Được hình thành từ thế kỉ thứ XVIII, chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang – nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang sớm có tiếng tăm cả về thương mại lẫn du lịch. Giao thông ở đây hoàn toàn bằng đường thủy với các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tấp nập. Chợ nổi Cái Bè chính là minh chứng sinh động nhất cho một nét văn hóa đặc sắc của phương Nam; trở thành một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ, là trạm trung chuyển trái cây và các sản vật đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Cái Bè mang một vẻ đẹp đậm chất thôn quê, thấm đẫm chất miệt vườn. Bên cạnh sự tấp nập, nhộn nhịp của đời sống buôn bán, Cái Bè vẫn giữ được vẻ nên thơ với những kênh rạch và vườn cây xanh mướt ngút tầm mắt. Đêm đến, ánh đèn từ những ghe thuyền và dãy phố nằm dọc bên bờ sông soi xuống đáy nước huyền ảo, tạo nên vẻ đẹp mê hoặc khó quên.
Có thuận lợi về vị trí địa lý, là nơi tiếp giáp của ba tỉnh là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long nên chợ nổi Cái Bè lúc nào cũng đông vui, tấp nập người mua bán. Hàng hoá ở đây vô cùng đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống,…nhưng nổi bật nhất là trái cây bởi Cái Bè là nơi có nhiều vườn trái nhất tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh những hàng hoá mua bán, trao đổi, thì chợ Cái Bè cũng cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm và các dịch vụ cho cư dân chợ nổi.
Chợ Cái Bè hoạt động suốt ngày đêm, mỗi phiên chợ thường họp trong khoảng thời gian từ 2 giờ đến 8 giờ sáng với hàng trăm chiếc ghe thuyền buôn bán đủ mọi loại mặt hàng. Nét độc đáo chung của các chợ nổi là “sào nào, rau củ - trái ấy”, tức là trên ghe thuyền bán loại trái cây, nông phẩm nào thì treo lên sào cho người mua dễ nhận biết, và không phải rao mời. Ngoài những mặt hàng thông thường, du khách có thể tìm thấy các loại trái cây chuyên canh của Tiền Giang như: bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè… hay những đặc sản như kẹo dừa, cốm nổ, mật ong,... Với giá cả phải chăng cùng sự gần gũi, thân thiện của những người bán hàng luôn mang đến cho người mua, đặc biệt là những du khách cảm giác dễ chịu và thích thú.
Trái cây là hàng hóa tiêu biểu tại chợ nổi Cái Bè
Nếu có dịp đến du ngoạn chợ nổi Cái Bè thì bình minh và hoàng hôn chính là thời gian thích hợp nhất. Đây được xem là hai thời điểm đông đúc và đẹp nhất ở chợ nổi với rất nhiều hoạt động nhộn nhịp. Ngồi trên thuyền, du khách có thể vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức ngay những tô hủ tiếu nóng hổi hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng.
Điểm đặc biệt, khi đến với chợ nổi Cái Bè, du khách có thể dễ dàng hòa nhập cùng không khí nhộn nhịp nơi đây và tham gia các hoạt động mua bán bởi chợ được phân chia ra thành từng khu buôn bán riêng vô cùng thuận tiện.
Khu vực bán các loại củ, quả chạy dài từ ngã ba Nhà Thờ đến cửa Vàm Long Hải. Khu này thường có loại ghe lớn có trọng tải từ 5-10 tấn từ các tỉnh khác chở hàng đến mua bán. Khu bán gạo, cám thì nằm riêng biệt ở một khúc sông. Nét độc đáo của chợ nổi là ghe thuyền bán thứ gì thì treo thứ ấy lên đầu ngọn sào để người mua biết, không phải rao mời.
Mỗi nơi một vẻ, trên bến dưới thuyền, du khách sẽ thấy toàn cảnh khu chợ như một bức tranh tả thực sống động, nhiều màu sắc. Màu sắc từ các loại rau củ, hoa quả; màu của những chiếc áo bà bà phất phơ trong gió; những chiếc ghe lớn, nhỏ, xuồng năm lá, ba lá xuôi ngược nhộn nhịp; âm thanh náo động cả một vùng sông nước. Buổi chiều, khi mặt trời khuất sau rặng cây cũng là lúc “thành phố nổi” lên đèn. Chợ nổi lúc về đêm nổi bật với những chiếc đèn lồng nho nhỏ treo ở phía trước mũi thuyền nhấp nháy. Những chiếc ‘nhà ghe” nằm im lìm trong buổi chiều tà. Văng vẳng tiếng hát vọng cổ nghe thật nôn nao, bâng khuâng.
Mùa nào của quả ấy, chợ nổi Cái Bè lúc nào cũng đông vui và tập nập. Với những nét duyên vốn có và đặc trưng nổi bật của miền Tây Nam Bộ, chợ nổi Cái Bè sẽ là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Bởi vậy, nếu có dịp đến Tiền Giang, hãy đừng bỏ lỡ cơ hội để trải nghiệm những điều thú vị tại vùng quê xinh đẹp này.
Theo Cinet.vn