Chùa Bà Già

23/06/2018 15:35

Theo dõi trên

Chùa Bà Già tên chữ Bà Già tự, ở làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa có tên gọi theo địa danh thôn là chùa Phú Gia.

 
Các công trình được bố cục hài hòa trong một không gian rộng thoáng.

Xa xưa, làng Phú Gia có tên là Bà Già hương, sau đổi thành An Dưỡng phường. Đến thời Trần, nhà vua huy động nhân dân phường An Dưỡng xuống sửa lại đền Đông Bộ Đầu và đắp thành Đại La để chống quân Nguyên xâm lược nên mới đổi tên là làng Phú Gia.

Chùa Bà Già nằm bên bờ hữu ngạn sông Hồng, cách cầu Thăng Long khoảng 1km. Chùa là một công trình kiến trúc Phật giáo khá sớm. Từ thời Lê, chùa đã có quy mô to lớn nổi tiếng. Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, thoáng; thế đất hình con rùa nằm ở phía Bắc của làng. Chùa quay về hướng Nam, bên trái là vườn cây ăn quả và hồ nước rộng, phía sau chùa là đường đê và sông Hồng.

Theo tư liệu trên quả chuông “Trùng tạo trú hồng chung Bà Già tự” niên hiệu Chính Hòa thứ 16 (1665) cho thấy: Chùa Bà Già được xây dựng trước năm 1636. Đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Chùa có bố cục mặt bằng kiểu chữ “công”. Từ ngoài vào chùa có các công trình: Cổng tam quan, nhà tiền đường, thượng điện, nhà thờ tổ, thờ mẫu, tăng phòng, hai nhà dải vũ, công trình phụ. Các công trình được bố cục hài hòa trong một không gian rộng thoáng, những nếp nhà cổ ẩn mình dưới những tán cây xanh mát mẻ.

Tam quan chùa làm kiểu gác chuông, mái chồng diêm hai tầng tám mái, lợp ngói ta, cửa mở thông bốn phía, tám đầu đao đắp hình hồi long, vì kèo đỡ mái bằng gỗ kiểu đơn giản “chồng rường” trang trí bào trơn, kẻ soi. Tầng trên treo quả chuông lớn. Qua tam quan đến vườn và sân chùa lát gạch vuông. Liền phía sau sân là chùa chính kết cấu kiểu chữ đinh…

Hiện nay, tại chùa còn lưu giữ bộ di vật khá phong phú và đa dạng, gồm 58 pho tượng tròn, trong đó, tượng Phật gồm 46 pho, tượng Tổ 1 pho, tượng Mẫu và các tượng khác 11 pho. Các pho tượng đều được tạo tác công phu, tinh xảo, sơn son thiếp vàng, mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ thứ 17 - 19.


 
Tam quan chùa làm kiểu gác chuông, mái chồng diêm hai tầng tám mái.

Ngoài ra, chùa còn giữa được một số hiện vật: Hai quả chuông, trong đó có chuông “Trùng tạo trú hồng chung Bà Già tự” niên hiệu Chính Hòa thứ 16 (1665). Chuông cao 146cm, đường kính rộng 86cm, bốn mặt chuông khắc chữ Hán, dòng chữ trên chuông khắc trong hình lá đề; đồ gỗ có 10 đôi câu đối sơn son, trong đó, có hai đôi hình lòng mo phủ gấm. Các câu đối của chùa có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa và ca ngợi Phật pháp; bức hoành phi, một cỗ kiệu long đình; tám tấm bia đá được tạo tác bằng đá xanh trắng mịn, trong số đó có tấm bia lớn nhất ghi “Bà Già tự bi ký” cao 90cm, rộng 51cm, bia niên hiệu Dương Hòa thứ hai (1636)… Đó là những di vật lịch sử quý, giúp cho hậu thế hiểu được lịch sử sâu xa của một làng quê và vẻ đẹp thiền tịnh của chùa Bà Già.

Chùa Bà Già được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1996.


Nhật Minh
Theo baodulich.net.vn

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Bà Già" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.