Chùa Đất Sét - Sóc Trăng

21/08/2015 16:48

Theo dõi trên

Bửu Sơn Tự hay còn gọi là chùa Đất Sét (tỉnh Sóc Trăng), vì hầu hết các tượng Phật, tượng linh thú đều được nặn bằng đất sét. Không chỉ vậy, ngay cả bảo tháp 13 tầng cũng được tạo dựng bằng đất sét.

Chùa Đất Sét nguyên trước kia là am tự được lập từ đầu thế kỷ 20 của gia tộc họ Ngô. Cho đến nay chùa trải qua đến 8 đời trụ trì (không có sư), nhưng trụ trì có công khai mở và làm cho chùa trở nên danh tiếng như ngày nay là vị trụ trì đời thứ 4 ông Ngô Kim Tòng (1909 – 1970).


 
Mặt tiền chùa Đất Sét

Theo nhiều người kể lại, ông Ngô Kim Tòng từ nhỏ đã có thiên hướng say mê nghệ thuật từ rất sớm, nhưng do gia đình nghèo và bệnh tật liên miên nên ông chỉ học hết lớp 3 thì nghỉ. Cha ông Tòng là Ngô Kim Đính, thấy con ốm yếu, cứ bệnh tật hoài nên đưa ông vào ở chung trong am tự để tiện bề thuốc thang và tụng kinh, gõ mõ. Chừng hơn năm sau thì bệnh tình thuyên giảm và dần dà dứt hẳn.Khi ấy ông bước vào độ tuổi đôi mươi. Sau khi dứt bệnh, ông nguyện phần đời còn lại của mình sẽ ăn chay và gửi thân cho Phật pháp.

Cũng theo nhiều người kể lại, năm 1928, trong một lần trùng tu am, ông Tòng nằm mơ thấy Phật báo mộng, rằng ông đi về hướng Tây lấy đất sét về đắp tượng mà thờ. Tỉnh dậy, ông làm theo lời Phật dạy.

Ngoài những công việc thường nhật ở am tự, cứ vài ngày thì ông đi bộ về hướng Tây, nơi có cánh đồng đất sét cách am tự 5, 7 cây số. Một mình ông đào đất, gánh về phơi khô, giã cho mịn ra, gạn bỏ hết tạp chất rồi trộn cùng với bột làm nhang và ô dước để tạo ra hợp chất dẻo quánh rồi mới nặn tượng.Ông Tòng nói với nhiều người, rằng làm như vậy nó mới không bị nứt nẻ.Để chống đỡ cho bức tượng bền, cứng ông dùng lưới kẽm, gỗ làm sườn, sau đó dùng vải màn bao lại và đắp nguyên liệu hỗn hợp đất sét là chủ yếu vào.Ông Tòng làm cái công việc này ròng rã suốt 42 năm. Khi ông đã hoàn thành việc sửa chữa, mở rộng am thành chùa, và trang trí các tượng Phật, tượng linh thú thì ông lâm bệnh và không lâu sau thì qua đời.

Ông Ngô Kim Tòng viên tịch vào ngày 18/7/1970, thọ 62 tuổi. Trong suốt 42 năm miệt mài dồn hết tâm lực, nâng niu với từng gánh đất ông để lại cho người đời sau những tác phẩm nghệ thuật “quí hơn vàng”, và có lẽ cũng chẳng có gì sánh được. Bởi ở ông không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa, tư duy tưởng tượng cũng vô cùng phong phú. Tự mình đã đắp trên 1.000 bức tượng phật, tiên, thánh, thần và hơn 200 bức tượng linh thú, lư hương, bảo tháp… tất cả đều được ông “thả hồn” vào trong đó với chất liệu chính bằng đất sét. Với lòng say mê nghệ thuật hiếm có, ông Tòng vừa làm vừa học, mày mò tìm kiếm phương cách đắp tượng mà không màng danh lợi. Ông được người đời xem là nghệ nhân không qua trường lớp.Nhưng ở mỗi bức tượng ông tạo ra mang một vẻ đẹp, thần thái khác nhau. Song, tất cả đều cho thấy sự miệt mài, cần mẫn của một con người với cái tâm luôn hướng Phật. Bất kỳ ai đến đây cũng nhận ra tấm lòng nhân bản, ấm áp tình thân từ một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có một không hai này.




Cây nến được thắp sáng từ năm 1970 đến nay

Sự nổi tiếng của chùa Đất Sét không chỉ có những bức tượng bằng đất sét, nơi đây còn thu hút du khách mỗi khi có dịp đến Sóc Trăng bởi những cặp đèn cầy khổng lồ cháy liên tục gần nửa thế kỷ qua vẫn chưa dứt.

Theo trụ trì đời thứ 8 thầy Khánh Thọ, chùa Đất Sét có cả thảy 4 cặp đèn cầy, mỗi cây cao 2,6m. 3 cặp đèn cầy lớn mỗi cây nặng 200kg, đường kính 1m; cặp đèn cầy nhỏ nặng 100 kg được thắp liên tục từ năm ông Tòng mất (1970) đến nay vẫn chưa hết, và có lẽ còn đủ sức cháy thêm mươi năm nữa. Thầy Khánh Thọ phỏng tính, mỗi cây đèn cầy lớn thắp liên tục phải 70 – 80 năm mới hết, như vậy nếu thắp hết số đèn cầy hiện có chắc phải mất đến nhiều đời nữa.

Năm 2011, chùa Đất Sét được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Từ nhiều năm nay, chùa Đất Sét cùng với chùa Dơi đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi du khách có dịp đến vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú, nghĩa tình.

Minh Cường (Báo Du Lịch Việt Nam)

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Đất Sét - Sóc Trăng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.