Chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn

17/03/2019 22:03

Theo dõi trên

Theo lịch sử, triều Nguyễn có 9 đời chúa và 13 đời vua. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là vị chúa Nguyễn đầu tiên đặt nền móng cho vương triều Nguyễn và Bảo Đại là vị vua cuối cùng, trong khoảng thời gian gần 400 năm bắt đầu từ năm 1558 và kết thúc vào năm 1945.


Chín chúa

Chúa Nguyễn là cách gọi chung trong sử sách và dân gian về một vương triều đã cai trị dải đất từ vùng Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào đến phương Nam, bắt đầu từ nhà Hậu Lê giữa thế kỷ 16 đến khi bị nhà Tây Sơn diệt năm 1777. Các chúa Nguyễn là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
 
1. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525–1613). Ông nội là Nguyễn Hoằng Dụ, cha Nguyễn Kim và anh rể Trịnh Kiểm đều là những trọng thần của triều đình nhà Hậu Lê. Sau khi Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc đánh thuốc độc chết, rồi Trịnh Kiểm giết anh trai ông là Nguyễn Uông, Đoan quận công Nguyễn Hoàng lo ngại cho người hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và được ngầm chỉ bảo “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, ông bèn nhờ chị gái là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, người anh rể cũng muốn Nguyễn Hoàng đi xa khỏi gây ảnh hưởng đối với vua Lê nên chấp thuận. Ông xưng Chúa năm 1558, là vị chúa khai sinh của triều đại, ban đầu đóng dinh ở làng Ái Tử, tỉnh Quảng Trị. Kể từ đó các đời vua chúa kế tục mở mang bờ cõi về phương Nam và thống nhất hoàn toàn đất nước vào năm 1802 dưới triều vua Gia Long. Năm 1601 ông cho xây chùa Thiên Mụ.
 
2. Chúa Sãi (Chúa Bụt) Nguyễn Phúc Nguyên (1563–1635). Ông là người đầu tiên mang họ Nguyễn Phúc. Tương truyền lúc mẹ ông có thai chiêm bao có vị thần đưa tờ giấy đề chữ “Phúc”, quần thần chúc mừng đề nghị đặt tên thế tử là “Phúc”, nhưng muốn cả dòng tộc sau này được hưởng phúc nên bà lấy chữ này làm tên lót. Năm 1626, để chuẩn bị cuộc chiến với chúa Trịnh ông cho dời dinh vào huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
3. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601–1648). Năm 1636 chúa Thượng dời phủ vào Kim Long, thương cảng Thanh Hà – Bao Vinh hình thành ngay sau đó, cùng với Hội An là hai cửa ngõ ngoại thương lớn nhất Đàng Trong của các chúa Nguyễn thời bấy giờ.
 
4. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620–1687), được sử sách đánh giá là tướng tài, Bắc đốt cháy Hà Lan, đánh tan quân Trịnh tiến đánh Đàng Trong, Nam dẹp yên Chăm Pa, Chân Lạp.
 
5. Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái (1650–1691). Ông là người dời phủ về làng Phú Xuân. Phú Xuân từ đó trở thành chính dinh của các đời chúa Nguyễn tiếp theo và là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn sau này.
 
6. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1675–1725). Ông là người đầu tiên sai sứ sang nhà Thanh xin phong vương nhưng không được chấp thuận vì nhà Thanh vẫn xem vua Lê ở Đàng Ngoài là vua của đất Việt lúc đó.
 
7. Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú (1697–1738). Ông có công trong việc thiết lập đơn vị hành chính mới, giữ gìn và mở mang vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
8. Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát (1714–1765). Năm 1744, lúc này Chúa Trịnh đã xưng vương nên Nguyễn Phúc Khoát cũng xưng Vũ Vương và xem Đàng Trong như một nước độc lập.
 
9. Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1754–1777). Khi còn sống, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát chọn con trai thứ chín là Nguyễn Phúc Hiệu nối ngôi, nhưng Nguyễn Phúc Hiệu chết còn con ông đang quá nhỏ nên Vũ Vương cho con trai thứ hai là Nguyễn Phúc Luân (cha vua Gia Long sau này) nối ngôi. Khi Vũ Vương chết, quyền thần Trương Phúc Loan giết Nguyễn Phúc Luân lập Nguyễn Phúc Thuần khi ấy mới 12 tuổi lên ngôi để dễ bề thao túng. Năm 1777 ông bị nhà Tây Sơn giết khi 26 tuổi, chưa có con nối dõi.
 
Mười ba vua
 
Nhà Nguyễn được thành lập sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và chấm dứt khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945, trải tổng cộng 143 năm, có 13 vị vua thuộc 7 thế hệ.
 
Quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn năm 1804 dưới triều vua Gia Long. Năm 1839 vua Minh Mạng đổi tên nước thành Đại Nam với ngụ ý một nước Nam rộng lớn, quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945 khi vua Bảo Đại đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.
 
Triều Nguyễn là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ 19, trải qua hai giai đoạn chính:
 
- Từ năm 1802–1858 là giai đoạn độc lập, từ khi vua Gia Long thống nhất đất nước đến các đời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
 
- Từ năm 1858–1945 là giai đoạn bị Pháp xâm lăng và đô hộ, kể từ khi quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào tháng 8 năm 1945.
 
 
1. Vua Gia Long (tên Nguyễn Phúc Ánh, trị vì 1802–1820). Vua Gia Long là một vĩ nhân, một thực thể tất yếu của lịch sử Việt Nam. Ông trải suốt 25 năm bôn ba chinh chiến mới khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc. Ông có công thống nhất mảnh đất chữ S và xác định chủ quyền với đảo Hoàng Sa - Trường Sa, quốc hiệu Việt Nam xuất hiện từ triều đại này, đưa Việt Nam trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Đông Dương.
 

2. Vua Minh Mạng (tên Nguyễn Phúc Đảm, trị vì 1820–1841). Trong 21 năm ở ngôi, vua Minh Mạng đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, hai cuộc cải cách hành chính dưới vương triều vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng là có quy mô toàn quốc và đạt hiệu quả cao nhất.
 

3. Vua Thiệu Trị (tên Nguyễn Phúc Miên Tông, trị vì 1841–1847). Sử sách nhận định vua Thiệu Trị là người hiền hoà, cần mẫn nhưng ít năng động và tham vọng như vua cha. Mọi định chế đã sắp đặt khá quy củ từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị chỉ việc áp dụng theo mà ít có sự cải cách, thay đổi gì mới. Ông nổi tiếng là một thi sĩ, nổi tiếng nhất là hai bài thơ chữ Hán là Vũ trung sơn thủy và Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm. Điểm độc đáo là cả hai bài không trình bày theo lối thường mà viết thành 5 vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có một số chữ, mỗi bài có 56 chữ ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú, nhìn vào như một trận đồ bát quái, vua chỉ cách đọc và ra câu đố tìm 64 bài thơ trong đó. Hiện nay các nhà nghiên cứu đã tìm được 128 cách đọc.
 
4. Vua Tự Đức (tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, trị vì 1847–1883). Tự Đức được đánh giá là một vị vua tốt. Ông chăm chỉ xem xét việc triều chính không hề trễ nải, được các quan nể phục. Ông là vị vua ham học, hiểu rộng và đặc biệt giỏi văn thơ, và cũng được người đời ca tụng là một ông vua rất có hiếu. Ông không có con nối dõi nên nhận ba người cháu làm con nuôi: Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái (tức vua Dục Đức), hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (tức vua Đồng Khánh) và hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng (tức vua Kiến Phúc). Triều đại của ông đánh dấu nhiều biến cố với vận mệnh Đại Nam, phải chật vật đối phó với thế lực phương Tây nhưng không thành công, rồi dần dần để chủ quyền đất nước rơi vào tay người Pháp.

