đến đời Thành Thái, vào năm 1899, Hòa thượng Thông Hạnh  trùng tu ngôi chùa và cho xây gác chuông. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi chùa vẫn được gìn giữ, bảo tồn nhờ công sức của bao thế hệ tăng ni, phật tử.

Nét đẹp về kiến trúc

Quang cảnh chùa hiện vẫn giữ được giá trị kiến trúc của quần thể gần gũi với thiên nhiên, thanh bình giữa lòng thành phố.

Chùa Dư Hàng có kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, hai bên là nhà tổ, đằng trước có tam quan rất đẹp. Qua tam quan chùa sẽ tới tòa Phật điện 7 gian với những hàng cột lim lớn đã ngả màu. Bên trong tòa Phật điện được trang trí bởi nhiều bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son, thếp vàng rực rỡ. Gian tiền đường của tòa Phật điện được trang trí bằng nhiều mảng chạm khắc nổi trên cửa võng với nhiều mảng đề tài quen thuộc mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như: mai điểu, ngũ phúc, rồng mây, hộp hình khắc gỗ mô tả cảnh thầy trò Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng Phật cổ có giá trị với tạo hình chuẩn xác và kỹ thuật tinh xảo như:  bộ Tam thế, tòa Cửu long - Thích ca sơ sinh, hộ thiện, trừ ác, bộ tượng “Thập điện minh vương”, tượng Hộ Pháp, tượng Trúc Lâm Tam Tổ...

Chùa có một gác chuông 5 gian 3 tầng, mái đao cong vút, bên trong treo một quả chuông đồng cỡ lớn có đề chữ “Phúc Lâm tự chung” (chuông chùa Phúc Lâm). Từ gác chuông qua 1 cái sân rộng, bên phải là 5 gian nhà Tổ, nhà thọ trai, nhà ngang và bên trái là 5 gian nhà hậu sẽ tới Tiền đường 7 gian dựng theo kiểu vì kèo giá chiêng. Ở sân trước Tiền đường có đặt một đỉnh lớn bằng đồng hun. Năm gian Thượng điện cũng được dựng bằng gỗ, có những vì kèo chạm trổ tinh tế.

Nằm phía bên phải tam quan, vườn tượng của chùa chính là một tuyệt tác nghệ thuật với 12 pho tượng được chạm khắc tinh xảo, bố trí đẹp mắt quanh một hồ nước rộng. Nổi bật nhất là tượng Phật Tổ màu vàng ngồi trên tòa sen dưới cây bồ đề cao lớn tỏa bóng mát và tượng Phật Di Lặc trong tư thế đang đứng được đặt đối diện nhau ở hai bên hồ. Cả hai pho tượng đều được đúc bằng đồng. Xung quanh hồ đặt tượng của 10 vị Tôn giả được tạc bằng đá trắng trong các tư thế và hình dáng khác nhau.

Khu vườn tháp của chùa bao gồm 11 tháp được xây bằng đá và gạch, là nơi đặt di thể của các vị sư tổ đã viên tịch tại chùa, các vị tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và nhiều vị hòa thượng đã từng trụ trì tại chùa.

Hiện nay, chùa Dư Hàng còn lưu giữ nhiều di vật quý giá như: chuông, khánh, đỉnh đồng, đồ trang trí mỹ thuật bằng gốm sứ, đá xanh và đặc biệt là bộ sách kinh Tràng A Hàm là tài liệu cổ về giáo lý đạo Phật được lưu truyền từ nhiều đời sư trụ trì.

Nhu vậy, có thể khẳng định rằng chùa Dư Hàng với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc trường tồn cùng thời gian đã làm nên sức hấp dẫn của một điểm du lịch văn hóa tâm linh ở thành phố Cảng.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Dư Hàng: Nhiều giá trị trường tồn cùng với thời gian" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.