5. Vua Dục Đức (tên Nguyễn Phúc Ưng Ái, trị vì 1883), lên ngôi được 4 ngày thì bị hai vị phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường hạch tội phếtruất, bị giam và bỏ đói đến chết.
 
 
6. Vua Hiệp Hòa (tên Nguyễn Phúc Hồng Dật, trị vì 1883), sau khi phế Dục Đức, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa Lãng Quốc công Hồng Dật lên làm vua, giai thoại kể rằng khi quần thần đến phủ rước, dù năn nỉ mấy, Hồng Dật cũng không đi, cuối cùng phải dùng vũ lực đưa ông vào Tử Cấm thành. Sau vì bất đồng quan điểm nên bị hai quan phụ chính ép uống thuốc độc chết sau khi tại vị 4 tháng.

7. Vua Kiến Phúc (tên Nguyễn Phúc Ưng Đăng, trị vì 1883–1884). Ông là vị quân chủ yểu mệnh nhất của nhà Nguyễn, tại vị được 8 tháng thì băng hà lúc mới 15 tuổi.
 

8. Vua Hàm Nghi (tên Nguyễn Phúc Ưng Lịch, trị vì 1884–1885). Là em trai vua Kiến Phúc, được hai trọng thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Năm 1885, sau trận tập kích Pháp thất bại, được Tôn Thất Thuyết hộ giá và nhân danh ông phát động phong trào Cần Vương chống Pháp, sau 3 năm thì bị bắt đem an trí ở Algérie rồi qua đời tại đây.

9. Vua Đồng Khánh (tên Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, trị vì 1885–1889). Ông được tướng Pháp đề nghị lập làm vua lúc vua Hàm Nghi rời khỏi triều đình theo phong trào Cần Vương. Ông là người hiền lành, không chống đối Pháp, ở ngôi được 3 năm hưởng dương 24 tuổi.
 

10. Vua Thành Thái (tên Nguyễn Phúc Bửu Lân, trị vì 1889–1907). Ông là người cầu tiến, yêu nước, có hiểu biết khá toàn diện. Khác với những vị vua trước đây, ông học tiếng Pháp, cắt tóc ngắn mặc âu phục, làm quen với vǎn minh phương Tây. Ông ngày càng bộc lộ tinh thần dân tộc và chống Pháp rất cao, nên đến năm 1907 ông bị Pháp ép thoái vị, sau đó đày sang đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.
 

11. Vua Duy Tân (tên Nguyễn Phúc Vĩnh San, trị vì 1907–1916). Khi Thành Thái bị thực dân Pháp lưu đày tại Vũng Tàu, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp. Năm 1916, lúc ở Châu Âu có cuộc Thế chiến thứ Nhất, ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân dự định khởi nghĩa. Dự định thất bại và Duy Tân bị bắt đem an trí cùng vua cha Thành Thái ở đảo Réunion Ấn Độ Dương.

12. Vua Khải Định (tên Nguyễn Phúc Bửu Đảo, trị vì 1916–1925). Tuy kế nhiệm Duy Tân nhưng Khải Định là một ông vua thân Pháp nên không có được cảm tình của nhân dân.
 

13. Vua Bảo Đại (tên Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, trị vì 1925 – 1945). Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn nói riêng và của chế độ quân chủ lịch sử Việt Nam nói chung. Ông được đào tạo theo Tây học, hào hoa lịch lãm, mạnh dạn bỏ một số tập tục của các vua đời trước, phá lệ Tứ bất đặt ra từ thời Gia Long phong bà Nguyễn Hữu Thị Lan là Nam Phương hoàng hậu và đã thực hiện nhiều cải cách về nội các, hành chính. Trong bản Tuyên ngôn thoái vị bàn giao quyền lực cho Việt Minh, ông có câu nói nổi tiếng “Trẫm muốn làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ”.
 
Trung Anh
(Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.